Báo Công An Đà Nẵng

Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh Công an yêu cầu chỉnh sửa thông tin cá nhân

Thứ hai, 24/06/2024 07:20
Người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn không chính thống, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian gần đây, Công an TP Vinh (Nghệ An) liên tục nhận được trình báo của một số người dân trên địa bàn về việc liên tục nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ tự xưng là cán bộ Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Vinh thông báo chỉnh sửa thông tin cá nhân.

Theo đó, đối tượng cho biết thông tin giữa dữ liệu dân cư và tài khoản định danh điện tử của công dân bị sai lệch, không trùng khớp. Người tự xưng là cán bộ Công an còn yêu cầu người dân đến Bộ phận một cửa của đơn vị này để sửa sai. Khi người dân báo bận hoặc không có thời gian đến trụ sở, các đối tượng hướng dẫn người dân kết bạn zalo gửi đường link truy cập để làm các thủ tục online sửa sai thông tin. Một số người dân cẩn thận đến liên hệ với cơ quan Công an thì mới biết không có sự việc như trên mà đây là chiêu trò của những kẻ lừa đảo.

Theo cảnh báo của cơ quan Công an, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo cụ thể như sau: mạo danh cán bộ Công an, gọi điện thoại mời người dân đến Bộ phận một cửa để sửa sai, cập nhật thông tin tài khoản định danh điện tử VNeID. Khi người dân trả lời bận hoặc không có thời gian đến cập nhật thì các đối tượng sẽ hướng dẫn gọi điện vào số điện thoại khác hoặc kết bạn zalo để truy cập đường link do đối tượng gửi để cập nhật thông tin. Nhưng thực chất, khi nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng thì người nhận cuộc gọi sẽ bị các đường link có mã độc xâm chiếm, lấy mất tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc bị bọn chúng dụ chuyển tiền để khắc phục sự cố do CCCD bị lỗi. Khi người nhận cuộc gọi có thái độ lo lắng, phân vân thì các đối tượng sẽ giở trò hù dọa rằng, nếu không thực hiện cập nhật, chỉnh lý thì sẽ mất CCCD trên cổng của Bộ Công an và sẽ bị xử phạt… Nếu như người dân dễ dàng tin tưởng sẽ nhanh chóng mắc "bẫy" của những kẻ lừa đảo.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo của các đối tượng, ngay sau đó, Công an TP Vinh đã ra thông báo dán tại Bộ phận một cửa đơn vị, Bộ phận một cửa Công an các phường, xã và đăng tải thông tin trên các trang fanpage chính thống của đơn vị như: "Công an TP Vinh - Bộ phận một cửa", "Đoàn Thanh niên CATP Vinh"… Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường công tác tuyên truyền tại các khối, xóm, các khu chung cư, đô thị… để người dân nâng cao cảnh giác với hành vi lừa đảo nêu trên.

Trung tá Nguyễn Nam Quỳnh- Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Vinh) cho biết, cơ quan Công an nói chung và Công an TP Vinh nói riêng không bao giờ gọi điện thoại hướng dẫn công dân vào zalo hoặc các trang mạng xã hội khác truy cập đường link để sửa sai, cập nhật lại thông tin tài khoản định danh điện tử VneID. Bởi vậy, khi nhận được cuộc điện thoại về các nội dung trên thì đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để tránh trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo truy cập đường link để sửa sai, cập nhật thông tin tài khoản định danh điện tử VNeID, Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Tài khoản định danh điện tử do cơ quan Công an trực tiếp quản lý, việc cập nhật, điều chỉnh thông tin trong tài khoản định danh điện tử phải thực hiện trực tiếp tại cơ quan Công an, người dân không thể tự cập nhật, thay đổi thông tin. Bởi vậy, người dân nên phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước những thông tin như trên. Nếu thấy có vấn đề nghi ngờ hay thắc mắc, không được làm theo hướng dẫn của các đối tượng qua điện thoại, qua mạng xã hội, cho dù các đối tượng có tự xưng là công an hay cán bộ gì khác mà nên liên hệ đến Cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn.

Cũng theo cảnh báo của Công an TP Vinh, người dân nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại. Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm, tự bảo vệ dữ liệu cá nhân; không đăng, đưa lên mạng xã hội CCCD, tài khoản định danh điện tử VNeID, số điện thoại cá nhân... để không bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Dương Hóa

Bài cuối: Nâng cao sức đề kháng với tội phạm mạng

Khi hoạt động, giao dịch trên không gian mạng diễn ra phổ biến thì ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, vì vậy mỗi cá nhân, tổ chức cần nâng cao sức đề kháng, trang bị khả năng

Lừa đảo rình rập, coi chừng sập bẫy!

Thủ đoạn lừa đảo tặng quà tri ân, tuyển dụng làm việc online hay giả danh cán bộ lừa đảo qua mạng vẫn là một “ma trận” khi có nhiều “kịch bản” mới, chạy theo vấn đề xã hội mà nhiều người quan tâm. Nếu không cảnh giác, nhẹ dạ, rất dễ dính bẫy.

Cảnh báo thủ đoạn giả mạo luật sư, cơ quan chức năng để hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo

Tin tưởng vào các luật sư, chuyên gia, cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong việc thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng, nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục bị lừa đảo “kép”. Thời gian gần đây, xuất hiện thủ đoạn giả danh công ty luật, cơ quan chức năng hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.