Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2:

Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại 4 tội danh ở cả 2 giai đoạn của vụ án

Thứ năm, 26/09/2024 08:15
Vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ tại phiên tòa.

Trong phiên tòa ngày 25-9, HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo bị truy tố về tội: “Rửa tiền”, gồm: Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan), Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của Trương Mỹ Lan), Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan), Trần Xuân Phượng, Nguyễn Phương Anh (Phó TGĐ Cty Pennisula), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền TGĐ SCB), Trần Thị Mỹ Dung (Phó TGĐ SCB) và Trịnh Quang Công (TGĐ Cty Acumen).

“Kịch bản” cắt đứt dòng tiền bất hợp pháp

Theo cáo trạng, sau khi thực hiện hành vi: “Tham ô tài sản” của Ngân hàng SCB và hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua chỉ đạo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (đã chết), Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (đều thuộc Ngân hàng SCB) phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB. Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỷ đồng.

Quy trình rút tiền mặt được thực hiện (chủ yếu ở Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn) như sau: Bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng phối hợp với Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung yêu cầu Nguyễn Phương Anh lập danh sách các pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền; đồng thời chỉ đạo Thái Thị Thanh Thảo (Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale, Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn) phối hợp với Nguyễn Phương Anh triển khai thực hiện.

Tiếp đó, Nguyễn Phương Anh chỉ đạo các nhân viên kế toán được giao quản lý các “công ty ma” trong nhóm lập các chứng từ và chuyển cho Thái Thị Thanh Thảo thông tin về các pháp nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền để lập các chứng từ hoàn tất thủ tục rút tiền mặt, sau đó hẹn các cá nhân được thuê đến Ngân hàng SCB ký chứng từ rút tiền. Sau khi hoàn tất các thủ tục rút tiền, Thái Thị Thanh Thảo thông báo cho Trần Thị Thúy Ái (Kiểm soát viên ngân quỹ Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn) để xuất tiền mặt khỏi quỹ giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) tại Hầm B1, trụ sở Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Sau đó, lái xe Bùi Văn Dũng vận chuyển tiền về Tòa nhà Sherwood (số 127- Pasteur, Q.3, TP Hồ Chí Minh) giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan) để Uyên tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan; hoặc Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Trần Xuân Phượng (trợ lý cho bị cáo Ngô Thanh Nhã, em dâu Trương Mỹ Lan); một số trường hợp Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Cũng theo cáo trạng, từ 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, lái xe Bùi Văn Dũng đã nhận vận chuyển tổng số tiền 108.000 tỷ đồng và hơn 14.000 USD, trong đó có 6.300 tỷ đồng là tiền có nguồn gốc do Trương Mỹ Lan phạm tội mà có.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại 4 tội danh

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền cáo buộc chịu trách nhiệm trong tội “Rửa tiền”. Bị cáo Lan cho rằng, cùng 1 nguồn tiền nhưng bị cáo lại bị quy trách nhiệm về 4 tội danh (giai đoạn 1 và 2), gồm: “Vi phạm quy định về ngân hàng”, “Tham ô tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Về số tiền hơn 445.000 tỷ đồng bị buộc tội: “Rửa tiền”, bị cáo Trương Mỹ Lan khai không sử dụng số tiền này. Bị cáo giải thích là chỉ có 75 tỷ đồng là khoản vay đến hạn thì anh em (cựu lãnh đạo SCB) tự động cơ cấu lại khoản vay. Còn tiền chuyển đi nước ngoài rất ít so với số tiền nước ngoài chuyển tiền Việt Nam.

Các bị cáo bị truy tố về tội: “Rửa tiền” tại phiên tòa ngày 25-9.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng về tội danh: “Tham ô tài sản”, bị cáo đã kháng cáo toàn bộ bản án và đã nộp một số tài liệu mới. Bởi, từ năm 2012, bị cáo Lan chỉ làm 1 việc là cho SCB mượn tài sản, cũng 1 công việc, 1 số tiền đó mà quy kết bà thành 4 tội. Bị cáo Lan cũng phủ nhận không chỉ đạo các bị cáo khác chuyển tiền, không chỉ đạo rút tiền từ SCB. Tài sản của SCB là do Vạn Thịnh Phát cho mượn, SCB không có tiền để rút ra khỏi ngân hàng…

Còn bị cáo Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan), Chủ tịch HĐQTCty Times Square, cáo trạng xác định từ năm 2018 đến ngày 7-10-2022, Chu Lập Cơ đã cùng Trương Mỹ Lan che giấu, hợp thức, sử dụng 33 tỷ đồng do bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội: “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà có. Tại tòa, bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận đã sử dụng 33 tỷ đồng, nhưng bị cáo khai nhận có nhiều thẻ tín dụng chứ không có phải có mỗi thẻ SCB. Bị cáo này cũng cho hay rất ngạc nhiên vì số tiền sử dụng có nguồn gốc bất hợp pháp nên đã nói gia đình khắc phục 19 tỷ đồng.

T.H

Lộ diện những “phù thủy” thực hiện việc phát hành trái phiếu “khống” và “điều hướng” dòng tiền cho Trương Mỹ Lan

Ngày 20-9, TAND TPHCM tiếp tục xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo đồng phạm. Phiên tòa tiếp tục xét hỏi đối với nhóm các bị cáo thuộc các công ty phát hành trái phiếu, cũng như cách hợp thức hóa việc phát hành trái phiếu để chiếm đoạt tiền của

Xét xử Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Cựu lãnh đạo Công ty kiểm toán A&C “trải lòng”

Bị cáo Lý Quốc Trung (phó tổng giám đốc, kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C) bày tỏ đau đáu về luận điểm buộc tội

Tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn và các công ty, đơn vị liên quan

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo về việc xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị liên quan.