Chủ tịch Trung Quốc công du châu Âu
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông Tập Cận Bình đến Pháp sau 5 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp "tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau" giữa 2 nước.
Theo tường thuật của Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình tin tưởng Trung Quốc và Pháp "sẽ thắp sáng con đường phía trước bằng ngọn đuốc lịch sử", mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ song phương đồng thời có những đóng góp mới cho sự phát triển, ổn định và hòa bình của thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc thông báo sẽ trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc phát triển quan hệ Bắc Kinh - Paris và Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) trong hoàn cảnh mới cũng như các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế hiện nay.
Trong bài xã luận đăng trên tờ Le Figaro (Pháp) số ra cùng ngày, ông Tập Cận Bình cho biết ông đến thăm Pháp với 3 thông điệp. Trong quan hệ song phương, nhà lãnh đạo Trung Quốc lưu ý, với việc thiết lập quan hệ Trung Quốc-Pháp, cầu nối liên lạc giữa Đông và Tây đã được xây dựng và quan hệ quốc tế có thể phát triển theo hướng đối thoại và hợp tác.
Ông bày tỏ: "Chúng tôi hoan nghênh đầu tư của các công ty Pháp và các nước khác vào Trung Quốc. Chúng tôi đã mở cửa hoàn toàn lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc và sẽ tiến nhanh hơn để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường với các dịch vụ viễn thông, y tế và các dịch vụ khác". Theo ông Tập Cận Bình, Pháp đang thúc đẩy tái công nghiệp hóa dựa trên đổi mới xanh, trong khi Trung Quốc đang tăng tốc phát triển các lực lượng sản xuất mới có chất lượng. Do đó, hai nước có thể tăng cường hợp tác về đổi mới và cùng nhau thúc đẩy phát triển xanh.
Trong vấn đề khủng hoảng Trung Đông, ông Tập Cận Bình nhận định Trung Quốc và Pháp có nhiều điểm chung trong vấn đề Palestine-Israel. Vì vậy, điều quan trọng là hai bên phải tăng cường hợp tác và giúp khôi phục hòa bình ở khu vực này. Về cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: "Trung Quốc hy vọng hòa bình và ổn định sẽ sớm trở lại châu Âu. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Pháp và toàn thể cộng đồng quốc tế để tìm ra lối thoát hợp lý cho cuộc khủng hoảng".
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Hiện nay Pháp đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU) và đóng vai trò dẫn đầu trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc-EU. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Pháp trên thế giới, sau Đức, Bỉ và Italy.
Về đầu tư, theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Pháp đối với Trung Quốc đạt 21,64 tỷ USD, chỉ đứng sau Đức và Hà Lan trong số các quốc gia thành viên EU. Hiện nay, đầu tư của Pháp vào Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như xe điện, mỹ phẩm, nông sản, năng lượng hydro, hàng không vũ trụ... Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Pháp là 4,84 tỷ USD; các lĩnh vực đầu tư chủ yếu bao gồm chế tạo, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, ngân hàng, khách sạn, du lịch...
Phía Trung Quốc coi chuyến thăm này là cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương với Pháp lên một tầm cao mới, tạo xung lực mới cho quan hệ Trung Quốc-EU.
B.T (Theo TTXVN)