Báo Công An Đà Nẵng

Đông Âu phẫn nộ vì ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine

Thứ hai, 10/04/2023 08:37
Nông dân Romania biểu tình phản đối nhập khẩu ngũ cốc Ukraine. Ảnh: abcNews

Nông dân thiệt hại nặng nề

Các cảng biển của Ukraine, một trong những quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã bị phong tỏa sau khi nổ ra cuộc chiến từ cuối tháng 2-2022. Ukraine đã tìm các tuyến đường thay thế qua Ba Lan và Romania để xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Ba Lan và Romania bị tắc nghẽn, khiến một lượng lớn ngũ cốc Ukraine, có giá thành rẻ hơn so với ngũ cốc sản xuất tại EU, lại được phân phối tại thị trường các nước láng giềng trong khi lẽ ra phải được xuất khẩu ra bên ngoài khối. Thực tế này ảnh hưởng đến giá cả và doanh số bán hàng của nông dân địa phương.

Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Czech ngày 6-4 thông báo rằng từ tháng 2-2022 đến tháng 1 năm nay, lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Ukraine vào các nước EU nhiều gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. EU đã bỏ tất cả thuế và hạn ngạch với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 quốc gia thành viên khối, nhằm tạo điều kiện vận chuyển sang các khu vực khác trên khắp thế giới. Ngũ cốc giá rẻ của Ukraine khiến giá ngũ cốc của các nước láng giềng giảm mạnh.

Nông dân Ba Lan phàn nàn rằng nông sản nội địa phải cạnh tranh với lượng ngũ cốc nhập khẩu tăng vọt từ Ukraine, từ mức gần 100.000 tấn trước xung đột lên 2,45 triệu tấn vào năm 2022. Romania và Bulgaria chứng kiến làn sóng bất ổn tương tự, khi nông dân tổ chức biểu tình ở thủ đô và chặn các cửa khẩu biên giới. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính nông dân Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia đã thiệt hại tổng cộng 417 triệu EUR do ngũ cốc Ukraine rẻ hơn tràn vào.

Lãnh đạo 5 quốc gia, trong đó có Ba Lan, tháng trước viết thư cho Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, yêu cầu hành động về nông sản Ukraine. Cơ quan điều hành của EU quyết định trả 56,3 triệu EUR tiền bồi thường cho nông dân Ba Lan, Bulgaria và Romania, song các quốc gia này khẳng định số tiền trên không đủ.

Căng thẳng

Nhằm giảm thiểu tác động đối với giá cả ngũ cốc trong nước, Bộ Nông nghiệp Ba Lan ngày 7-4 thông báo tạm dừng nhập ngũ cốc Ukraine. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Mykola Solskyi, tân Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết: "Chúng tôi đã nhất trí hạn chế và tạm dừng hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sang Ba Lan. Hoạt động quá cảnh sẽ được phép diễn ra nhưng phải nằm dưới sự giám sát chặt chẽ ở cả hai nước, như vậy ngũ cốc Ukraine không lưu lại Ba Lan". Tuyên bố được Bộ trưởng Telus đưa ra một ngày sau khi nhậm chức. Người tiền nhiệm của ông là Henryk Kowalczyk đã từ chức ngày 5-4, sau khi nông dân Ba Lan biểu tình rầm rộ để phản đối giá ngũ cốc trên thị trường giảm mạnh do ảnh hưởng từ nông sản Ukraine.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine cho biết, tình hình rất khó khăn cho cả nông dân Ukraine và Ba Lan. Tất cả đều hiểu ai là người có lỗi, nhưng Ukraine phải giải quyết vấn đề này. Phía Ukraine sẽ hạn chế xuất khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hướng dương sang Ba Lan cho đến vụ mùa mới. Dự kiến hai bên sẽ gặp lại nhau trong những ngày tới để đảm bảo quá trình vận chuyển ngũ cốc suôn sẻ dành cho các quốc gia khác.

Romania và Bulgaria cũng chứng kiến làn sóng bất ổn tương tự, với việc nông dân tổ chức các cuộc biểu tình ở thủ đô và chặn các cửa khẩu biên giới. Ngày 7-4, hàng nghìn nông dân Romania đã tham gia các cuộc biểu tình trên cả nước. Những người biểu tình sử dụng máy kéo và xe tải chặn giao thông và cửa khẩu biên giới ở nhiều nơi, đồng thời kêu gọi EC can thiệp giải quyết vấn đề.

Tại thủ đô Bucharest của Romania, khoảng 200 nông dân đã biểu tình trước Văn phòng Ủy ban châu Âu, mang theo các biểu ngữ có dòng chữ như "Chúng tôi tôn trọng các quy tắc của EU, nhưng EU phớt lờ chúng tôi" hoặc "Sự ổn định cho nông dân Romania". Ông Nicu Vasile, người đứng đầu liên minh nông nghiệp Romania LAPAR, cho biết: "Chúng ta đang nói về sự cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng châu Âu. Tôi biết các đồng nghiệp Ukraine của chúng tôi cũng cần bán, nhưng đó là sự cạnh tranh không lành mạnh".

AN BÌNH