Cụ ông U80 giữ lửa Bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân tâm thần
Tiếp chuyện với phóng viên tại Bếp ăn Từ thiện trong khuôn viên Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, ông Đức cho biết, quê gốc Quảng Nam, từ nhỏ tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông về công tác tại Trường Đảng Đà Nẵng (nay là Trường chính trị Thành phố). Sau khi nghỉ hưu, ông Đức chuyển sang làm thợ mộc và tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện tại Hội Từ thiện ở địa phương.
Từ năm 2010 trở đi, ông Đức nổi lên là tấm gương sáng về hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương. Năm 2013, ông mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo không có điều kiện đi học thêm. Ông mượn hội trường Khu dân cư nơi sinh sống, vận động các giáo viên ở địa phương đến dạy miễn phí cho khoảng 60 trẻ em nghèo bậc tiểu học trong dịp hè. Mô hình này vừa giúp trẻ nâng cao kiến thức, vừa hạn chế việc sa vào các tệ nạn xã hội, duy trì liên tục trong 6 năm (từ 2013 đến 2019). Ngoài ra, ở địa phương, ông được biết đến là người chuyên đi vận động, quyên góp để giúp đỡ những trường hợp tử vong do tai nạn giao thông đưa về quê mai táng. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, ông Đức được bầu làm Phó chủ tịch Hội Từ thiện quận Liên Chiểu và phụ trách Bếp ăn từ thiện bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Nói về những ngày đầu đến với bếp ăn phục vụ bệnh nhân tâm thần, ông Đức chia sẻ: “Thời điểm năm 2016, tôi nhiều lần cùng đoàn thiện nguyện mang thức ăn đến phục vụ miễn phí cho bệnh nhân lưu trú ở bệnh viện tâm thần. Tôi thấy bệnh nhân ở đây quá khó khăn, thức ăn mang tới, từ bánh mì, mì tôm… họ chỉ ăn một nửa, một nửa để dành. Từ đó, tôi đề xuất với lãnh đạo Hội Từ thiện thành phố xây dựng Bếp ăn từ thiện ngay trong bệnh viện để phục vụ miễn phí cho bệnh nhân tốt hơn”.
Từ tháng 11-2016, Bếp ăn Từ thiện Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Ðà Nẵng vận hành ra đời trên cơ sở xã hội hóa 100%. Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng bố trí căn phòng rộng khoảng 40m2 trước Cổng bệnh viện để làm nơi hoạt động cho bếp ăn. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ ban đầu là 100 triệu đồng của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tất cả các vật dụng khác phục vụ cho việc nấu nướng như: bếp, tủ lạnh, nồi, thực phẩm… đều được các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ.
Hiện nay, Bếp ăn do ông Đức quản lý, phụ trách việc tiếp nhận nguồn thực phẩm phục vụ hằng ngày cho bệnh nhân. Tại bếp, ngoài nữ nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn được sư thầy Thích Thông Quang ở chùa Liên Trì (Đà Nẵng) hỗ trợ kinh phí 3,5 triệu đồng/tháng, số còn lại đa phần là phục vụ thiện nguyện.
Ông Đức kể, từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 đến nay, bếp ăn gặp khó khăn do các đơn vị tài trợ ở TPHCM không còn giúp nữa. Với nguồn kinh phí đầu tư ban đầu để dự phòng những lúc khó khăn, hằng ngày ông Đức đích thân đến các chợ trên địa bàn thành phố vận động quyên góp thực phẩm để chế biến thức ăn phục vụ cho trên 40 bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị dài hạn tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Từ 5 giờ 30, ông Đức đi xe máy đến các chợ, ai cho gì lấy nấy, chở về Bệnh viện Tâm thần để nấu phục vụ bệnh nhân. Dù bản thân đã 75 tuổi, đi lại khó khăn nhưng ông vẫn kiên trì giữ lửa cho bếp ăn, mỗi ngày phục vụ trên 80 suất ăn với giá trị khoảng 1,6 triệu đồng. Và trong 4 năm được giao phụ trách bếp (từ 2020 đến 2024), hầu như năm nào ông cũng vận động, quyên góp nấu, phục vụ bệnh nhân với số tiền trên 500 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đức bảo, với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/tháng tiền hỗ trợ cho diện chính sách bị địch bắt tù đày và hơn 2 triệu đồng/tháng tiền phụ cấp chức vụ Phó Chủ tịch Hội Từ thiện, hầu như tháng nào ông cũng trích ra để đổ xăng xe phục vụ cho việc đi quyên góp thực phẩm phục vụ bếp ăn. Chia tay chúng tôi, ông Đức đưa số điện thoại cá nhân là: 0905632117 kèm theo lời nhắn nhủ: “Mong nhà báo chia sẻ số điện thoại này đến với những tấm lòng hảo tâm, để cùng tôi tiếp tục giữ lửa cho Bếp ăn Từ thiện Bệnh viện Tâm thần, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”.
Đinh Nga