Bộ tranh “Hồi sinh”, chạm sâu trái tim
Ngày 8-7, Triển lãm tranh “Hồi sinh” đã được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh Quảng Trị. Sự kiện do Lotus Gallery cùng với các công ty cổ phần Sam Holdings, Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị, Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy phối hợp tổ chức với sự điều phối, hỗ trợ của cơ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị.
Triển lãm trưng bày 130 tác phẩm của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre, sinh năm 1977), như một sự nối dài của quá khứ và hiện tại, được ví như một bản song tấu kể lại câu chuyện chuyển mình của vùng đất đã từng là “đất lửa”. Đặc biệt, hiện diện, giới thiệu trong sự kiện còn có một nhân vật nổi tiếng và rất nặng lòng với Quảng Trị. Đó là giám tuyển Nguyễn Thị Xuân Phượng. Năm 1945, vào tuổi mười sáu, bà Xuân Phượng rời gia đình để tham gia phong trào kháng chiến cứu nước. Trong ba mươi năm ở mặt trận, bà đã làm nhiều công việc khác nhau như làm báo, làm bom mìn, làm thông dịch tiếng Pháp, làm phóng viên chiến trường, làm bác sĩ và công việc sau cùng là đạo diễn phim tài liệu.
Cơ duyên cho sự chuyển ngành này, từ công việc ổn định của một bác sĩ để trở thành một phóng viên chiến trường, chính là cuộc gặp gỡ vợ chồng nhà điện ảnh cách mạng người Hà Lan Joris Ivens dưới sự giới thiệu trực tiếp của Bác Hồ tại Dinh Chủ tịch vào năm 1967, mở đầu hành trình làm phim “Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân” gây chấn động địa cầu. Đồng hành cùng bà trong hành trình làm phim của vợ chồng đạo diễn Joris Ivens có cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Bà đã chứng kiến nhiều bức ký họa của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm ra đời trong mưa bom bão đạn, lằn ranh sinh tử ấy.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1932-2019) sinh tại Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Từ năm 14 tuổi, họa sĩ đã tham gia các lớp vẽ của khóa Mỹ thuật Kháng chiến. Năm 1950 thì tham gia vào lực lượng chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Năm 1967, ông đồng hành cùng đoàn làm phim “Vĩ tuyến thứ 17 – Chiến tranh nhân dân” để ký họa tại trận địa Vĩnh Linh, Quảng Trị. Với bạn đồng hành là giấy bút, khi một bên là tiếng gầm rú của máy bay, một bên là tiếng nổ của đạn bom, cố họa sĩ đã miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào để ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ và của những bà con các vùng đất lửa như Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Hơn nửa thế kỷ sau, họa sĩ Đinh Quang Hải cũng bắt đầu dự án “Vẽ - Đi - Tre” của mình tại những nơi mà cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã đi qua nhằm ghi lại những cảm nhận về phong cảnh và nếp sinh hoạt của người dân các vùng miền qua con mắt đương thời. Anh vẫn chọn cách “ghi hình chậm”, dùng giấy và màu nước, dẫu nhiếp ảnh đã là một phương tiện phổ biến và tức thời.
Họa sĩ Đinh Quang Hải, sinh 1977 và lớn lên tại Hàng Tre - Hà Nội. Tốt nghiệp khoa sơn mài tại đại học Mỹ thuật công nghiệp vào năm 2001, nhưng đến năm 2016 anh mới quay lại với nghiệp vẽ và gần như đã tìm thấy một phiên bản thăng hoa hơn của các tác phẩm thông qua màu nước. Họa sĩ hiện đang là thành viên của Hiệp hội màu nước Quốc tế (IWS) và đã tham gia vào nhiều triển lãm nhóm cùng với Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ lâu, trong tâm trí anh đã hình thành ý tưởng từ một lời nhắc “Vẽ - Đi -Tre”. Ở đó, đi và vẽ là hai hành động song hành: đi để có thêm trải nghiệm, vẽ để ghi lại cuốn nhật ký bằng tranh. Hàng chục tác phẩm của họa sĩ Hải Tre tại triển lãm như mảnh ghép sinh động vào trong bản song tấu chạm đến trái tim.
Chia sẻ đầy xúc động tại triển lãm khi trở lại Quảng Trị ở tuổi 95 dịp này, bà Xuân Phượng bồi hồi nhớ đến cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và tâm nguyện của ông về những bức ký họa một thời hoa lửa. Phát biểu tại sự kiện, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cũng nhấn mạnh Triển lãm “Hồi sinh” là không gian đặc biệt đưa chúng ta trở về Miền ký ức, để cùng nhau nhìn lại, cảm nhận và tôn vinh những giá trị của hòa bình, sự hồi sinh và tình người qua những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, được các nghệ sĩ tài năng và tâm huyết dày công sáng tác, tạo dựng. Lắng đọng tự hào trước ký họa về y tá Hoàng Văn Thùy tại Mặt trận Đường 9 – Nam Lào (năm 1967) đến chân dung chiến sĩ 1968, chân dung nữ diễn viên Đoàn Văn công Giải phóng (tháng 10-1971), hay bức ký họa nữ xã đội phó Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh), Những giờ nghỉ ngơi trên bãi khách Trường Sơn, Gặp nhau trên Đường Trường Sơn (1966), Pháo vào trận địa Vĩnh Linh… công chúng được chạm cung bậc cảm xúc, tràn đầy sức sống, lao động tươi đẹp về sự chuyển mình của quê hương, đất nước, của con người sau chiến tranh, là thông điệp về niềm tin, hy vọng và hòa bình từ nét vẽ sinh động tuyệt vời.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 11-7. Đây cũng là dịp để các thế hệ trẻ được hiểu hơn về cuộc sống của người dân thời chiến, để có cái nhìn thấu cảm và biết ơn sự hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cha ông đã nằm xuống vì một Quảng Trị hòa bình của hiện tại. Cũng là nơi để giới thiệu cho du khách hiểu rõ hơn về lịch sử cũng như sự kiên cường, quyết tâm của người dân Quảng Trị nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, từ đó hiểu được ý nghĩa của sự nỗ lực gìn giữ hòa bình, tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Bảo Hà