Xét xử “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2:

Hơn 36 nghìn bị hại, đương sự không được triệu tập nhưng vẫn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp

Thứ sáu, 20/09/2024 08:20

Ngày 19-9, TAND TP HCM tiến hành xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 19-9 đến 19-10-2024.

Các bị cáo đồng phạm trong vụ án tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2, ngày 19-9.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo đồng phạm khác bị xét xử về 3 tội danh, gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về cả 3 tội danh nêu trên. Bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, người liên quan và bị hại trong giai đoạn 2 của vụ án có gần 100 luật sư; trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có 4 luật sư bào chữa; bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bị cáo Lan) có 2 luật sư bào chữa…

TAND TP HCM xác định trong giai đoạn 2 của vụ án có 35.824 bị hại; 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định. Việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.

Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt và quy mô của vụ án nên ngay từ sáng 19-9, có rất đông bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tập trung trước TAND TP HCM để theo dõi phiên tòa. Tại các khu vực này, lực lượng chức năng cũng có mặt để giữ ANTT. TAND TP HCM đề nghị các bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên Trang thông tin điện tử TAND TP HCM.

Ngoài ra, đối với các cá nhân sở hữu trái phiếu nhưng không thuộc 6 mã trái phiếu sau: QT2018.12.01; ADC 2018.09; ADC 2018.09.01; ADC 2019.01; SET.H2025; SNW-2018.10 do Cty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông; Cty CP đầu tư Sunny World; Cty CP đầu tư Quang Thuận và Cty CP DV&TM TP Hồ Chí Minh (Setra) phát hành không nằm trong phạm vi xét xử đối với vụ án này.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc “hệ sinh thái” Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Lan cũng là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp; chủ trì họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB quyết định sử dụng 4 công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra (đều thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu; chạy dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho số trái phiếu phát hành, sau đó thông qua công ty chứng khoán bán trái phiếu cho hàng ngàn nhà đầu tư, thu tiền về sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục đích phát hành trái phiếu. Tính đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại và không có khả năng thanh toán.

Cũng theo cáo trạng, từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo: Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.000 tỷ đồng do Trương Mỹ Lan phạm tội mà có vào các mục đích khác nhau. Trong đ có các khoản chi, như: Trả gốc, lãi trái phiếu; Chi trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB; Chi phí lãi vay, chi phí hoạt động của Ngân hàng SCB; Chi cho dự án Dự án Mũi Đèn Đỏ; Dự án A6, huyện Bình Chánh); Chi cho các cá nhân; Chuyển tiền ra nước ngoài…

Các bị cáo đồng phạm trong vụ án tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2, ngày 19-9.

Cáo trạng còn cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan từ năm 2012 đến 2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bà Lan giao cho thuộc cấp lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, góp vốn, tư vấn giữa các nước ngoài (đều là các công ty ma thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB. Tổng số tiền mà bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD.

Ở giai đoạn 1 vụ án, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2024/HSST ngày 11/4/2024 của TAND TPHCM, bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạm các tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ” với mức hình phạt chung là tử hình.

T.H