Báo Công An Đà Nẵng

Cần tập trung xử lý dứt điểm nhiều dự án dân sinh bức thiết

Thứ năm, 20/07/2023 06:45
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Đã chờ sẽ tiếp tục chờ!

ĐB Vũ Quang Hùng cho biết, 10 năm trước TP đã có chủ trương di dời 288 hộ dân sinh sống tại khu chung cư (KCC) Thuận Phước trên đường Nguyễn Đức Cảnh thế nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trong khi, 8 block nhà chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng loạt hạng mục hư hỏng nặng, lún, nứt tại nhiều vị trí. Đa số tường nhà đều bị thấm nước, rêu xanh mọc đầy, thậm chí có căn hộ chỉ cần dùng tay là có thể bóc được cả mảng tường. Cũng theo ông Hùng, từ 3 năm trước, các KCC Thuận Phước (288 hộ), Lâm đặc sản Hòa Cường (72 hộ) đã hết hạn sử dụng. Tất cả các KCC này chỉ có thể sơn phết, chống thấm, thay cửa..., còn bên trong các chủ hộ tự sửa chữa. Chất lượng các KCC này kém do công trình bàn giao sử dụng đã hơn 20 năm, đầu tư với suất đầu tư thấp, quy mô nhỏ từ 3 - 5 tầng và không có thang máy. Nhiều KCC được thi công gấp rút để đáp ứng nhu cầu tái định cư. Ngoài ra, công tác duy tu bảo dưỡng chưa kịp thời do thiếu vốn...Thống kê cho thấy Đà Nẵng có 31/43 KCC có chất lượng loại trung bình trở xuống. Việc nhiều người dân ở trong các chung cư xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, được TP đưa chủ trương xử lý trong nhiều năm qua. Nhưng đáng nói, việc này vẫn cứ dai dẳng, đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Theo đại biểu Hùng, từ năm 2017 TP đã có chủ trương giao Sở Xây dựng nghiên cứu vị trí đất để xây dựng KCC hiện đại từ 15-20 tầng phục vụ di dời KCC Thuận Phước và Lâm đặc sản Hòa Cường, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Trả lời chất vấn liên quan nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong nói, đây là những KCC xây dựng đầu tiên, qui mô thấp tầng, lại nằm trong khu vực tuyến đường nhỏ 7,5m, vì vậy để đầu tư xây chung cư mới tại đây thì không khả thi. Lý do không đảm bảo không gian đáp ứng các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giao thông. Do đó, TP đã chọn khu đất số 10 Trịnh Công Sơn để xây dựng chung cư mới cao tầng, hiện tại, có tiện nghi tiện ích. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một số vướng mắc về qui định, mặt khác chủ trương của TP trong giai đoạn này cần rà soát lại nguồn ngân sách đầu tư cho chung cư, nhà ở xã hội. Như trả lời của ông Phong thì chưa biết bao giờ người dân ở 2 KCC này được di dời, tiếp tục sống trong chung cư xuống cấp trầm trọng và chờ!

Tình trạng cũng diễn ra tương tự trong lĩnh vực môi trường, khi mà các điểm ô nhiễm, bãi rác Khánh Sơn quá tải, các nhà máy xử rác, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đề cập nhiều lần, qua nhiều kỳ họp đến nay vẫn chưa có lối thoát. Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT Phạm Nam Sơn nêu nhiều khó khăn, vướng mắc khiến 2 nhà máy xử lý rác chậm trễ triển khai và cũng chưa biết khi nào triển khai. ĐB Nguyễn Thị Phượng nói rằng, trả lời của ông Sơn về 2 dự án này không thỏa đáng, đến giờ vẫn đang rà soát pháp lý, chưa biết khi nào mới thực hiện, đưa vào vận hành như Sở đã hứa với cử tri từ những kỳ họp trước.

Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn.
Đại biểu Lê Văn Dũng đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng.

Khổ vì chờ qui hoạch phân khu!

Nhiều đại biểu cũng chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về các dự án qui hoạch “treo” triền miên, ảnh hưởng đến lợi ích, đời sống trực tiếp của người dân. Trong đó 2 khu vực điển hình mà các đại biểu đề cập tới nhiều là khu vực qui hoạch ga đường sắt cũ tại quận Liên Chiểu và khu vực tổ 89 phường Hòa Xuân (dự án thoát lũ, công viên ven sông). ĐB Lê Văn Dũng nói, quy hoạch ga đường sắt cũ đã 19 năm, hơn 2.000 hộ dân trên 5.000 nhân khẩu ở đây bị hạn chế quyền lợi. Đến khi TP bỏ quy hoạch ga đường sắt tại đây, chuyển sang dự án tái thiết đô thị, dân hỏi bao giờ triển khai, kỳ họp năm ngoái Giám đốc sở trả lời đang chờ qui hoạch phân khu, đến nay lại cũng trả lời đang chờ qui hoạch phân khu. Trả lời như vậy không thỏa đáng, phải chờ đến bao giờ?. Bây giờ nhiều dự án, đụng đến lại bảo chờ qui hoạch phân khu, đã quá nửa nhiệm kỳ rồi nhưng tiến độ lập qui hoạch phân khu rất chậm, rất bức thiết. “Quyền lợi của người dân bị hạn chế trong thời gian quá dài, phải đồng cảm, thấu hiểu được nỗi khổ của người dân suốt gần 20 năm qua”- ĐB Lê Văn Dũng nói.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết nói, cử tri bức xúc, dự án nào nói đến cũng chờ qui hoạch phân khu, rồi chờ qui hoạch chi tiết, không biết đến bao giờ xong qui hoạch. Dân người ta nói qui hoạch không biết có được lợi gì không chứ người dân, doanh nghiệp vì câu chuyện chờ qui hoạch mà cảm thấy lợi ích chính đáng của họ bị thiệt thòi nhiều rồi. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai, bao giờ làm xong qui hoạch phân khu?. Tương tự tại khu vực tổ 89 Hòa Xuân, ông Triết cho biết lúc đầu nói chỉ chỉnh trang, sau điều chỉnh làm dự án, số lượng giải tỏa phát sinh từ hơn 80 hộ lên hơn 350 hộ, chi phí giải tỏa hơn 350 tỷ và hơn 320 lô đất tái định cư. Câu chuyện làm, không làm, nghiên cứu, xà quần miết cuối cùng dân muốn làm nhà không được, làm việc này, việc kia cũng không được, không có câu trả lời dứt khoát. Việc này cần xử lý dứt điểm.

Về tiến độ qui hoạch phân khu chậm, khiến nhiều dự án vướng, bị chậm theo, Giám đốc Sở Xây dựng nói, trong 19 đồ án qui hoạch phân khu thì có 9 phân khu đô thị, tất cả các dự án đô thị đều nằm trong 9 phân khu này. Mỗi qui hoạch phân khu theo ông Phong mất khoảng 456 ngày do có nhiều chỉ tiêu kỹ thuật, hạ tầng, xã hội phải rà soát kỹ. Hiện nay 9 phân khu đô thị đã hoàn thành các thủ tục, đang giai đoạn thẩm định, trình phê duyệt.

Với dự án tái thiết đô thị khu vực qui hoạch ga Đà Nẵng cũ tại Liên Chiểu, ông Phùng Phú Phong cho biết TP đang kêu gọi xã hội hóa để nhà đầu tư quan tâm thực hiện. Trong đồ án phân khu đang triển khai thì khu vực này ưu tiên tạo cảnh quan môi trường và khớp nối với hạ tầng đô thị khu vực xung quanh, đồng thời tạo một khu vực động lực cho Liên Chiểu phát triển. Do đó cần phải đầu tư nghiên cứu. Với các dự án treo, ông Phong nói TP có qui định cụ thể quyền lợi của người dân trong khu vực này, được cấp phép xây dựng tạm (xây 1 tầng, 1 lửng, không quá 100m2; được tách thửa theo hạng mức và mua bán). Liên quan tới khu vực tổ 89 Hòa Xuân, ông Phong nói tất cả các qui hoạch từ trước đến nay thì khu vực này đều là công viên công cộng, cây xanh, khu vực dự trữ ven sông, hành lang thoát lũ. Khi triển khai đồ án qui hoạch chung, ven sông Hàn không có công viên qui mô nào, do vậy định hướng đây vẫn là công viên công cộng ven sông đảm bảo hành lang thoát lũ. Ông Phong cũng nói, Đà Nẵng còn hơn 14 ngàn lô đất tái định cư đã có đất thực tế, riêng khu nam cầu Cẩm Lệ còn hơn 3.200 lô, do vậy nên dành ưu tiên bố trí phục vụ giải tỏa những dự án bức thiết như ở tổ 89 Hòa Xuân. Như trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng thì các dự án mà dân bức xúc, mòn mỏi chờ đợi này cũng chưa biết khi nào triển khai, vẫn tiếp tục chờ.

Dự án tại tổ 89 Hòa Xuân “treo” dai dẳng nhiều năm.

Phát biểu giải trình, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, những nội dung đại biểu quan tâm, TP đã và đang thực hiện, có nội dung có kết quả, ra sản phẩm, nhưng cũng có nội dung cần thời gian, nguồn lực, cơ chế, đặc biệt phải rà soát lại tính pháp lý, lịch sử, đánh giá thẩm quyền của các cấp hiệu quả. Tuy vậy, ông Chinh cũng đề nghị các sở, ngành thực hiện các nội dung cam kết, những lời hứa trước đây cũng như tại kỳ họp này. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu khẩn trương hoàn thành các quy hoạch, nhất là các quy hoạch phân khu theo cam kết đến cuối năm nay, không để quy hoạch trở thành điểm nghẽn, cản trở tiến độ đầu tư các dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Ông Triết cũng yêu cầu sớm rà soát, hủy bỏ những quy hoạch treo, những dự án không thực hiện. Dự án nào làm hay không làm phải trả lời công khai cho người dân, phải hết sức chú ý tuân thủ quy định pháp luật về đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch. “Cần dành nguồn lực và chủ động hơn cho việc triển khai các công trình dân sinh, cử tri kiến nghị nhiều lần như là xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý các lô đất trống, chống ngập úng, nhà sinh hoạt cộng đồng, thiết chế văn hóa ở cơ sở…”- Chủ tịch HĐND TP nói.

Thông qua 29 nghị quyết

Kỳ họp thứ 12 HĐND khóa X hoàn thành toàn bộ nội dung theo chương trình đề ra. Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện các báo cáo, tờ trình, HĐND thành phố thảo luận, thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cùng 28 nghị quyết trên các lĩnh vực; cho ý kiến về chủ trương đầu tư một số dự án và nhiều nội dung quan trọng khác. Đây là những cơ chế, chính sách có ý nghĩa quan trọng, tác động sâu rộng và trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân thành phố. Kỳ họp đã tổng hợp, xem xét việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận, biểu dương UBND thành phố đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành; các sở, ngành, địa phương quyết liệt, trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, tạo được nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội, cơ bản giữ được tốc độ tăng trưởng, bảo đảm tốt an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023. Đồng thời, hoan nghênh Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp chặt chẽ với HĐND, UBND các cấp trong hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, phản biện, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tham gia góp ý các dự thảo văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chính quyền.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, HĐND thành phố thông qua nhiều nghị quyết, chủ tọa kỳ họp đã kết luận nhiều nội dung sau phần thảo luận và chất vấn của đại biểu. Vì vậy, để các quyết nghị của kỳ họp sớm đi vào thực tiễn, ngay sau kỳ họp, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, UBND thành phố và các sở, ngành, quận huyện lưu ý đến những cam kết trách nhiệm và tiến độ thực hiện với những nội dung đã được đưa vào nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp về khơi thông, huy động nguồn lực đầu tư xã hội phục vụ cho phát triển, nhất là cải thiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phải có tâm thế sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Áp lực để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng theo nghị quyết đã ban hành trong 6 tháng cuối năm 2023 là rất lớn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm nỗ lực cao nhất của các cấp, các ngành. Vì vậy, cần có giải pháp trong ngắn hạn để khôi phục mạnh mẽ hơn các ngành có đóng góp chủ lực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, thông tin truyền thông, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, bán buôn… Đồng thời, sớm rà soát, đánh giá tính hiệu quả, khả năng hấp thụ của doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ, trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận.

Khu vực quy hoạch ga đường sắt cũ đã treo 19 năm đến nay chưa biết khi nào thực hiện dự án tái thiết đô thị tại đây.

Các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện quyết liệt; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình dự án động lực, trọng điểm và các công trình phục vụ dân sinh, xem đây là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cần được cải thiện mạnh mẽ; cải cách hành chính phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, phải góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Các giải pháp nâng cao các chỉ số sụt giảm so với cùng kỳ cần được tập trung thực hiện; kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, lợi dụng tình hình gây khó khăn cho người dân, không để tình trạng e ngại, giữ mình, đùn đẩy trách nhiệm trở thành điểm nghẽn cho phát triển.

Song song đó, triển khai có hiệu quả các đề án trên lĩnh vực du lịch gắn với tổ chức nhiều sự kiện, văn hóa lễ hội đặc sắc nhằm tiếp tục tạo không khí phấn khởi, động lực mới cho sự phát triển của thành phố.

Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị khẩn trương hoàn thành các quy hoạch, nhất là các quy hoạch phân khu, không để quy hoạch trở thành điểm nghẽn, cản trở tiến độ đầu tư các dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Những quy hoạch treo, những dự án không thực hiện cần sớm rà soát, hủy bỏ; tập trung thanh quyết toán, xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai, chậm bàn giao.

Đồng thời, dành nguồn lực và chủ động hơn cho việc triển khai các công trình dân sinh, cử tri kiến nghị nhiều lần như xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý các lô đất trống, chống ngập úng, nhà sinh hoạt cộng đồng, thiết chế văn hóa ở cơ sở…

Kỳ họp lần này tiếp tục thông qua chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố; nguồn kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho gia đình chính sách. Các đơn vị liên quan cần sớm cụ thể hóa chính sách xã hội rất ưu việt và đặc thù này của thành phố. Bên cạnh đó, dành nguồn lực triển khai có hiệu quả Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Các khó khăn trong cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cần tiếp tục tập trung tháo gỡ để bảo đảm công tác khám chữa bệnh và công tác y tế.

Đối với thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thành phố cần đánh giá kỹ lưỡng 3 năm triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, nghiên cứu, đề xuất với Trung ương nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hơn cho sự phát triển của thành phố.

Ông Trần Chí Cường làm Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Ông Trần Chí Cường (thứ 2 từ phải sang) được bầu giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Sáng 19-7, tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa X, ông Trần Chí Cường, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, ông Trần Chí Cường được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố với 49/49 đại biểu tán thành.

Ông Trần Chí Cường sinh ngày 15-2-1973, quê quán phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; trình độ chuyên môn Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị. Ông Cường từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Sở Du lịch, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 và giữ chức vụ Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND thành phố miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Ngô Thị Kim Yến. Trước đó, bà Ngô Thị Kim Yến có đơn xin thôi công tác và được Chủ tịch UBND thành phố đề nghị miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, kỳ họp bầu bổ sung Ủy viên UBND thành phố đối với bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với bà Võ Thị Như Hoa, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp thành phố.

P.V

HẢI QUỲNH – B.Đ.N