Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện gì dẫn đến đại thảm họa vỡ đập ở Libya khiến 20.000 người có thể đã chết?

Thứ năm, 14/09/2023 22:19
Video: Thành phố Derna tan hoang sau sự cố vỡ đập. Nguồn: Guardian

Al Jazeera ngày 13/9 đưa tin, mức độ tàn phá lan rộng ở khắp miền đông Libya sau khi bão Daniel đổ bộ gây lũ lụt nghiêm trọng. Việc 2 con đập ở gần thành phố Derna bị vỡ có thể coi là điều tồi tệ nhất.

Các con đập bị sập dưới áp lực của nước tụ lại trong cơn bão đã cướp sinh mạng của hơn 6.000 người (tính đến hết ngày 13/9). Abdulmenam al-Ghaithi, thị trưởng thành phố Derna, còn cho rằng số người chết ở thành phố có thể lên đến 18.000 - 20.000 người, dựa theo thống kê về thiệt hại ở các quận trong thành phố. Điều gì đã dẫn đến thảm họa chết chóc này?

2 con đập bị vỡ như thế nào?

Đồ họa của Al Jazeera về thảm họa vỡ đập chết chóc ở Libya. Ảnh: Al Jazeera

Theo ông Ahmed Madroud, phó thị trưởng thành phố Derna, có 2 con đập lớn ở thượng nguồn (phía trên Derna), trong đó một con đập đã không được bảo trì từ năm 2002. Tình trạng nội chiến ở Libya là một trong những nguyên nhân chính khiến các con đập không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Ông Madroud nói với Al Jazeera rằng, các con đập không lớn. Đập thứ nhất chỉ cao khoảng 70 mét.

Khi đập thứ nhất bị vỡ, đập thứ hai không thể "làm gì hơn ngoài việc chờ vỡ". Nó không chỉ phải hứng lượng nước lớn từ các trận mưa như trút mà còn phải đối mặt với một luồng nước khổng lồ xuất hiện sau khi đập thứ nhất bị vỡ.

Áp lực của luồng nước càng nhân lên nhiều lần do chênh lệch độ cao giữa đập thứ nhất và đập thứ hai. Luồng nước mạnh sau đó đã phá vỡ đập thứ hai rồi quét qua thành phố Derna trước khi đổ ra biển.

Các chuyên gia ước tính, khoảng 30 triệu mét khối nước đã được xả ra khi các con đập bị vỡ. Khối lượng nước khổng lồ này tương đương 12.000 lần lượng nước ở một bể bơi có kích thước tiêu chuẩn Olympic.

Chuyện gì xảy ra ở Derna?

Người dân đi bộ qua đống đổ nát ở Libya sau khi bão Daniel đổ bộ. Ảnh: Skynews

Derna, một thành phố ven biển có khoảng 90.000-125.000 dân, hoàn toàn không có khả năng "chống đỡ" sau khi 2 con đập ở thượng nguồn bị vỡ.

Hichem Chkiouat, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng và là thành viên của Ủy ban Khẩn cấp, thuộc chính quyền miền đông Libya, cho biết, 1/4 thành phố Derna bị xóa sổ hoàn toàn khi nước lũ quét qua.

"Tôi trở về từ Derna. Thành phố thực sự là vùng thảm họa. Thi thể ở khắp nơi: trên biển, trong thung lũng, dưới các tòa nhà. Tôi không phóng đại khi nói rằng 1/4 thành phố chẳng còn lại gì", hãng Reuters dẫn lời ông Chkiouat.

Cảnh tan hoang như thời chiến ở thành phố Derna, Libya, sau sự cố vỡ đập. Ảnh: Reuters

Ông Madroud, phó thị trưởng thành phố Derna, ngày 12/9 tuyên bố, hơn 3.000 người đã thiệt mạng sau thảm họa vỡ đập, chỉ tính riêng ở thành phố Derna. Các thi thể vẫn đang được trục vớt với số lượng lớn. Số người chết ở Derna có thể tăng lên đến 5.000 người. Ngày 13/9, số người chết ở miền đông Libya được cập nhật là hơn 6.000 người.

Nhiều thi thể có thể bị nước lũ cuốn ra biển cùng nhà cửa, xe cộ. Theo các nhân chứng và hình ảnh ở hiện trường, nhiều khu dân cư trong thành phố đã "biến mất". Các tòa chung cư nhiều tầng của thành phố, dù không nằm gần sông, cũng bị hư hại đáng kể hoặc ít nhất cũng bị sập một phần.

Điều gì tiếp theo?

Người dân đứng trên một con đường bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của mưa bão ở Libya ngày 11/9. Ảnh: Reuters

Hàng nghìn người vẫn mất tích và tổng số người chết dự kiến tiếp tục tăng.

Giới chức Libya đã kêu gọi viện trợ nước ngoài, đồng thời triển khai máy móc hạng nặng, bao gồm cả máy ủi, để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ ở Derna và các thành phố lân cận. Tuy nhiên, mức độ tàn phá nặng nề, đặc biệt là đường sá, khiến việc tiếp cận các vùng bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề do lũ lụt dự kiến không dễ dàng và tốn thời gian.

Ngoài ra, việc Libya bị chia cắt thành miền đông và miền tây, đồng thời tồn tại hai chính phủ đối địch nhau khiến vấn đề cứu trợ và phục hồi sau thảm họa thêm phức tạp.

Theo Nông thôn Việt