Báo Công An Đà Nẵng

Đắk Nông:

Chung tay phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Thứ hai, 06/05/2024 14:49
Lực lượng Công an phối hợp với các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước cho các em học sinh

Mới đây, vào khoảng 13h30’, ngày 26/4/2024, em V.B.K (SN 2011) học sinh lớp 7, Trường THCS Cao Bá Quát, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cùng nhóm bạn vào tắm tại ao thuộc rẫy gia đình bà Nguyễn Thị Dung, thôn 7, xã Đắk Wil. Trong lúc tắm, em V.B.K hụt chân không biết bơi dẫn đến đuối nước. Sau đó, nhóm bạn đi cùng gọi báo cho người dân và chính quyền địa phương. Tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường tổ chức lặn tìm kiếm và vớt được thi thể em V.B.K đưa lên bờ và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.

Hiện trường xảy ra vụ đuối nước thương tâm

Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 1/3/2024, tại hồ thủy lợi bon Đắk Rla, xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông người dân phát hiện một vụ đuối nước thương tâm, làm hai nữ sinh tử vong. Danh tính hai nạn nhân là L.T.T.T và N.T.H.N (cùng 13 tuổi, cùng trú tại xã Đắk N’Drót, học lớp 7A3, Trường Trung học Cơ sở Lê Lợi, xã Đắk N’Drót.

Công an cơ sở phát tờ rơi tuyên truyền, cảnh báo về tài nạn đuối nước ở trẻ em

Theo thống kê trong năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 55 người, trong đó có 34 cháu dưới 16 tuổi. Trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ, làm chết 16 người, trong đó có 14 cháu dưới 16 tuổi.

Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra thời gian qua đã để lại nỗi đau, sự tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và các gia đình ở các địa phương cần có giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ.

Công an Đắk Nông mở các lớp dạy bơi miễn phí cho các em học sinh dịp nghỉ hè

Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn, nương rẫy, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là có nhiều ao, hồ được xây dựng để dự trữ nước phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp vào mùa khô, không có hoặc có nhưng sơ sài các hình thức rào chắn, bảo vệ, cảnh báo khu vực đuối nước. Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương cơ sở quan tâm đúng mức. Song song đó là những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ và sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình.

Cùng với đó, một số gia đình chủ quan, không sâu sát với con em, tâm lý trẻ thích vui đùa nên vào mùa khô, nắng nóng nên rủ nhau ra ao hồ, sông suối chơi đùa, tắm nhưng không được trang bị những kỹ năng về bơi lội, kỹ năng cứu đuối và sơ cứu đuối nước đúng cách… dẫn đễn xảy ra các vụ đuối nước trẻ em thương tâm.

Thực trạng đuối nước ở trẻ em ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng luôn nóng vào thời điểm bước vào cao điểm mùa khô, dịp nghỉ hè, dù thời gian qua, các cấp, các ngành tại các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi… đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn thể xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Công an Đắk Nông phối hợp với các nhà trường tuyên tuyền và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các em học sinh

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Nông, trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em vẫn còn tồn tại, nhận thức về trách nhiệm đối với công tác phòng, chống đuối nước của một số cơ quan, tổ chức, hộ gia đình còn hạn chế, bị động, chưa hiểu rõ trách nhiệm, vai trò, chủ quan trong việc tổ chức thực hiện công tác này; một số bộ phận người dân, học sinh, sinh viên còn lơ là, chủ quan. Công tác tuyên truyền có đổi mới về hình thức và nội dung, tuy nhiên kinh phí phục vụ công tác còn hạn chế, nhất là việc xây dựng, lắp đặt rào chắn, biển báo, trang bị phương tiện cứu nạn cứu hộ dưới nước.

Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đuối nước xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đắk Nông sẽ phối hợp với Công an các huyện, thành phố và các đơn vị chức năng tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; tổ chức cắm biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn; phát loa tuyên truyền, hướng dẫn người dân về những nguy cơ và biện pháp phòng tránh các sự cố, tai nạn có thể xảy ra.

Công an huyện Đắk Mil duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình “Hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em”

Cùng với đó, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm về thực hiện các quy định liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ, những nơi vui chơi, lễ hội… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em những kiến thức về công tác phòng, chống đuối nước và tổ chức các lớp kỹ năng về bơi an toàn cho trẻ em. Đổi mới hình thức truyền thông và xây dựng nội dung phù hợp, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội.

Để phòng tránh và giảm thiểu tai nạn đuối nước một cách có hiệu quả Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người lớn và trẻ nhỏ đều cần trang bị kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nguy cơ đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ nước sâu... Các hồ bơi phải được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, nhân viên cứu hộ cứu nạn trực 24/7.

Hồng Long