Báo Công An Đà Nẵng

Đà Nẵng được vinh danh thành phố thông minh Việt Nam 2023

Thứ sáu, 01/12/2023 08:25

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cũng lần lượt nhận giải thưởng trong lĩnh vực: Thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 được phát động từ ngày 20-7-2023. Sau gần 3 tháng triển khai, Giải thưởng đã nhận được 100 đề cử. Qua 3 vòng đánh giá Sơ tuyển, Thuyết trình và Chung tuyển, Hội đồng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước… do TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ làm Chủ tịch - được thành lập, đánh giá và đã lựa chọn trao 32 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 bao gồm: 7 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị, 1 giải thưởng dành cho Bất động sản công nghiệp, và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc.

Với xu hướng xây dựng thành phố thông minh hướng trọng tâm vào người dân và doanh nghiệp, Đà Nẵng đã được BTC đánh giá cao với Hệ thống giám sát quan trắc môi trường của TP Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề. Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố. Liên quan đến chủ đề này, chia sẻ tại Hội nghị, ông Yudhistira Nugraha, D.Phil. - Giám đốc Jakarta Smart City – chia sẻ: “Jakarta – Indonesia thậm chí đã xây dựng hẳn một hệ thống CRM (Citizen relationship Management - hệ thống quản trị quan hệ công dân) – tương tự hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM) của doanh nghiệp. Chuyển từ tư duy quản trị sang tuy duy phục vụ. Hệ thống với 3 trụ cột: Thành phố cảm biến: Chính quyền có thể cảm nhận và xác định các vấn đề đô thị trong thành phố; Hiểu biết về thành phố: Phát triển các phương pháp hiệu quả để hiểu và phân tích dữ liệu nhằm nắm bắt và giải quyết hiệu quả nhu cầu của người dân; Thành phố của hành động: Chính phủ sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định và thực hiện các hành động hiệu quả”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam nhận giải thưởng thành phố thông minh tại buổi vinh danh.

Riêng đối với xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất – Bộ não của Đô thị thông minh, Đà Nẵng đã xem dữ liệu số là huyết mạch để xây dựng thành phố thông minh. Chủ tịch UBND Đà Nẵng trực tiếp vào cuộc chỉ đạo xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và tập trung. Trung tâm IOC thế hệ mới của thành phố đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận/huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng…, phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành, chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan, phục vụ quản lý nhà nước, công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ chính quyền đô thị. Đến nay, thành phố đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia". Theo ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất – Bộ não của Đô thị thông minh. “Trong một đô thị thông minh, dữ liệu, thông tin, tri thức đều có thể và cần được ghi lại dưới dạng dữ liệu số. Như vậy, năng lực dữ liệu chính là năng lực thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin và tri thức, quyết định mức độ thông minh của đô thị. Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất sẽ tạo điều kiện xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững trong dài hạn dù có bất cứ sự thay đổi về cơ chế quản lý, nhà cung cấp giải pháp, hay các chỉ tiêu phát triển”.

Giải thưởng thành phố thông minh 2023 lần này cũng chứng kiến sự phát triển của các giải pháp công nghệ tích hợp các xu hướng công nghệ mới đặc biệt là IoT và AI. Các giải pháp này hầu hết do các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, phát triển. 24 giải pháp số được trao Giải thưởng thành phố thông minh từ 19 doanh nghiệp, trong đó, 1 Giải pháp xuất sắc được Hội đồng giám khảo bình chọn 5 sao được trao cho Nền tảng Beca Smart City của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam - Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC). Những giải pháp và các xu hướng phát triển này được thể hiện rất rõ thông qua các trình bày, chia sẻ, các giải pháp được giới thiệu tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 đã và đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày 29, 30-11-2023. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chia sẻ: “Phát triển ĐTTM tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa. Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội”.

LÊ ANH TUẤN