Nhà đầu tư nói gì về cơ hội phát triển tại Đà Nẵng?

Thứ năm, 30/11/2023 06:40
Đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước bày tỏ triển vọng phát triển rất lớn khi đầu tư vào Đà Nẵng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

Tập đoàn Synopsys (Hoa Kỳ) hoạt động trong nghành công nghiệp bán dẫn với doanh thu năm 2022 hơn 5 tỷ USD, hiện có chi nhánh tại Đà Nẵng với 200 nhân sự. Ông Trịnh Thanh Lâm- Giám đốc kinh doanh khu vực của tập đoàn Synopsys cho biết, Đà Nẵng không còn quỹ đất rộng để phát triển công nghiệp thông thường, không còn cách nào khác phải phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn. Đây là lĩnh vực không cần nhiều đất đai nhưng tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ. Đơn cử như công ty Marvell tại thung lũng Silicon mà đoàn lãnh đạo Đà Nẵng đã đến thăm mới đây, họ chỉ có 8.000 người nhưng mỗi năm làm ra 6 tỷ USD.

Ông Lâm nói, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn, nhất là về nhân lực, hạ tầng công nghệ cao, các trung tâm khởi nghiệp. “Công nghệ bán dẫn là công nghệ cao như thế, vậy người Việt có làm được không? Xin thưa giám đốc điều hành của Marvell là người Việt". Ở Đà Nẵng, 200 kỹ sư của Synopsys đã làm ra một bộ phận trong con chip được tập đoàn hàng đầu thế giới Intel sử dụng. Hoặc đơn cử con chip 5G của Viettel có 200 triệu bán dẫn, đang sử dụng có tính cạnh tranh toàn cầu, cũng do các kỹ sư Synopsys người Việt tạo ra. Điều này khẳng định trình độ kỹ sư Việt Nam đủ tham gia công nghệ hàng đầu thế giới. Tại các trường đào tạo công nghệ ở Đà Nẵng hiện nhiều giáo trình tiếng Anh, đào tạo theo chương trình công nghệ chuẩn thế giới. Lợi thế của Đà Nẵng không chỉ cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn tại thành phố, mà phải hướng đến là nơi cung cấp cho các công ty toàn cầu”- ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, Đà Nẵng đừng chỉ nghĩ đào tạo nhân lực làm chip mà phải nghĩ, phát triển cho các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp, tạo ra những con chip tỷ đô, như vậy mới có những Marvell, Synopsys-những công ty đó có trụ sở đầu tiên ở Đà Nẵng. “Chúng tôi là tập đoàn có 2 văn phòng với 200 nhân viên tại Đà Nẵng, làm ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, được chấp nhận toàn cầu. Trong thời gian tới, Synopsys sẽ đồng hành với Đà Nẵng để không chỉ phát triển số lượng kỹ sư Synopsys đông hơn mà còn giới thiệu, kết nối những khách hàng của Synopsys là những công ty thiết kế chip trên toàn cầu đến với thành phố, chung tay phát triển công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới như mục tiêu đặt ra trong quy hoạch”- ông Lâm chia sẻ.

Ông Trương Gia Bình nói về triển vọng phát triển công nghiệp bán dẫn của Đà Nẵng.

Trong khi đó, ông James Lee -Tổng giám đốc Tập đoàn Foxlink International Investment cho biết, sau khi khảo sát rất nhiều địa phương như TPHCM, Long An, Hải Phòng, Bình Dương cuối cùng quyết định rót 135 triệu USD để xây dựng dự án tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tập đoàn Foxlink có hoạt động toàn cầu, sản xuất các thành phần, linh kiện sản phẩm 3C, các sản phẩm năng lượng xanh với dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động. Khách hàng của Foxlink là các Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Google và HP... Ông Lee nói, dự án 135 triệu USD có 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 Foxlink sẽ thuê 10.034m2 diện tích nhà xưởng sẵn có, từ năm 2024 sẽ đi vào hoạt động tạo ra các sản phẩm liên quan đến thiết bị truyền thông vệ tinh. Trong giai đoạn 2, Foxlink sẽ xây dựng nhà máy rộng hơn 100 ngàn m2 trên đất thuê tại Khu công nghệ cao. Dự kiến tới năm 2025 sẽ xây dựng xong nhà máy, đưa vào hoạt động với doanh thu đạt khoảng 1 tỷ USD/năm. Ông Lee cũng cho biết thêm, môi trường đầu tư tại Đà Nẵng phù hợp với định hướng phát triển, kế hoạch đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam trong 20 năm tới, vì thế đã quyết định đầu tư tại đây sau khi đã đi khảo sát nhiều địa phương. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ dự án, Foxlink cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố trong đào tạo nhân tài, góp phần xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao.

Đà Nẵng sẽ xây dựng trung tâm ươm tạo, khởi nghiệp các dự án tại Khu công nghệ cao.

Ông Trương Gia Bình- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, lợi thế của Đà Nẵng để phát triển công nghiệp bán dẫn không chỉ là vị trí địa lý, cảnh quan, môi trường hấp dẫn mà còn là nguồn nhân lực chất lượng. Đà Nẵng có tỷ lệ số trường đại học trên dân số cao nhất cả nước, sinh viên chiếm 10% dân số. Công ty Intel, Synopsys và nhiều công ty công nghệ thông tin, bán dẫn lớn trên thế giới đã ở Đà Nẵng. Ông Bình nói, vừa qua, bí thư Thành ủy Đà Nẵng có cuộc gặp gỡ với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở Mỹ và có những hợp tác chiến lược. Đà Nẵng có cơ hội là điểm đến mới của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Vậy Đà Nẵng thiếu gì?

Theo ông Bình, đó là quy hoạch con người. Nếu trước đây, Việt Nam chỉ là con số không trên bản đồ CNTT thế giới. Thì giờ đây, Việt Nam có 1 triệu kỹ sư CNTT, nửa triệu kỹ sư phần mềm, là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu phần mềm chỉ sau Ấn Độ. Ông Bình cho biết, FPT hiện đào tạo 17.500 học sinh sinh viên và cũng mở ngành đào tạo bán dẫn. FPT cũng đã gặp gỡ công ty hàng đầu thế giới về vi mạch bán dẫn để bàn về kế hoạch nhân sự. Đó là nguồn nhân lực phục vụ không chỉ Việt Nam mà còn Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và các nước khác. Ông Bình nói, FPT sẽ đồng hành cùng Đà Nẵng trong quy hoạch nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và đưa thành phố trở thành thung lũng Silicon thứ hai.

HẢI QUỲNH