Chuyện kể về những Anh hùng nhỏ tuổi ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy
Nhắc đến Nhà tù Côn Đảo, Nhà giam Phú Quốc, Nhà lao Tân Hiệp hay Khám Chí Hòa… thì ai cũng biết, nhưng có lẽ, với rất nhiều người cái tên Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt - nơi đã giam giữ hơn 600 thiếu nhi yêu nước tuổi từ 12 đến 17 (giai đoạn từ tháng 4- 1971 đến giữa năm 1973) - thì lần đầu tiên nghe đến. Ở đó có những câu chuyện bi hùng về những chiến sĩ cách mạnh nhỏ tuổi bị giam giữ ở một nhà tù mà trên thế giới chưa hề có…
Từ nơi ghi dấu thời tuổi trẻ can trường…
Nhà lao có tên "Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt" ra đời từ tội ác và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, được tổ chức với quy mô lớn, trình độ tổ chức cao, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Chúng dựng nhà lao này với ý đồ "ly gián" thiếu nhi cách mạng khỏi sự dìu dắt của những tù nhân chính trị dày dạn kinh nghiệm đấu tranh. Bởi, nếu tách rời hai lực lượng này ra sẽ không còn có sự tiếp ứng, hỗ trợ cho nhau, khi đó địch sẽ dễ dàng phân hóa, cải tạo, gội rửa "tư tưởng cộng sản" ở những tù nhân nhỏ tuổi này, tiến tới thủ tiêu ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam… Theo đó, bắt đầu từ tháng 4-1971, chúng tiến hành chuyển tù thiếu nhi cách mạng từ các nhà lao miền Nam về Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Đầu tiên là chuyển tù thiếu nhi từ Kho Đạn (Đà Nẵng) rồi đến tù thiếu nhi Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Chí Hòa, Côn Đảo, Thủ Đức, Tân Hiệp… về đây.
Sau những chiêu trò dụ dỗ, mua chuộc bất thành ngay từ đầu, địch cay cú, quyết dập tắt phong trào bằng cách hành hạ thiếu nhi ta với những cực hình man rợ, ác ôn, đẩy các chiến sĩ nhỏ đến tình trạng suy kiệt, cận kề với cái chết hòng buộc phải khuất phục. Nhưng chúng đã thất bại. Các chiến sĩ nhỏ tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt luôn tỏ rõ khí phách, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, quyết liệt đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đòi cải thiện chế độ lao tù của Mỹ - ngụy, khẳng định phẩm chất kiên cường, bất khuất bằng những cú đáp trả cụ thể thông qua các phong trào diệt ác, phong trào vượt ngục, phong trào làm chủ nhà lao… Đã có 7 cuộc vượt ngục của tù nhân thiếu nhi trong quá trình tồn tại của nhà lao; nổi dậy chống âm mưu lập giả hồ sơ chuyển tù chính trị thành thường phạm để không trao trả theo hiệp định Paris; hạ và xé cờ ba que trước mặt tên phó tỉnh trưởng v.v… Sau 2 năm 3 tháng tồn tại, tháng 6-1973, Trung tâm Giáo huấn Thiếu nhi Đà Lạt đã phải giải thể, cuối cùng địch đã phải nhượng bộ hoàn toàn, trả giá cho âm mưu thâm độc của bọn người phi nghĩa, phi đạo lý.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Ngô Tùng Chinh (Bí danh "Bé Đi". "Bé" vì còn nhỏ, "Đi" có nghĩa là đi đến bất kỳ đâu Tổ quốc cần, tổ chức phân công và sẵn sàng hy sinh để cho cuộc đấu tranh thắng lợi), hiện sống tại TPHCM - trưởng ban Ban liên lạc tù thiếu nhi Đà Lạt, là một trong những tù thiếu nhi nhỏ tuổi lúc bấy giờ nhưng tỏ ra rất dũng cảm trong đấu tranh với quân thù. 12 tuổi đi làm giao liên, 13, 14 tuổi chế tạo chất nổ. Tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, ông là một trong những nhân tố cốt cán, có tư duy chiến lược, được anh em tín nhiệm, góp phần quan trọng vào công cuộc chiến đấu, giành thắng lợi hoàn toàn. AHLLVTND Ngô Tùng Chinh chia sẻ: "Kẻ thù đã sai lầm khi đánh giá thấp tinh thần yêu nước, cách mạng, ý chí kiên trung của những tù nhân thiếu nhi yêu nước. Dù trong bối cảnh lao tù hà khắc, bị tra tấn dã man, chúng tôi vẫn cắn răng chịu đựng và quyết tâm đấu tranh chống lại kẻ thù bằng nhiều hình thức. Niềm tin bất diệt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc luôn được thắp sáng trong chốn ngục tù tăm tối".
... Đến tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi
Sự hà khắc, cái lạnh và những trận đòn roi tàn bạo không hề làm tê liệt dũng khí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng tuổi niên thiếu. Một trong những chiến công vang dội ở nhà tù này là cuộc tự mổ bụng tập thể và tuyệt thực của những tù nhân nhỏ tuổi phản đối trực diện kẻ thù…
Ngay trong đợt phát động đầu tiên, rất nhiều người xung phong… mổ bụng, trong đó, có những người từng "đăng ký" trước đây nhưng chưa được thực hiện. Bản danh sách "xin được tự mổ bụng" ngày càng dài ra, tổ chức quyết định chọn 5 người, gồm: Nguyễn Văn Thu, Mai Bốn, Thái Bá Tro, Bùi Văn Hiệp, Nguyễn Văn Út. Đó là những chiến sĩ quả cảm nhất, giàu kinh nghiệm chiến đấu nhất. Mỗi người được phát một bộ quần áo pyjama màu trắng với mục đích, khi máu chảy ra sẽ tương phản với màu áo, tạo nên hình ảnh ghê sợ để uy hiếp kẻ thù; một lon sữa bò pha với nhiều nước uống cho loãng máu; một chai dầu Nhị Thiên Đường để xoa vào bụng trước khi mổ và một dao lam.
Với phương châm đấu tranh quyết liệt "mổ phải lòi ruột ra nhưng không được chết", vì để chết là làm tổn thất lực lượng đấu tranh. Vì vậy, cách mổ bụng đã được hướng dẫn kỹ càng từ trước. Phải mổ ở bên phải, vì bên phải là ruột già. Các đợt mổ cũng có khoảng cách nhất định để kéo dài thời gian uy hiếp kẻ thù. Trước khi mổ bụng, phải đứng ghép vào nhau sao cho địch còng tay trái (hai người bị còng lại với nhau), còn tay phải dùng để mổ bụng. Cựu tù Trần Phi Hùng (hiện sống tại TP Đà Nẵng) xúc động nhớ lại: Anh Nguyễn Văn Thu mổ bụng, tất cả mọi người nắm chặt tay liên kết lại, cố gắng không cho địch xé lẻ và cũng để che chắn cho anh em thực hiện việc mổ bụng. Địch đàn áp dữ dội, sau anh Thu đến anh Thái Bá Tro rồi anh Mai Bốn lần lượt mổ bụng. Anh Bảy Bồng kèm sát Mai Bốn, Mai Bốn rạch bụng do ấn mạnh, trúng cơ bụng, lưỡi dao lam bị gãy, phải rạch nhiều lần. Các anh mổ bụng máu lênh láng, ruột đổ ra ngoài… Nguyễn Văn Thu, Thái Bá Tro, Mai Bốn được đưa đi băng bó và khâu lại vết thương. Sau đó, các anh tiếp tục tuyệt thực 3 ngày 4 đêm để chống đối kẻ thù.
Có nhiều câu chuyện về sự đói khát, khổ cực của tù nhân bị giam cầm tại nhà tù "độc nhất vô nhị" trên thế giới này mà đến nay khi được nghe kể lại, nhiều người sẽ không thể hình dung được. Bác Trần Phi Hùng nghẹn ngào kể: "Đói rét và bị tra tấn dã man, tàn độc khiến nhiều tù nhân trở nên suy kiệt, bại liệt tay chân, thân thể chỉ còn da bọc xương. Để tồn tại và sống sót, nhiều người chấp nhận ăn những thứ thật khủng khiếp. Có lần anh Lê Doãn Dũng- một tù nhân cùng phòng chúng tôi, nhặt được ổ chuột 4 con còn đỏ hỏn. Đói quá nên chúng tôi bỏ miệng nhai, nhắm mắt bịt mũi nuốt cho đỡ đói". Kể đến đây, bác Hùng ngừng lại giây lát… rồi kể tiếp: "Ngoài việc thường xuyên phải chịu cảnh đói rét, các tù nhân còn bị bọn cai ngục đánh đập, tra tấn rất dã man. Phương thức tra tấn phổ biến của chúng khi nhốt chúng tôi vào xà lim là đánh bằng roi điện, móc sắt, dí bóng đèn điện 500W đang sáng vào mặt cho cháy da thịt, dội nước lạnh lên người vào đêm khuya trời Đà Lạt nhiệt độ 5-7oC…"…
Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trở thành di tích lịch sử cách mạng và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 22-6-2009.
Chiến tranh đã lùi xa, những cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt năm xưa nay nhiều người đã không còn. Hậu quả của chế độ lao tù khắc nghiệt, với những trận đòn tra tấn dã man, những cơ cực về thể xác, những căng thẳng về thần kinh đã lấy đi biết bao nhiêu nguồn nhựa sống của các cựu tù thiếu nhi. AHLLVTND Ngô Tùng Chinh bộc bạch: "Để luôn xứng đáng với danh hiệu một tập thể Anh hùng, thời gian qua, chúng tôi đã kết nối được tất cả các cựu tù ngày ấy. Động viên nhau tiếp tục cống hiến sức mình cho Đảng, cho nhân dân trong quãng đời còn lại, dù nay đã 70, 80 tuổi. Nghĩa tình đồng đội vẫn gắn kết cùng nhau, quỹ "Sáng mãi tình đồng đội" được thành lập và hoạt động hiệu quả, giúp đỡ anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, bệnh tật hiểm nghèo, trợ cấp thường xuyên những đồng đội hiện chưa được hưởng các chế độ chính sách, cúng hương hằng năm vào dịp 27-7 cho 122 đồng đội đã hy sinh và từ trần…".
Được biết, với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, năm 2009, tập thể cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Tập thể AHLLVTND; 6 cá nhân cựu tù được trao tặng danh hiệu AHLLVTND.
Thanh Hoa