Báo Công An Đà Nẵng

Châu Âu lo ngại nếu ông Trump tái đắc cử

Thứ năm, 18/01/2024 11:28
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc mít-tinh ở Waterloo, Iowa, tháng 10-2023. Ảnh: AFP

Không "kề vai sát cánh" cùng NATO

Đầu tuần trước, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lại trở thành tâm điểm chú ý trên chính trường châu Âu sau tiết lộ gây chấn động của một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU). Theo Ủy viên Công nghiệp và Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton, trong cuộc gặp năm 2020, tổng thống Trump đã nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng "Mỹ sẽ không bao giờ giúp đỡ và hỗ trợ nếu châu Âu bị tấn công". "NATO đã chết, chúng tôi sẽ rời liên minh. Các vị vẫn nợ tôi 400 tỷ USD vì không chi trả những khoản cần thiết cho quốc phòng, nhất là Đức", Ủy viên Breton dẫn lời ông Trump.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU đã nói với báo giới: "Khi ông Trump xuất hiện, chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào Mỹ cũng hành động vì châu Âu, nhất là khi điều đó đi ngược lại lợi ích nước Mỹ". Thực tế là, cựu tổng thống Mỹ có quan điểm rõ ràng về vai trò của Mỹ với an ninh châu Âu do trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông thường xuyên nói về việc cắt giảm ngân sách NATO và khen ngợi lãnh đạo một số nước được cho là đối thủ của Mỹ và NATO. Theo CNN, ông Trump cho rằng châu Âu đã thiếu hụt ngân sách quốc phòng suốt nhiều thập kỷ do các nước này tin là chiến tranh khó có thể xảy ra và nếu có xảy ra thì Mỹ sẽ nhanh chóng hỗ trợ. Dù Mỹ và nhiều nước châu Âu là đồng minh thân cận, vị cựu tổng thống Mỹ vẫn bác bỏ niềm tin về việc Mỹ sẽ "kề vai sát cánh" cùng châu Âu nếu chiến tranh xảy ra.

Đối với vấn đề Ukraine, ông Trump cũng có thái độ không mấy vui vẻ về việc Mỹ tài trợ Ukraine, khiến Đảng Cộng hòa phải lưỡng lự trong quyết định tăng cường viện trợ cho đất nước. Trong bài phát biểu ăn mừng chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa (GOP) ở bang Iowa tối 15-1, ông Trump khẳng định, nếu tái đắc cử vào Nhà Trắng năm nay, ông sẽ giải quyết các cuộc xung đột ở Ukraine và Israel "rất nhanh". Trước đó ông cũng từng cam kết "chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ". Vì vậy, nếu ông Trump lên nắm quyền, có khả năng ông sẽ đưa ra những điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho Nga, so với dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ngược lại, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu lại xem chiến thắng của ông Trump là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu, vì họ lo ngại rằng, Mỹ sẽ không sẵn sàng bảo vệ châu Âu, trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga.

Đặc biệt, Foreign Affairs nhắc lại lời tuyên bố của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, sau cuộc đàm phán căng thẳng với ông Trump thời còn tại nhiệm, rằng châu Âu "sẽ phải tự mình đấu tranh vì tương lai của mình". Có thể nói, việc cựu Tổng thống Mỹ trở lại Nhà Trắng sẽ mở ra thời kỳ đầy quan ngại và khó khăn cho EU.

Đồng minh "ngán ngẩm"

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 16-1 cho biết nếu ông Trump tái đắc cử vào tháng 11, đó sẽ là "bước lùi" khiến cuộc sống ở Canada trở nên khó khăn hơn. "Nhiệm kỳ đầu tiên đã không dễ dàng và nếu có nhiệm kỳ hai, tình hình sẽ tiếp tục khó khăn", Thủ tướng Trudeau nói.

Thủ tướng Trudeau đã có quan hệ không êm đẹp với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của cựu tổng thống Mỹ. Năm 2018, ông Trump từng cáo buộc ông Trudeau yếu đuối và thiếu trung thực. Đảng Tự do của ông Trudeau từ lâu coi chống biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu, song Thủ tướng Canada cho biết ông Trump tỏ ra rất ít quan tâm đến vấn đề này trong nhiệm kỳ đầu. "Có những vấn đề mà tôi không thể tìm ra tiếng nói chung với ông Trump", ông Trudeau nói.

Trong khi đó, theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 16-1, Washington và Seoul đã thống nhất khởi động quy trình đàm phán gia hạn thỏa thuận chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc trong năm 2024. Việc khởi động đàm phán sớm được cho là nhằm giúp hai nước đạt thỏa thuận trước ngày nhiệm kỳ tổng thống mới bắt đầu, phòng trường hợp cựu tổng thống Donald Trump đắc cử. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã cáo buộc Hàn Quốc "dùng ké" sức mạnh quân sự của Mỹ và yêu cầu Seoul trả đến 5 tỷ USD để duy trì 28.500 lính Mỹ đóng tại nước này. Việc đàm phán về số tiền mỗi nước bỏ ra cho lực lượng trên rơi vào bế tắc trong nhiều tháng và chỉ được thống nhất vào tháng 3-2021, sau khi Seoul đồng ý tăng mức độ đóng góp của mình lên đến 13,9%. Đây là mức tăng thường niên cao nhất của chính quyền Hàn Quốc cho khoản này trong gần 20 năm.

AN BÌNH