Đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu quân sự nước ngoài đến Đà Nẵng
Theo Trung tá Tỉnh, đây là 2 tàu chiến tuyến đầu của Hải quân Ấn Độ gồm INS Delhi, Khu trục hạm tên lửa dẫn đường được thiết kế và chế tạo nội địa đầu tiên của Hải quân Ấn Độ và INS Satpura, một tàu khu trục tàng hình đa năng. Cả 2 tàu đều có khả năng vận hành các máy bay trực thăng đa chức năng và được trang bị một loạt vũ khí và cảm biến linh hoạt để phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa trên mặt đất, trên không và dưới nước. Do vậy, công tác tổ chức đón tiễn các tàu nước bạn được đơn vị triển khai chặt chẽ đến từng cán bộ, chiến sĩ không để một sơ suất nhỏ xảy ra
Thiếu tá Nguyễn Linh Anh- Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cảng Tiên sa chia sẻ, đối với tàu quân sự là "lãnh thổ đặc biệt" của một quốc gia có chủ quyền, do vậy quá trình đón, tiễn và thời gian neo đậu tại cảng với lưu lượng người đến tham quan, giao lưu rất lớn, thành phần hết sức đa dạng, do đó, yêu cầu về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn cho tàu, thủy thủ đoàn là một vấn đề lớn được đặt ra; nhất là trong điều kiện cảng Đà Nẵng là cảng tổng hợp, không có phân khu chức năng đối với các hoạt động như: khu đón tiễn, khu họp báo... mà chủ yếu được thiết lập tạm thời; trong cảng thường xuyên có các phương tiện ra vào dễ gây ách tắc giao thông, gây khó khăn cho công tác bảo vệ tàu quân sự.
"Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng khi cáctàu quân sự nước ngoài đến thăm nước ta, chúng tôi xem đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, vì vừa phải bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về nghiệp vụ, vừa phải nhanh chóng thuận tiện cho thủy thủ đoàn, khách ra vào khu vực, lên xuống tàu...; đồng thời phải đúng yêu cầu công tác đối ngoại. Để đạt kết quả tốt nhất, đơn vị thường xuyên quán triệt kỹ các nội dung trong công việc và tuân thủ mọi mệnh lệnh từ cấp trên", Trung tá Đoàn Văn Tỉnh cho hay.
Theo Trung tá Tỉnh, trước khi tàu đến cảng, lực lượng Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng chủ động kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan và tham mưu cho cấp trên các vấn đề cần thiết; xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đến từng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ và trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước tại cảng để phối hợp thống nhất thực hiện. Khi tàu đến cảng thì các lực lượng, phương tiện thực hiện chặt chẽ đúng quy trình thủ tục tại vị trí neo đậu, giám sát hoạt động của người và phương tiện theo lịch trình; tuần tra, kiểm soát bảo vệ cổng cảng, vùng nước và khu vực liên quan trong suốt thời gian tàu lưu lại cảng. Sau khi tàu rời cảng thì đơn vị kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá ưu, khuyết điểm, đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, từ đó làm tốt hơn ở những chuyến tàu sau. Cùng với đó, đơn vị đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật trong kiểm tra, giám sát tàu thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi nhất và giảm thời gian kiểm soát tối đa.
Với nhiệm vụ đặt ra ngày một cao hơn, Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã thực hiện nghiệp vụ chặt chẽ, thông thoáng về thủ tục hành chính nhằm tạo hình ảnh tốt về lực lượng Biên phòng đối với những vị khách đến cảng. Điểm nổi bật trong công tác cải cách hành chính thời gian qua, đó là triển khai thực hiện hiệu quả thủ tục biên phòng điện tử cảng biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc đổi mới trong thủ tục biên phòng điện tử đã giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục đối với tàu, thuyền xuất nhập cảnh, tiết kiệm được chi phí đi lại, chi phí neo đậu của phương tiện, thuyền viên, hành khách có thể đi bờ, xếp dỡ hàng hóa ngay khi tàu cập cầu cảng.
Biên phòng Cửa khẩu cảng đã quán triệt, động viên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tìm tòi học hỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tìm giải pháp cải cách thủ tục hành chính...; qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng được giao.
Bá Vĩnh