Đảng Cộng hòa thất vọng với màn tranh luận của ông Trump
Các thành viên đảng Cộng hòa và giới phân tích đều cho rằng, màn tranh luận của ông Trump thua kém so với của bà Harris. Trong khi bà Harris thành công trong việc đẩy đối thủ vào thế phòng thủ, ông Trump lại khiến nhiều thành viên đảng Cộng hoà thất vọng khi không tận dụng được cơ hội để thách thức Phó Tổng thống Harris về các chính sách của bà.
Các đồng minh của ông Trump, như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đã bày tỏ sự thất vọng khi ông Trump không tận dụng được cơ hội để đưa ra những thông điệp mạnh mẽ hơn trước bà Harris và các vấn đề mà bà đối mặt. “Ông ấy đã có cơ hội để trình bày tất cả”, nghị sĩ Graham nói, nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội bị bỏ lỡ. Nghị sĩ Graham cũng nhận xét rằng bà Harris đã xử lý cuộc tranh luận tốt hơn mong đợi, nhưng vẫn chưa đủ để thuyết phục rằng bà có thể thay đổi đất nước nếu trở thành tổng thống.
Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa lo ngại rằng ông Trump đã không đưa ra đủ thông tin chi tiết về các vấn đề quan trọng như lãi suất thế chấp, lạm phát, và vấn đề biên giới để chứng tỏ sự khác biệt rõ rệt so với chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Thượng nghị sĩ Kevin Cramer nhận định rằng ông Trump đã biến cuộc tranh luận thành một cuộc mít tinh nhỏ, thiếu đi các chi tiết cần thiết để tiếp cận những cử tri dao động ở các bang chiến trường.
Theo đảng Cộng hòa, cách đối đáp của ông Trump cho thấy sự thất bại rõ ràng. Trong khi đó, bà Harris tỏ ra khá điềm tĩnh khi ông Trump tranh luận. Các thành viên Cộng hòa dành lời khen cho ứng viên Dân chủ vì chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc tranh luận quan trọng. "Bà ấy đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bà ấy đã gài bẫy khiến ông Trump sa đà vào những thứ khác thay vì nói về những điều mà lẽ ra ông ấy phải nói đến", cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie nói. Ông bình luận thêm: "Đây là sự khác biệt giữa người được chuẩn bị tốt và người không được chuẩn bị. Bất cứ ai chuẩn bị cho ông Trump đều đáng bị sa thải". Guy Benson, biên tập viên của trang web bảo thủ Townhall, cũng bình luận trên X: "Ông Trump đã không tập trung và chuẩn bị kém. Bà Harris về cơ bản đã hoàn thành chính xác những gì bà ấy muốn. Tôi nghĩ các thăm dò dư luận về cuộc tranh luận sẽ cho thấy bà ấy chiến thắng".
Reuters nhận định, trong cuộc tranh luận này, bà Harris đã dồn ông Trump vào thế phòng thủ. Theo một cuộc thăm dò dư luận do CNN thực hiện nhanh ngay sau cuộc tranh luận vào đêm 10-9, 63% người xem cảm thấy bà Harris đã vượt trội hơn ông Trump.
Ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận ngày 10-9, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris kêu gọi một cuộc tranh luận thứ 2 với ông Trump. Tuy nhiên, cựu tổng thống Mỹ tỏ ý không muốn như vậy. Theo tờ New York Times, phát biểu trước phóng viên tại phòng họp báo sau trận tranh luận đầu tiên với bà Harris và trên đài Fox News sáng hôm sau, ông Trump nói rằng mình không chắc có muốn tham gia cuộc tranh luận thứ 2 hay không. “Tôi không biết liệu tôi có muốn tham gia một cuộc tranh luận khác hay không”, ông Trump nói thêm rằng việc bà Harris muốn một cuộc tranh luận nữa vì bà cảm thấy đã “thua cuộc” trong ngày 10-9. "Bà ấy muốn điều đó vì bà ấy đã thua. Bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi bạn là một võ sĩ quyền anh và bạn thua? Bạn ngay lập tức muốn một cuộc chiến mới... Nếu sự kiện đó được tổ chức bởi một kênh truyền hình công bằng, tôi sẽ tham gia", ông Trump nói. "Tôi sẽ ít có xu hướng tranh luận lại vì chúng tôi đã có một đêm tuyệt vời. Chúng tôi đã thắng cuộc tranh luận", ông Trump nói.
Ông Trump chỉ trích cuộc tranh luận là "hoàn toàn gian lận" và gọi ABC News, kênh tổ chức cuộc tranh luận, là "tổ chức tin tức không trung thực nhất". Ông Trump liên tục bị những người điều phối cuộc tranh luận ngắt lời và xác minh thông tin trong suốt cuộc tranh luận. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, Brian Hughes cáo buộc những người điều phối chỉ phản bác ý kiến của ông Trump và cố tình chi phối kết quả tranh luận. Trong khi đó, một cố vấn của ông Trump cho rằng, bà Harris được giảm bớt câu hỏi về lạm phát và nền kinh tế. Mặc dù vậy, ông Trump và đội ngũ của ông vẫn coi đây là một cuộc tranh luận thành công.
AN BÌNH
Mỹ tưởng niệm các nạn nhân loạt vụ khủng bố 11-9
Ngày 11-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Mỹ gây chấn động toàn thế giới cách đây 23 năm.
Buổi lễ diễn ra trang trọng tại Đài tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia ở thành phố New York sau cuộc tranh luận cùng ngày trên truyền hình giữa hai ứng cử viên tổng thống Harris và Trump. Các quan chức tham dự đã xúc động gài lên ngực áo rải duy băng nhỏ màu xanh, lắng nghe ban tổ chức đọc tên của gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công Tòa tháp đôi thuộc khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở New York.
Trong một tuyên bố, Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh sự đoàn kết với gia đình và thân nhân của những người quá cố. Bà cũng khẳng định rằng, Chính phủ Mỹ còn tôn vinh tinh thần tương thân tương ái của người dân vào ngày định mệnh đau thương đó. Tiếp đến, bà Harris cùng Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump đến địa điểm ở bang Pennsylvania, nơi một máy bay bị cướp đã rơi vào ngày 11-9, để tưởng nhớ các nạn nhân. Sau đó, đoàn tới nơi mà một chiếc máy bay phản lực khác đã lao vào Lầu Năm Góc tại quận Arlington, bang Virginia vào năm 2001.
Loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 là loạt vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử, khiến 2.996 người thiệt mạng, trong đó có 2.977 nạn nhân và 19 phần tử khủng bố. Theo truyền thông Mỹ, các gia đình nạn nhân vụ 11-9 và các nghị sĩ đại diện của các bang tại Quốc hội cũng đang thúc đẩy việc biến ngày 11-9 thành ngày lễ liên bang.