Mạo danh Bảo hiểm xã hội lừa đảo người lao động

Thứ năm, 24/08/2023 08:34
Ngày 23-8, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam cho hay, vừa tiếp nhận thông tin mạo danh cơ quan BHXH để lừa đảo người lao động thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp. Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo tạo một tài khoản ngân hàng có đuôi là BHXH Việt Nam, sau đó tạo một văn bản giả gửi đến người lao động yêu cầu “hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp chi sai quy định”.
Văn bản giả của đối tượng lừa đảo gửi đến chị Phượng.
Văn bản giả của đối tượng lừa đảo gửi đến chị Phượng.

Trước đó, chị Trần Thị Minh Phượng (1999, trú xã Duy Hòa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, nhưng chị Phượng không nghe máy. Tiếp sau đó thông qua mạng xã hội Zalo, một đối tượng lạ gửi một tờ “quyết định thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp từ BHXH Việt Nam”.

Tờ quyết định gửi đến chị Phượng có nội dung: “Trường hợp ông/bà Trần Thị Minh Phượng trong khoảng thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng đã tìm được việc làm và tham gia BHXH bị trùng với tháng nhận trợ cấp thất nghiệp. Việc nhận trợ cấp thất nghiệp như trên đã vi phạm Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Yêu cầu ông/bà Trần Thị Minh Phượng có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền 2.974.200 đồng đã nhận không đúng quy định trong thời gian sớm nhất để được xử lý. Thay mặt BHXH Việt Nam, người ký tên quyết định là Nguyễn Vinh Quang”. Nội dung quyết định trên còn thể hiện: “Quyết định thi hành có hiệu lực từ ngày 15-8-2023 đến ngày 25-8-2023”. Đối tượng lừa đảo còn yêu cầu chị Phượng chuyển số tiền đã nhận sai về tài khoản mang tên PHAN THANH DAT – BHXH VIET NAM tại ngân hàng MB Bank.

Trước sự việc trên, chị Phượng đã trực tiếp liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam bày tỏ thắc mắc và được cán bộ tiếp nhận báo vụ việc với Phòng Chế độ BHXH tỉnh Quảng Nam kiểm tra. Tiếp nhận thông tin, BHXH Quảng Nam xác định đây là số tài khoản giả danh cơ quan BHXH Việt Nam, quyết định thu hồi trợ cấp thất nghiệp là giả. BHXH Việt Nam không có lãnh đạo tên Nguyễn Vinh Quang, cũng như không có tài khoản cá nhân nào liên kết với BHXH Việt Nam, mà số tài khoản của cơ quan BHXH là số tài khoản của tổ chức.

Về việc vì sao đối tượng lừa đảo lại có thông tin đầy đủ của người lao động rồi tạo văn bản giả để lừa đảo? Lý giải vấn đề này, lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay có lỗ hổng là bất cứ người dân nào cũng có thể tải App (ứng dụng) của các ngân hàng về rồi khai báo online, nhưng các từ khóa liên quan đến các cơ quan, đơn vị của nhà nước như BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh… chẳng hạn thì ngân hàng không kiểm soát, không xóa được. “Sau khi có đầy đủ tên tuổi của người lao động, đối tượng lừa đảo đã giả mạo một văn bản của BHXH Việt Nam rồi gửi trực tiếp đến người lao động, yêu cầu chuyển hoàn lại tiền trợ cấp thất nghiệp chi sai quy định. Khi nhìn vào văn bản của đối tượng lừa đảo, người lao động có thể dễ dàng bị đánh lừa; nhưng cán bộ bảo hiểm sẽ nhận ra ngay đây là văn bản giả”, lãnh đạo BHXH tỉnh thông tin.

Trước sự việc trên, ngày 23-8, BHXH tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gửi cơ quan, đơn vị, người lao động để cảnh báo. “BHXH Quảng Nam cảnh báo, để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng lợi dụng lỗ hổng của việc người dân tự kích hoạt số tài khoản online để đặt tên cơ quan, tổ chức nhà nước rồi thực hiện hành vi lừa đảo. Người lao động cần thận trọng, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cần liên hệ ngay với cơ quan, tổ chức có liên quan để được giải đáp”- nội dung cảnh báo thể hiện.

BÃO BÌNH