Đoàn công tác của Chính Phủ làm việc tại Quảng Trị
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Trị, kinh tế- xã hội những tháng đầu năm của địa phương có chuyển biến tích cực; GRDP trong quý I ước tăng 6,16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 3,97% của quý I năm 2022. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi và phát triển. Về tình hình triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, đến hết tháng 4-2023, trên địa bàn tỉnh có 618 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực. Tỉnh cũng đã xác định đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; quyết liệt chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là các công trình giao thông quan trọng mang tính chiến lược nhằm tăng cường kết nối liên vùng, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, của tỉnh, đảm bảo quốc phòng- an ninh và phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân.
Về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh luôn xác định đẩy mạnh giải nhân vốn đầu tư là nhiệm vụ hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm thu nhập cho người lao động. Tính đến ngày 30-4-2023, tổng giá trị giải nhân là hơn 314 tỷ đồng, đạt 10,2% kế hoạch. Đối với việc phát triển nhà ở theo dự án, đến nay có 4 dự án nhà ở thương mại đã được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 3 dự án đã hình thành nhà ở, đủ điều kiện để bán (527 căn) cũng như nhà ở có sẵn. Đối với nhà ở xã hội, có 1 dự án đang triển khai…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị, đề xuất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, kính đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương sớm ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thủ tục đàm phán nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với các dự án năng lượng chuyển tiếp trong thời gian tới; sớm phê duyệt Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tổng thể về phát triển năng lượng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gia đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quảng Trị cũng kiến nghị có giải pháp tháo gỡ các nút thắt trong ngành dệt may và chế biến gỗ, hiện rất khó khăn về đơn hàng, thị trường tiêu thụ. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh; nâng cấp hạ tầng Cửa khẩu quốc tế La Lay đồng thời xây dựng đường nối Cửa khẩu La Lay đến cảng Mỹ Thủy. Tỉnh cũng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được kéo dài thời gian thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, đề nghị Bộ Thông tin-Truyền thông sớm ban hành các chính sách ưu đãi cho cán bộ chuyên trách tham mưu về chuyển đổi số và an toàn thông tin; chính sách cho Tổ công nghệ số cộng đồng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận nỗ lực của địa phương trong thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, đưa nền kinh tế địa phương có những bước phát triển vượt bậc. Trên cơ sở ý kiến trao đổi của lãnh đạo các bộ, ngành thành viên đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh những kiến nghị của tỉnh Quảng Trị tại buổi làm việc là có cơ sở, phù hợp với thực tiễn. Để Quảng Trị phát huy được những tiềm năng, lợi thế vốn có về phát triển kinh tế, cần thiết phải mạnh dạn, tiên phong thực hiện những kế hoạch dài hơi, trong đó lưu ý đẩy mạnh chuyển đổi số. Liên quan đến các kiến nghị trên các lĩnh vực, đoàn công tác của Chính phủ đã có giải trình, làm rõ tại buổi làm việc. Bên cạnh đó, ghi nhận các kiến nghị liên quan đến đầu tư, nguồn lực và một số vấn đề khác, đoàn tổng hợp báo cáo với Chính phủ.
Bảo Hà