Động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Thứ hai, 11/12/2023 06:55
Theo Thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12 đến 13-12-2023. Chuyến thăm thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về quan hệ hai nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình vào tháng 11-2017.

Theo các chuyên gia, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ghi dấu ấn nổi bật, là điểm nhấn quan trọng đúng dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008 - 2023).

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển đúng hướng

Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2008, hai quốc gia đã thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, bởi Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này. Đó chính là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, hướng tới tương lai. Trong 15 năm qua, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Trong quan hệ hợp tác hai nước, Tiến sĩ Đào Ngọc Báu quan tâm đến hợp tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng. Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt coi trọng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận. Ngay cả trong những năm thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hai nước vẫn tổ chức hội thảo lý luận theo hình thức trực tuyến. Công tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng, hai nước nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của hai nhà lãnh đạo Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của hoạt động này, có thể thấy đây là hoạt động độc đáo, mẫu mực trong quan hệ hợp tác giữa hai chính Đảng trên thế giới, thể hiện tinh thần cầu thị, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để phát triển.

"Việc hai Đảng, hai Nhà nước trao đổi lý luận cũng chính là chia sẻ những bài học kinh nghiệm cho nhau, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác và định hình một hình mẫu hợp tác hiệu quả, đoàn kết giữa hai chính Đảng trên thế giới", Tiến sĩ Đào Ngọc Báu cho hay.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, là người nghiên cứu sâu về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ông nhận định, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển thuận lợi. Sau đại dịch COVID-19 các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn được khôi phục, mở đầu là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022). Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, có thể nói là mang tính lịch sử, mở ra giai đoạn mới cho quan hệ hai nước và một số vấn đề khó khăn giữa hai nước được tháo gỡ. Sau chuyến thăm đó, nhiều lãnh đạo cấp cao, bộ, ngành, địa phương của hai nước đã tiếp xúc, qua lại với nhau.

"Trong một khoảng thời gian ngắn, sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều như vậy là hiếm có. Bởi hai bên đã nhận thức được ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận thức được quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi nhất", ông Nguyễn Vinh Quang nhận định và cho biết thêm "Không chỉ chính trị, ngoại giao mà cả kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân… cũng được tăng cường, thúc đẩy. Và thật trùng hợp khi năm 2023 là năm hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023). Nhìn lại có thể thấy quan hệ hai nước phát triển rất đúng hướng và khuôn khổ mà lãnh đạo cấp cao hai nước xác lập cách đây 15 năm là rất chính xác".

Chuyến thăm mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác mới

Nhấn mạnh đây là lần thứ 3 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam, ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, đây là lần đầu tiên có một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này diễn ra chỉ hơn 1 năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10-2022).

"Chuyến thăm đó rất thành công với Tuyên bố chung gồm 13 điểm, được truyền thông rộng rãi, cả hai nước và thế giới biết đến. Những thỏa thuận đạt được giữa hai Tổng Bí thư vào năm ngoái đang được triển khai rất tốt. Lần này lãnh đạo cấp cao lại gặp nhau lần nữa, tôi nghĩ rằng quan hệ hai nước đã tốt rồi, sẽ tốt hơn", ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ và bày tỏ: "Tôi cũng như nhiều người Việt Nam kỳ vọng chuyến thăm sẽ có những kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Tôi cho rằng hai nước có thể sẽ đạt được những thỏa thuận mới hoặc triển khai cụ thể hơn những thỏa thuận đã có đi vào thực tế hơn".

Chung nhận định với ông Nguyễn Vinh Quang, Tiến sĩ Đào Ngọc Báu cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho thấy, quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang phát triển rất tốt đẹp, thể hiện đúng tinh thần "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Báu, về phía Trung Quốc, ngay từ năm 2012, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đưa ra quan điểm ngoại giao láng giềng "thân, thành, huệ, dung". Điều này được nhắc lại tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra vào tháng 10-2022. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tới là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa chính sách ngoại giao này.

Với Việt Nam, chuyến thăm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc tới Việt Nam cho thấy vị trí và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trên cả ba phương diện đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

"Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần khẳng định và củng cố quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai quốc gia, dân tộc, chắc chắn sẽ mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác mới trong tương lai, cũng như nâng tầm các mối quan hệ đã có theo hướng ngày càng sâu sắc hơn, thực chất hơn, góp phần vào sự phát triển của hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới", Tiến sĩ Đào Ngọc Báu nhận định.

Tiến sĩ Đào Ngọc Báu phân tích thêm, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng, bền vững.

Cùng với đó, hoạt động giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai nước sẽ ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, qua đó củng cố truyền thống hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói lúc sinh thời "Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh".

Việt Đức

3 điểm đáng kỳ vọng

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, có 3 điểm mà hai bên đều rất kỳ vọng vào chuyến thăm lần này.

Thứ nhất là kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai là kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thứ ba là kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Chuyến thăm này, cùng với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, qua đó xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.

TTXVN

Truyền thông Trung Quốc nói gì về chuyến thăm?

Trên trang 3 số ra ngày 9-12 của tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã đăng bài viết với tựa đề “Mở ra triển vọng mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam”. Bài viết khẳng định: “Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau 6 năm. Chuyến thăm sẽ mở ra những triển vọng mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đồng thời có những đóng góp mới của hai nước đối với sự nghiệp hòa bình, tiến bộ của nhân loại”.

Tân Hoa xã ngày 9-12 đã đăng tải bài viết với tựa đề “Định hướng cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Bài viết khẳng định, chuyến thăm là một hành trình kế thừa truyền thống, hướng đến tương lai, không chỉ “củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam với tư cách là hai nước láng giềng gần gũi, đều là nước xã hội chủ nghĩa”, mà còn “tạo động lực mới cho sự ổn định, phát triển thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Trên trang 2 tờ Xinhua Daily Telegraph - ấn phẩm báo in của Tân Hoa xã phát hành toàn Trung Quốc, số ra ngày 8-12 đăng bài viết với tựa đề “Cùng nhau viết tiếp chương mới trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam”. Bài viết tiếp tục khẳng định tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp, cần được tiếp tục trân trọng, gìn giữ và phát huy. Bài viết nhấn mạnh: “Chuyến thăm sẽ củng cố hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác song phương cùng có lợi, thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ Trung Quốc - Việt Nam phát triển lên tầm cao mới”.

Trước đó, ngày 7-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao nước này đã cung cấp cho báo chí những thông tin liên quan chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Uông Văn Bân cho biết, trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ thảo luận về việc nâng cấp định vị mới cho quan hệ hai nước, trong đó tập trung vào 6 lĩnh vực chính, gồm: Chính trị, an ninh, hợp tác thực chất, nền tảng dư luận, đa phương và các vấn đề trên biển, thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Theo QĐND