Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Doanh nghiệp có được trả lương bằng ngoại tệ và ký hợp đồng nhiều lần với người lao động nước ngoài không?

Thứ hai, 06/11/2023 16:02
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Hiện nay nhu cầu thuê lao động người nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam khá phổ biến và pháp luật cũng đã có những quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề này. Trường hợp chị Huyền đang quan tâm sẽ được giải đáp dựa trên các quy định pháp luật như sau.

1. Công ty Việt Nam có được thỏa thuận trả lương bằng đồng USD cho NLĐNN không?

Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Pháp lệnh Ngoại hối 2013 quy định:

“Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Thông tư 33/2013/TT-NNHN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 26/12/2013 quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có quy định về trả lương cho NLĐNN như sau:

“Điều 4. Các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam

14. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong HĐLĐ bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó”.

Những quy định trên đã được Bộ luật Lao động 2019 tiếp thu và cụ thể hóa thành một nội dung trong Bộ luật Lao động 2019:

“Điều 95. Trả lương

2. Tiền lương ghi trong HĐLĐ và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ”.

Căn cứ các quy định nêu trên, Công ty chị Huyền có thể thỏa thuận trả lương bằng USD trong HĐLĐ đối với người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Công ty Việt Nam có thể ký HĐLĐ xác định thời hạn nhiều lần với NLĐNN không?

Đối với người lao động là người Việt Nam, Luật Lao động hiện nay chỉ cho phép ký HĐLĐ xác định thời hạn tối đa 2 lần; nếu HĐLĐ ký lần thứ 2 hết thời hạn mà người lao động vẫn muốn tiếp tục làm việc, các bên phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ đã ký sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

Đối với NLĐNN, trừ một số trường hợp được miễn GPLĐ theo quy định tại Điều 154 Bộ Luật Lao động 2019, các trường hợp NLĐNN còn lại phải được cấp GPLĐ nếu muốn làm việc tại Việt Nam. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì thời hạn của GPLĐ được cấp không quá 2 năm. Do đó, để tạo điều kiện trong việc sử dụng nguồn lao động là người nước ngoài, pháp luật lao động đã không hạn chế số lần giao kết HĐLĐ với người nước ngoài. Tuy nhiên, thời hạn trong HĐLĐ của người sử dụng lao động và NLĐNN không được vượt quá thời hạn của GPLĐ, cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019:

“Điều 151. Điều kiện NLĐNN làm việc tại Việt Nam

2. Thời hạn của HĐLĐ đối với NLĐNN làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của GPLĐ. Khi sử dụng NLĐNN làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn”.

Như vậy, trường hợp của Công ty chị Huyền, lãnh đạo Công ty chị và NLĐNN có thể thỏa thuận giao kết HĐLĐ xác định thời hạn nhiều lần và thời hạn trong HĐLĐ không được vượt quá thời hạn của GPLĐ.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102.425