Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn (Bài cuối: Chặn gốc và mở lối, cần sự chung tay của cộng đồng)

Thứ ba, 23/05/2023 07:50

Thanh thiếu niên hư phải được quản lý

Theo báo cáo củaPhòng Tham mưu- Công an TP Đà Nẵng, từ ngày 15-12-2022 đến 8-5-2023, tình trạng thanh thiếu niên điều khiển phương tiện “độ, chế”; tàng trữ, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm tụ tập đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Đáng quan tâm là phần lớn các đối tượng này dưới 18 tuổi (chiếm 75,5%), không được gia đình quản lý, giáo dục thường xuyên; ham chơi và rất liều lĩnh, coi thường pháp luật; sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi, tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, nhất thời, bột phát trên mạng xã hội.

Đại tá Trần Phòng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an toàn thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn đối với các nhóm thanh thiếu niên tụ tập, sử dụng các loại vũ khí để đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Mặc dù vậy, nhiều vụ việc vẫn xảy ra với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao gây bất an trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT của thành phố. Chính vì vậy Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý quyết liệt, hiệu quả. Qua đó, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 259 vụ/460 đối tượng thanh thiếu niên tụ tập hỗn chiến; thu giữ hơn 1.865 vũ khí, hung khí nguy hiểm tự tạo.

Cùng với việc quyết liệt xử lý các đối tượng vi phạm, lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng còn yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương truy tận gốc các cơ sở sản xuất, tàng trữ, mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm để có chế tài xử lý nghiêm khắc. “Bằng mọi giá phải xử lý triệt để, tận gốc và kịp thời vấn đề này. Nếu không hậu quả sẽ khó lường cho xã hội. Mỗi đơn vị, lực lượng cần xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục”, Đại tá Trần Phòng nhấn mạnh tại hội nghị triển khai chỉ đạo phòng chống, xử lý tình trạng thanh thiếu niên sử dụng xe “độ, chế”; vũ khí, công cụ hỗ trợ gây rối trật tự mới đây.

Một buổi tuyên truyền pháp luật, gặp mặt thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật do Công an phường Hòa Minh tổ chức đều có sự tham gia của phụ huynh các em.

Cần sự hợp tác của gia đình, chung tay của cộng đồng

Câu chuyện của Trung tá Hoàng Thanh Thiên- Trưởng Công an phường Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) về công tác cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ thanh thiếu niên hư, có nguy cơ phạm pháp hình sự được người dân địa phương chia sẻ, ủng hộ. Đây là câu chuyện tiêu biểu cho rất nhiều mô hình mà toàn lực lượng Công an TP Đà Nẵng đang triển khai để “điều hướng” thanh thiếu niên cá biệt, có nguy cơ cao vi phạm pháp luật.

Em Phạm Tuấn Khanh, 1 trong 3 trường hợp từng vi phạm pháp luật hiện tại được Trung tá Thiên nhận kèm cặp, giúp đỡ và tiến bộ theo mô hình: "Mỗi chỉ huy Công an phường, Công an xã nhận kèm cặp, giúp đỡ một người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng hoặc 1 trường hợp hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ cao phạm pháp hình sự". Từ ngày được Trung tá Thiên giúp đỡ, em Khanh đã có sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động. “Trước đây, con đã từng có suy nghĩ không tới dẫn đến hành động nông nổi. Việc đó con đã phải chịu xử lý nghiêm khắc của pháp luật. Giờ đây các chú Công an, đặc biệt là Trung tá Hoàng Thanh Thiên cũng như các cơ quan, tổ chức nơi cư trú giúp đỡ để tiến bộ, có công ăn việc làm, tránh xa những thói hư, tật xấu để trở thành công dân có ích cho xã hội”, Khanh xúc động nói.

Chia sẻ về câu chuyện này, Trung tá Hoàng Thanh Thiên tâm sự, lực lượng Công an luôn kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật nhưng đồng thời cũng phải là những người cảm hóa lỗi lầm, gieo mầm thiện. Trong nhiệm vụ khó khăn đó, rất cần sự đồng hành, chung tay của cả cộng đồng với cái gốc là gia đình. Cơ quan, tổ chức có cố gắng bao nhiêu nhưng gia đình “thả tay” hoặc quay lưng thì không thể thành công.

Tại địa bàn quận Liên Chiểu, Công an phường Hòa Minh cũng đang phát huy hiệu quả mô hình “Can thiệp sớm và hướng nghiệp thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật”. Trung tá Hồ Duy Linh- Trưởng Công an phường Hòa Minh cho biết, hiện tại phường đang quản lý hồ sơ của 43 thanh thiếu niên trong diện này bằng đầu việc phải thực hiện trong ngày, trong tuần, trong tháng. Không chỉ quản lý bản thân các em, mỗi CBCS được phân công theo dõi, kèm cặp phải có sự liên lạc gần gũi, thường xuyên với cha mẹ, người thân trong gia đình.

“Khó khăn lớn nhất trong việc giáo dục những thanh thiếu niên cá biệt chính là thiếu sự quan tâm của cha mẹ, sự buông lỏng của gia đình. Chính vì vậy, tại các buổi sinh hoạt liên quan đến các em, chúng tôi mời luôn phụ huynh như một sự bảo chứng của công tác phối hợp. Nếu gia đình quyết tâm, lực lượng Công an và các cơ quan, tổ chức sẽ chung tay cảm hóa, giáo dục được các em”, Trung tá Linh cho biết.

Việc răn đe, xử lý, giáo dục đối với thanh thiếu niên vi phạm pháp luật liên quan đến các băng nhóm sử dụng xe “độ, chế”, vũ khí, công cụ hỗ trợ gây rối trật tự khó khăn ở chỗ từ lâu nhiều người đều quan niệm đó là nhiệm vụ của lực lượng Công an. Thực trạng đáng cảnh báo cũng như những mô hình cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên cho thấy, chỉ khi có sự chung tay để chặn từ gốc các nguy cơ và mở lối đúng đắn mới có hiệu quả.

ĐÔNG A