Quảng Trị xác định giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Thứ tư, 10/05/2023 06:45
Ngày 9-5, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị các ngành, lĩnh vực, địa phương cần đề ra cách giải quyết cụ thể trong thực hiện các chỉ số cạnh tranh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị các ngành, lĩnh vực, địa phương cần đề ra cách giải quyết cụ thể trong thực hiện các chỉ số cạnh tranh.

Ông Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới, địa phương tập trung, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Việc tổ chức Hội nghị nhằm cải thiện thứ bậc, cải thiện thực chất môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao năng lực điều hành, quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp vì sự phát triển chung của địa phương.

Ông Võ Văn Hưng yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; trước hết là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức phải hiểu rõ tầm quan trọng của PCI đối với sự phát triển của tỉnh. Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá lại công tác cải cách hành chính, chất lượng cán bộ thực thi nhiệm vụ; đồng thời chỉ rõ từng ngành, đơn vị yếu kém để kịp thời cải thiện các chỉ số thành phần đang yếu, đứng ở thứ hạng thấp. Các sở, ngành liên quan cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, nâng cao năng lực trong công tác điều hành lãnh đạo, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Các sở, ngành có chỉ số nằm ở tốp cuối cần tăng cường kiểm tra, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện cải cách hành chính ở bộ phận một cửa trong quá trình tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp…

Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, doanh nghiệp, tỉnh sẽ có kế hoạch đối thoại với doanh nghiệp trong quý II-2023.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, các Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp đã thảo luận, tập trung phân tích, đánh giá các tồn tại, hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.

Đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, các công ty mất quá nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động; thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức... Từ đó cho thấy, mức độ, chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vẫn còn những rào cản, điểm nghẽn, bất cập trong chỉ đạo, điều hành và trong thực thi công vụ, nhất là phục vụ doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chỉ số PCI bị tụt hạng cho thấy, chính quyền tỉnh mặc dù quan tâm nhưng chưa tìm ra được vấn đề cốt lõi của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và cải thiện chỉ số PCI nói riêng.

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổng điểm số PCI năm 2022 của tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 61,26 điểm (giảm 2,07 điểm so với năm 2021), xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố và giảm 18 bậc so với năm 2021.Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chỉ có 4 chỉ số tăng điểm, 6 chỉ số giảm điểm so với năm 2021. Đặc biệt, Quảng Trị có 4 chỉ số đạt thứ hạng rất thấp gồm: Tiếp cận đất đai xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố; cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nguyên nhân dẫn đến sự tụt giảm về điểm số và thứ hạng PCI năm 2022 là do một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, thiếu ý thức trong phục vụ nhân dân; năng lực chuyên môn chưa đồng đều, chưa tâm huyết với công việc. Một số cán bộ vẫn còn có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu trong giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề phức tạp của một số sở, ngành còn hạn chế, chưa chia sẻ, thấu hiểu và thân thiện với doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ sở vật chất của một số cơ quan hành chính Nhà nước còn thiếu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cấp, ngành mới chỉ tập trung vào công tác thu hút đầu tư, chưa chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư sau cấp phép. Các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn ít; chất lượng đào tạo lao động và giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

N.L