Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Cần làm gì khi “sập bẫy” cho vay nặng lãi?

Thứ hai, 12/06/2023 17:09
Luật sư Đặng Văn Vương

Luật sư Đặng Văn Vương - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Cẩm Lệ, trả lời:

Mức lãi suất vay tối đa trong giao dịch dân sự là bao nhiêu?

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Lãi suất vay trong giao dịch dân sự do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản vay; trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Theo thông tin chị Nhung cung cấp, tổng số tiền chị vay ông H. là 150.000.000 đồng, lãi suất hàng tháng là 20.000.000 đồng, tương đương 160%/năm. Như vậy, mức lãi suất mà chị và ông H. thỏa thuận cao hơn gấp 8 lần so với mức quy định của pháp luật, vi phạm quy định pháp luật về lãi suất. Theo quy định pháp luật, lãi suất mà chị phải trả chỉ 20%/năm.

Hành vi cho vay với mức lãi suất 160%/năm của ông H. có vi phạm pháp luật không?

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trường hợp chị Nhung, ông H cho chị vay với mức lãi suất 160%/năm là cao gấp 08 lần so với mức lãi suất tối đa trong giao dịch dân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 nêu trên, thu lợi bất chính 87.500.000 đồng (số tiền thu lợi bất chính này được giải thích tại mục 3 dưới đây) nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tội danh và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, hành vi trên của ông H. là vi phạm pháp luật hình sự và có thể chịu hình phạt chính là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; và có thể chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Khoản nợ được xử lý như thế nào trong trường hợp ông H. vi phạm pháp luật hình sự?

Điều 5, Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định:

“Điều 5. Xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm

1. Tịch thu sung quỹ Nhà nước đối với:

a) Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay;

b) Tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay.

c) Tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.

2. Trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.”

Điều 6. Xác định số tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự

2. Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.”

Căn cứ quy định nêu trên, khi ông H. vi phạm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, khoản vay và tiền lãi chị Nhung đã trả cho ông H. sẽ được xử lý như sau:

Đối với số tiền gốc 150.000.000 đồng ông H. cho chị vay: đây là số tiền mà người phạm tội (ông H.) dùng để cho vay, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, khoản tiền này chị Nhung vẫn chưa trả cho ông H. nên cần tịch thu từ chị Nhung để sung quỹ Nhà nước.

Đối với khoản tiền lãi ông H. được phép thu tối đa theo quy định của Bộ luật dân sự (mức lãi suất 20%/năm), tương ứng số tiền (20%/năm x 5 tháng x 150.000.000 đồng): 12 = 12.500.000 đồng, là khoản tiền phát sinh từ tội phạm nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

Đối với số tiền 87.500.000 đồng (100.000.000 – 12.500.000) là khoản tiền thu lợi bất chính mà ông H. thực tế đã thu của chị Nhung nên ông H. phải trả lại cho chị Nhung.

Chị Nhung nên làm gì để bảo vệ mình và gia đình?

Thực tế cho thấy các đối tượng cho vay nặng lãi thường có hành động hung hãn, ngang tàng, coi thường pháp luật để ép bên vay hoặc những người thân thích của họ phải trả lãi “cắt cổ” và tiền vay. Các đối tượng này có thể chửi bới, đe dọa, uy hiếp, hành hung người vay và/hoặc người thân của họ; phá hoại, cưỡng đoạt tài sản của người vay và/hoặc người thân của họ... Để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, bảo vệ mình và gia đình, chị Nhung nên thực hiện các bước sau:

+ Bước 1: Thu thập tài liệu, chứng cứ (thu thập các thông tin, bằng chứng chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của ông H.) như: Hợp đồng vay/giấy vay tiền giữa chị và ông H; văn bản xác nhận của hai bên về việc chị đã trả tiền lãi hàng tháng; tin nhắn qua lại của các bên về việc xác lập khoản vay và thanh toán toán lãi hàng tháng, chứng cứ về chuyển khoản, giao nhận tiền mặt, tiền lãi. Đồng thời, nếu ông H. gây rối, chửi bới, gây sức ép, đe dọa, hành hung chị và người thân hoặc phá hoại, cưỡng đoạt tài sản thì chị cần ghi lại bằng chứng (hình ảnh, video, ghi âm, tin nhắn...) hành vi vi phạm của ông H.

+ Bước 2: Tố cáo đến Cơ quan điều tra: Sau khi đã thu thập đầy đủ các bằng chứng, chị Nhung có thể gửi đơn tố cáo (tố giác tội phạm) đến Cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận/huyện nơi chị cư trú để yêu cầu điều tra xác minh, xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật ông H. về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và tội danh khác tùy mức độ nguy hiểm và hậu quả của các hành vi thu nợ bất hợp pháp mà ông H. thực hiện như “Tội làm nhục người khác”, “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”, “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Tội cưỡng đoạt tài sản”.

+ Bước 3: Đề nghị được bảo vệ: Theo quy định tại Điều 484, 485, 486 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người tố giác tội phạm có quyền đề nghị Cơ quan điều tra bảo vệ họ và người thân thích của họ khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của họ hoặc người thân thích bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại. Vì vậy, nhằm bảo vệ an toàn cho mình và gia đình, chị Nhung nên làm văn bản đề nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp bảo vệ trong quá trình Cơ quan điều tra giải quyết.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425