Nhiều đô thị biển vẫn... đứng trên bờ

Thứ sáu, 26/08/2022 14:37
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 9 đô thị ven biển kết nối với cảng biển, cảng hàng không, đường bộ rất thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy vậy, việc phát triển đô thị biển chỉ mới “đứng trên bờ” chứ chưa vươn biển để “giàu từ biển” như kỳ vọng.
Bất cập quy hoạch không gian ven biển khi nhiều khu vực dày đặc dự án nghỉ dưỡng mà thiếu không gian công cộng.
Mới có số ít đô thị biển như Đà Nẵng có các hoạt động du lịch vươn ra biển.

Với vị thế mặt tiền hướng biển, các đô thị ven biển miền Trung giữ vai trò động lực quan trọng thúc đẩy tăng tưởng kinh tế vùng. Thực tế một số đô thị như Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang đã tận dụng tốt mặt tiền biển để phát triển du lịch, logistics. Mặc dù vậy, để thực sự “mạnh về biển, giàu từ biển”, vươn ra biển kết nối quốc tế, thúc đẩy phát triển cho cả vùng thì vai trò của các đô thị biển chưa đậm nét.

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các đô thị ven biển vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”. Sự thiếu sót trong nhận thức đã làm mất đi giá trị cốt lõi của đô thị biển, đặc biệt giá trị kinh tế trên một “đơn vị đô thị”. Nhìn chung, giá trị “biển bạc” vẫn chưa được phát huy, trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển và trên đảo vẫn hấp dẫn hơn với cả nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư.

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra hàng loạt bất cập của việc qui hoạch không gian đô thị ven biển dẫn tới không khai thác, phát huy hết giá trị lợi thế về biển. Cụ thể như tình trạng giăng kín dự án ven biển mà thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng; tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái trầm trọng, chưa kể nhiều dự án “treo” do quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế.

Theo ông Chính, việc quy hoạch không gian biển phục vụ cho mục đích du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ “mặt tiền” hướng ra biển. Nhiều khu vực đô thị biển biến thành đô thị nghỉ dưỡng đã đánh mất đi rất nhiều vẻ đẹp lợi thế. Chưa kể, sự phát triển ồ ạt các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại cao tầng... án ngữ tầm nhìn, đã tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị biển. Ngoài ra, sự bùng nổ các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, song chưa tính toán cụ thể về dân số của loại hình lưu trú này đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực ven biển.

Theo GS.Đặng Hùng Võ, các đô thị biển được định hướng phát triển gắn với các khu kinh tế ven biển trên nguyên tắc không gây ô nhiễm và bảo đảm hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong số 18 khu kinh tế ven biển, chỉ có khoảng 5 khu có các hoạt động kinh tế đáng kể như Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Đình Vũ còn lại nhìn chung sức sống kinh tế còn yếu kém. GS Võ cho rằng, các địa phương cần xây dựng tầm nhìn mới để quy hoạch phát triển kinh tế biển như một trọng tâm, từ đó lan tỏa sự phát triển đi các địa phương khác không có biển. Tương tự, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, đô thị ven biển có các đặc trưng riêng, để phát triển bền vững cần định hướng không phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị sinh thái đặc trưng cũng như môi trường. Đặc biệt, việc qui hoạch sử dụng đất ven biển phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư, nhà nước và người dân tại khu vực đó.

Bất cập quy hoạch không gian ven biển khi nhiều khu vực dày đặc dự án nghỉ dưỡng mà thiếu không gian công cộng.

Chuỗi đô thị ven biển có vươn biển, kết nối quốc tế, phát huy vai trò động lực tăng trưởng cho vùng hay vẫn “đứng trên bờ” phụ thuộc lớn vào tư duy tiếp cận, qui hoạch. Nếu qui hoạch trên mặt đất sẽ phân biệt được đất dịch vụ, đất ở... nhưng ở trên biển có không gian trên mặt biển, dưới đáy biển, tài nguyên biển…việc qui hoạch đảm bảo vừa phát triển, vừa bảo tồn là thách thức lớn. PGS. TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, qui hoạch đô thị biển phải định hình rõ chức năng, đảm bảo không xảy ra xung đột, đồng thời phải xem đây là toạ độ hội nhập quốc gia, mở cửa và trở thành trung tâm cạnh tranh quốc tế. TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, trong qui hoạch đô thị biển phải tích hợp được các chức năng cơ bản như là đô thị cảng biển (hàng hóa, du lịch), trung tâm công nghiệp thông minh, tổ hợp logistics kiểu mới.

Để các đô thị biển thực sự vươn biển, bên cạnh cách tiếp cận, qui hoạch, TS Thiên cho rằng phải có cơ chế để trao quyền gắn với chức năng đặc thù nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo. Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân chính là động lực để đưa đô thị biển…vươn khơi.

HẢI QUỲNH