Báo Công An Đà Nẵng

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết

Thứ sáu, 28/04/2023 18:55

Tại Hội nghị, cử tri đã nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến một số lĩnh vực được cử tri và người dân quan tâm như: Việc sửa đổi Luật Đất đai; hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; công tác phòng, chống tham nhũng; diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao; vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp…

Quan tâm đến việc sửa đổi Luật Đất đai với tác động to lớn đến đời sống xã hội và phát triển kinh tế, cử tri Lê Quang Toàn (Q. Hải Châu) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ những ưu, khuyết điểm và hiệu quả sau 10 năm thực hiện Luật từ năm 2013 đến nay, để từ đó có những định hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với tình hình thực tế.Cử tri Trần Văn Chức (Q. Thanh Khê) cho rằng, đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và ngừng hoạt động với số lượng lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng người lao động bị mất việc làm nhiều, thu nhập giảm sâu, đời sống rất khó khăn. Vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng các chính sách, giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm bền vững cho người lao động trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức cấp cơ sở, nhất là cán bộ không chuyên trách, bởi hiện tại chính sách đối với nhóm đối tượng này còn nhiều bất cập, tiền lương chưa đủ trang trải cuộc sống và tái tạo sức lao động…

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến nêu ra, trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhìn nhận, quá trình thực hiện chính sách đất đai thời gian qua, bên cạnh những thành quả to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn, cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là sai phạm. Đây cũng là nguyên nhân khiến số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ cao.

Chủ tịch nước cho biết, vừa qua, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỷ lệ cán bộ sai phạm bị xử lý liên quan đến đất đai cũng khá lớn. Do đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã khẳng định, về quan điểm, cần phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ, sử dụng đất lãng phí... Hoàn thiện quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì mục đích quốc gia, công cộng; trong đó xác định đối với các dự án có liên quan tới người dân chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đặc biệt, ở những dự án có yêu cầu tái định cư thì khi nào tái định cư xong mới được thu hồi đất. Đây là tư tưởng, quyết tâm chỉ đạo của Đảng trong thực hiện chính sách đất đai.

Phải "đặt lợi ích của người dân lên trên hết", Chủ tịch nước nói.

Bên cạnh đó là đổi mới công tác thẩm định giá đất, khắc phục bất cập trong kết quả thẩm định giá như hiện nay. Đặc biệt, đối với những dự án liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai các dự án đô thị, nhà ở…có tính chất thương mại thì doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân.

Xung quanh các ý kiến của cử tri, đề nghị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, thời gian qua và thời gian sắp tới, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực; kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Xử lý các vụ việc tham nhũng lớn, đồng thời cũng xử lý cả tham nhũng vặt ở cơ sở; xử lý tham nhũng ở cả địa phương và trung ương; xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu nếu có sai phạm, không để tình trạng "hạ cánh an toàn". Xử lý tham nhũng tiêu cực nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Song song với đó là không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; xây dựng đội ngũ cán bộ đầy đủ năng lực phẩm chất, uy tín, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…

Quang Vũ