Chuyện về nữ Trưởng Công an xã được phong tặng AHLLVTND ở tuổi 25
Đảm bảo an toàn hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ nằm khuất sâu trong hẻm ngõ đường Nguyễn Gia Thiều, phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An) của gia đình bà Nguyễn Thị Minh Châu (1945, quê xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu) luôn đầy ắp tiếng cười. Bởi căn nhà ấy có 2 thế hệ gắn bó với màu áo xanh của lực lượng Công an. Bà Châu – cựu Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng, người con trai cả và con gái thứ của bà hiện đang công tác tại Công an tỉnh Nghệ An.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu là con cả trong một gia đình đông anh chị em ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. Mẹ mất sớm, bố sức khỏe yếu, gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai gầy của người chị cả. Vừa làm ruộng, vừa mò cua bắt ốc mang ra chợ bán nuôi các em ăn học, nữ thanh niên Nguyễn Thị Minh Châu ngày ấy còn tranh thủ thời gian tham gia các công tác đoàn thể của xã.
Năm 1964, bà Châu tham gia Ban Công an với vai trò công an viên. 2 năm sau, bà đảm nhận chức danh Phó Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng và vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tinh thần tận tụy, trách nhiệm và hăng hái, tích cực, nhiệt tình trong công việc, bà được cấp trên tin tưởng, bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Quỳnh Hồng và giữ chức vụ Trưởng Công an xã vào năm 1967 khi mới 22 tuổi.
Quỳnh Hồng là một xã chạy dài dọc đường QL1A, có đường tỉnh lộ 37 chạy từ biển cắt ngang xã lên đến xã Quỳnh Châu. Toàn xã có 15 xóm, chia làm 4 cụm, trong đó có 3 xóm giáo dân. Từ năm 1965-1970, nhằm phá hủy Ga cầu Giát và chia cắt tuyến đường huyết mạch QL1A, không cho ta chi viện người và của vào chiến trường miền Nam, Đế quốc Mỹ đã dùng pháo kích từ hạm đội 7 liên tục bắn vào. Quỳnh Hồng phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn bất kể ngày đêm, cướp đi hàng trăm mạng người, nhà cửa bị phá hủy, đường làng, hào giao thông, ruộng vườn bị cày xới… Bom liên tục dội xuống ga tàu, QL1A làm tắc nghẽn giao thông, khiến xe chở hàng, xe chở pháo bị ùn lại.
“Trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt, Ban Công an xã Quỳnh Hồng cùng lực lượng dân quân, thanh niên xung phong đã khẩn trương tham gia sửa chữa, nâng cấp mặt đường để bảo đảm giao thông vận tải thông suốt. Giữa “mưa bom bão đạn”, tôi cùng các đồng chí Công an xã phối hợp với lực lượng dân quân, phân công từng mũi dẫn xe vào nơi ngụy trang và lập tức cho hàng gửi vào nhà dân. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm, súng đạn được tập kết trong hang đá và nhà dân luôn được lực lượng Công an kiểm soát thường xuyên, giao nhận đúng nguyên tắc. Với xe chở đạn pháo, chúng tôi dẫn đường, ngụy trang cho vào hang đá trú ẩn. Còn xe chở hàng được đưa đến nhà dân an toàn. Để tránh mất mát, hư hỏng, Ban Công an xã lên kế hoạch cụ thể, phân công các đồng chí Công an viên luân phiên, phối hợp với chủ hàng (thủ kho) và người dân (chủ nhà) cùng đồng thời giám sát. Bên cạnh đó, Ban Công an xã còn xây dựng Tổ trị an ở các xóm, tuyên truyền về công tác an ninh, phòng chống máy bay địch ném bom, kịp thời sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn. Lực lượng Công an, dân quân, thanh niên ở lại vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Nhờ vậy, mặc dù Quỳnh Hồng bị không quân địch đánh phá ác liệt nhưng hơn 3.500 tấn hàng Nhà nước sơ tán trong nhà dân được Ban Công an xã bảo đảm an toàn”- bà Châu kể lại.
Góp phần ngăn chặn các loại tội phạm
Lợi dụng chiến tranh đang giai đoạn ác liệt, tội phạm hình sự trong xã thường xuyên móc nối với các đối tượng lưu manh đường dài để trộm cắp và tiêu thụ tài sản của công dân. Từ ngã tư cầu Giát đi xuống dọc đường tỉnh lộ 37 là nơi có nhiều cơ quan sơ tán đóng, cũng là nơi mà bọn tội phạm lợi dụng để hoạt động, thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, nhất là trộm cắp xe đạp. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, Ban Công an xã Quỳnh Hồng đã thường xuyên tổ chức họp quán triệt tinh thần, phân công 4 đồng chí Phó Trưởng Công an xã phụ trách theo cụm. Các đối tượng chính trị, hình sự được rà soát, kiểm tra và phân loại theo định kỳ, có bản tự kiểm điểm hàng tháng, việc giám sát, theo dõi các đối tượng được tiến hành một cách chặt chẽ và thường xuyên.
Vào một đêm cuối tháng 8-1967, trong quá trình tuần tra dọc đường tỉnh lộ 37, nữ Trưởng Công an xã Quỳnh Hồng phát hiện có một đối tượng có nhiều nghi vấn nên bám theo. Khi phát hiện lực lượng Công an, đối tượng bỏ chạy, trốn vào ruộng mía. Với tinh thần kiên quyết truy đuổi, bà Nguyễn Thị Minh Châu đã đuổi kịp bắt đối tượng và giải về trụ sở ngay trong đêm. “Sau một thời gian xét hỏi cùng những chứng cứ, tài liệu, người này mới thú nhận là Nguyễn Văn Quý (28 tuổi, quê ở Thanh Hóa) - đối tượng hình sự nhiều lần “vào tù ra tội”. Đây là đối tượng đã vào chợ Giát móc nối với các đối tượng cộm cán và thực hiện hành vi trộm cắp xe đạp ở xã Quỳnh Hồng và các xã lân cận. Ngay sau đó, Ban Công an xã Quỳnh Hồng đã thu được 5 chiếc xe đạp và tiến hành thủ tục trao trả cho các bị hại”- bà Châu nhớ lại.
Mặc dù phải chịu nhiều trận bom tàn sát, cướp đi nhiều người và tài sản, song Ban Công an xã Quỳnh Hồng cùng nhân dân luôn làm tròn nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; luôn bám trụ giữ làng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, là ngọn cờ đầu trong thâm canh lúa của tỉnh. Trong 4 năm liền, Công an xã Quỳnh Hồng là đơn vị quyết thắng về phong trào bảo vệ ANTQ. Ngày 25-8-1970, bà Châu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND khi mới tròn 25 tuổi.
Chiến tranh lùi xa, bà Châu trở về làm tròn vai trò người vợ, người mẹ nhưng vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động ở địa phương. Nhiều năm liền, bà đảm nhận vai trò Chi Hội Phó Chi Hội Phụ nữ khối, thành viên tích cực trong Chi hội người cao tuổi khối được các cấp khen thưởng. Đến nay, dù sắp bước sang tuổi 80, nhưng bà Châu vẫn miệt mài nghiên cứu sách vở, truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu và là tấm gương sáng ngời về Chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ noi theo.
An Khuê