TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Vợ mất năng lực hành vi dân sự, chồng bán nhà được không?

Thứ ba, 16/05/2023 14:46
*Bạn đọc hỏi: anh Lê Quang Hòa, ở Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng), hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn năm 1995, có 2 người con. Chúng tôi có một căn nhà ở Q.Hải Châu. Năm 2020, vợ tôi phát bệnh tâm thần và hiện nay vẫn đang điều trị tại bệnh viện, không có khả năng nhận thức như người bình thường. Mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự chủ được, phải có người giúp. Nay cuộc sống quá khó khăn, cha con tôi muốn bán ngôi nhà này để có tiền trang trải cuộc sống cũng như có chi phí chữa bệnh cho vợ tôi. Tuy nhiên, tôi nghe nói muốn bán tài sản chung của vợ chồng thì phải có chữ ký của cả vợ và chồng. Cho hỏi tôi có quyền bán căn nhà chung của vợ chồng tôi không? Nếu được, tôi cần làm những thủ tục gì và chuẩn bị giấy tờ gì?

*Luật sư Phan Thụy Khanh - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Vợ anh Hòa có bị xem là mất năng lực hành vi dân sự hay không?

Theo thông tin anh Hòa cung cấp, vợ anh phát bệnh tâm thần và hiện đang điều trị tại bệnh viện, mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự thực hiện được, không có khả năng nhận thức như người bình thường. Như vậy vợ anh Hòa có thể được xem là mất năng lực hành vi dân sự hay không?

Khoản 1 và 2 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”

Vợ anh Hòa bị bệnh tâm thần, là biểu hiện của việc mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, để xác định theo quy định pháp luật, cần có văn bản có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền tuyên bố vợ anh Hòa mất năng lực hành vi dân sự. Để thực hiện thủ tục này, anh Hòa cần làm đơn yêu cầu gửi tòa án, kèm theo chứng cứ chứng minh tình trạng bệnh của vợ anh để tòa án xem xét. Trong trường hợp cần thiết, tòa án có thể tiến hành giám định pháp y tâm thần đối với vợ anh. Tòa án sẽ ra quyết định dựa trên kết quả giám định pháp y tâm thần.

Ai là người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự?

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giám hộ như sau:

“Điều 46. Giám hộ

1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.”

“Điều 47. Người được giám hộ

1. Người được giám hộ bao gồm:

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;”

“Điều 48. Người giám hộ

2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.”

“Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.”

Để trở thành người giám hộ đương nhiên của vợ mình, anh Hòa phải đáp ứng các điều kiện sau: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Như vậy, trường hợp sau khi có quyết định của tòa án tuyên bố vợ anh Hòa là người mất năng lực hành vi dân sự; đồng thời nếu khi có hành vi dân sự đầy đủ (nghĩa là trước khi bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự), vợ anh Hòa không lựa chọn người giám hộ cho mình khi cô ấy ở tình trạng cần được giám hộ, và anh Hòa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như quy định nêu trên, anh Hòa sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên của vợ anh. Anh Hòa nên đến UBND phường nơi vợ chồng anh cư trú để làm thủ tục đăng ký người giám hộ đương nhiên để có thể tiếp tục thực hiện các thủ tục khác có liên quan.

Người giám hộ đương nhiên có quyền và nghĩa vụ sau:

Về quyền: sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho

những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ; được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Về nghĩa vụ: chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ; đại

diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Anh Hòa có quyền tự bán căn nhà chung của vợ chồng anh Hòa không?

Như đã phân tích ở trên, sau khi đã thực hiện các thủ tục để trở thành người giám hộ của vợ mình, anh Hòa có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, luật cũng quy định như sau, cụ thể tại Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 59. Quản lý tài sản của người được giám hộ

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.

Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.”

Việc anh Hòa muốn bán nhà để trang trải cuộc sống và lo việc chữa bệnh cho người vợ là việc làm vì lợi ích của người được giám hộ. Trong trường hợp này, anh Hòa cần được sự đồng ý của người giám sát giám hộ. Khoản 1 và Khoản 3 Điều 51 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người giám sát giám hộ như sau:

“Điều 51. Giám sát việc giám hộ

1. Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.

Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.

3. Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu là cá nhân, có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát nếu là pháp nhân; có điều kiện cần thiết để thực hiện việc giám sát.”

Căn cứ tất cả các quy định nêu trên, anh Hòa muốn bán căn nhà chung của vợ chồng anh thì cần thực hiện các thủ tục: gửi đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự và các chứng cứ chứng minh tình trạng bệnh tâm thần của vợ anh đến tòa án nơi vợ chồng anh cư trú. Sau khi tòa án có quyết định tuyên bố vợ anh là người mất năng lực hành vi dân sự, anh Hòa đến UBND phường nơi anh cư trú để làm thủ tục đăng ký người giám hộ; đồng thời cử một người thân của vợ anh (con, cha, mẹ…) làm giám sát giám hộ. Việc anh Hòa bán nhà có thể được thực hiện với sự đồng ý của người giám sát giám hộ.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425