Cựu hiệu trưởng lãnh án 7 năm tù vì làm giả bằng tốt nghiệp
Theo cáo trạng, tháng 5-2021, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam nghi ngờ đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe đang công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hoàng Long (viết tắt: Trung tâm HL) đóng tại xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc, Quảng Nam) sử dụng bằng giả nên đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam xác minh, làm rõ.
Qua điều tra, cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện có 46 giáo viên dạy thực hành lái xe tại Trung tâm HL sử dụng Bằng Tốt nghiệp trung cấp nghề do Trường Trung cấp xây dựng Thanh Hóa cấp là giả.
Kết quả điều tra xác định, Hoàng Long là giáo viên dạy lái ô-tô tại một trung tâm ở TP Đà Nẵng và có mối quan hệ quen biết với L.T.L. (1986, trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng; Giám đốc Công ty TNHH N.B.B). Công ty của L. lúc đó đang xây dựng và lập thủ tục xin cấp giấy phép để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tại xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc). Do biết Long là giáo viên dạy lái xe có kinh nghiệm nên nhờ Long hướng dẫn giúp xây dựng cơ sở vật chất, sân tập lái xe và hứa là đến khi trung tâm hoạt động sẽ nhận Long làm giáo viên dạy lái xe ô-tô với thu nhập cao, ổn định.
Khi đến làm việc, biết trung tâm đang tuyển giáo viên dạy lái xe nên Long đã giới thiệu nhiều người thân, người quen có bằng lái xe ô-tô đến xin việc. Tuy nhiên, nhiều người không đủ điều kiện do chưa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề nên nhờ Long giúp đỡ.
Lúc này, Long tìm hiểu biết được Đinh Văn Quận là Hiệu trưởng trường Trung cấp xây dựng Thanh Hóa (đóng tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nên liên lạc, trao đổi về việc một số người cần Bằng Tốt nghiệp trung cấp nghề để xin dạy lái xe nhưng không có thời gian, điều kiện kinh tế để đến trường học. Nghe vậy, Quận đồng ý giúp, hai bên thống nhất chi phí cấp mỗi văn bằng giả là 2 triệu đồng.
Theo yêu cầu, Long cung cấp ảnh thẻ, bản sao CMND và thu mỗi hồ sơ 2 triệu đồng để chuyển ra cho Quận. Sau khi nhận thông tin, ảnh của người cần cấp bằng, Quận gửi các bài kiểm tra, bài thi lý thuyết vào cho Long đưa những người cần được cấp bằng làm và gửi lại bằng đường xe khách ra cho Quận. Sau đó, Quận đã ký cấp Bằng Tốt nghiệp trung cấp các ngành nghề vận hành xe múc, hàn, điện dân dụng và gửi lại cho Long.
Từ tháng 10-2017 đến trước tháng 8-2018, Quận ký cấp 41 văn bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cho những người thân, người quen của Long. Trong giai đoạn từ tháng 8-2018 đến tháng 2-2019, Quận đã có quyết định nghỉ hưu nhưng chưa bàn giao công việc vẫn ký cấp 5 văn bằng cho người quen của Long.
Quá trình cấp bằng, Quận sử dụng phôi bằng do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cấp cho trường còn dư lại, Quận không ghi tên người được cấp bằng, không lấy theo thứ tự số hiệu và số vào sổ cấp bằng trung cấp nghề của nhà trường, mà tự ghi tên, ghi số hiệu văn bằng, số vào sổ cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp không đúng quy định để lưu lại nhằm đối phó với các cơ sở sử dụng lao động khi họ có văn bản xác minh tính hợp pháp văn bằng. Tổng cộng, Quận đã làm giả 46 bằng tốt nghiệp trung cấp nghề theo yêu cầu của Long và thu lợi bất chính số tiền 92 triệu đồng.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra còn xác định Quận thông qua một người môi giới đã làm và cấp Bằng Tốt nghiệp giả cho 20 nhân viên của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Tuấn Thành đóng tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), thu lợi bất chính 40 triệu đồng. Cụ thể, khoảng tháng 7-2017, Cty Tuấn Thành đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Do cần có văn bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cho các nhân viên công ty phục vụ cho việc khai thác, giám đốc Cty Tuấn Thành thời điểm đó đã thông qua một người môi giới liên hệ với Quận làm giả bằng tốt nghiệp với giá 2 triệu đồng. Sau đó, giám đốc doanh nghiệp này tập hợp hồ sơ nhân viên công ty đưa cho người môi giới thực hiện thủ tục theo yêu cầu của Quận.
LÊ VƯƠNG