Báo Công An Đà Nẵng

Đừng mở hộp Pandora

Thứ hai, 07/10/2024 08:16
Hiện trường một cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: IRNA/TTXVN

Khi đó, các thủ lĩnh của phong trào này nghĩ rằng sẽ gây sức ép để buộc chính phủ cánh hữu của Israel nới lỏng chính sách kiểm soát và cai trị đối với người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây.

Cuộc tấn công đẫm máu của Hamas khiến Israel lần đầu tiên trong 50 năm phải tuyên bố tình trạng chiến tranh. Nhiều người ví vụ tấn công này với sự kiện dẫn đến cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973 hoặc vụ tấn công vào tòa Tháp đôi ở Mỹ ngày 11/9/2001. Ngay lập tức, Israel phát động chiến dịch "Những thanh kiếm sắt" để trả đũa. Các trận dội bom vào Dải Gaza đã khiến ít nhất 41.800 người Palestine thiệt mạng, 97.000 người bị thương, 66% công trình hạ tầng tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại. Gần như 100% người dân Gaza phải sơ tán chiến tranh. Tình hình nhân đạo ở dải đất hẹp này được Liên hợp quốc ví là "địa ngục trần gian".

Duy nhất một lần giữa Hamas và Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn khoảng 1 tuần vào cuối tháng 11/2023. Từ đó đến nay các cuộc đàm phán đều thất bại bất chấp nỗ lực của các nước trung gian bao gồm Qatar, Ai Cập, Mỹ. Chính phủ và quân đội Israel quyết tâm không dừng cuộc chiến chừng nào chưa đạt được mục tiêu "loại bỏ phong trào Hamas".

Về phía Israel, trong suốt năm qua, người dân nước này cũng chưa được hưởng một ngày vui vẻ trọn vẹn. Tính đến thời điểm này, 101 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza, trong đó 1/3 được xác định đã tử vong. Lễ năm mới Rosh Hashanah theo lịch Do Thái, các món ăn thường được trộn thêm mật ong để thể hiện ý nghĩa "năm mới ngọt ngào". Có người đã ví "dù có mang tất cả mật ong trên thế giới cũng không thể làm cho ngày lễ Rosh Hashanah năm nay trở nên ngọt ngào".

Các cuộc giao tranh đã khiến khoảng 18.000 binh sĩ Hamas và 500 binh sĩ Israel thiệt mạng. Về cơ bản, Hamas đã thất bại với tư cách là một tổ chức quân đội chính quy, nhưng Israel cũng đối mặt với nguy cơ sa lầy nghiêm trọng. Với người dân Palestine ở Dải Gaza, Hamas là một phong trào chính trị và các tay súng chuyển sang đánh du kích.

Thay vì được tính bằng tuần như dự đoán ban đầu, cuộc xung đột đã chuyển sang tính bằng tháng và chưa biết khi nào mới chấm dứt. Chiến tranh làm đảo lộn đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Israel. Các cuộc biểu tình kêu gọi giải thoát con tin diễn ra triền miên. Thâm hụt ngân sách, đầu tư sụt giảm, lạm phát gia tăng, nền kinh tế Israel ước tính thiệt hại 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do chiến tranh.

Song song với cuộc chiến tại Dải Gaza là xung đột giữa Israel với phong trào Hezbollah ở Liban và mới nhất là cuộc đối đầu trực tiếp với Iran, khiến thế giới vô cùng quan ngại trước nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện Trung Đông. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, chuyên gia quan hệ quốc tế, Tiến sĩ Aryeh Geronik tại ĐH Mở Israel nhận định không loại trừ kịch bản xấu nhất. Ông nói: "Tôi tin là mọi người đều không muốn kịch bản tồi tệ nhất, nhưng đáng tiếc là chúng ta lại đang có những bước đi theo hướng này. Và nếu tôi không nhầm thì chúng ta đang tiến thẳng tới đó. Cũng cần phải nhắc lại là tất cả đều bắt đầu từ thời điểm cách đây 1 năm, ngày 7/10/2023. Lúc đó không ai dám nghĩ tới một cuộc chiến tổng lực toàn khu vực. Điều này khiến tôi nhớ lại một câu nói: Chiến tranh, cũng giống như tình yêu, bạn biết là sẽ bước vào, nhưng bạn không thể biết nó sẽ đưa bạn đến đâu".

Trong vài tuần qua, phía Israel liên tiếp có các động thái leo thang căng thẳng, khi mà hậu quả của các vụ ám sát thủ lĩnh phong trào Hamas diễn ra ở Iran và vụ sát hại chỉ huy cấp cao của phong trào Hezbollah ở Liban chưa dừng lại. Đầu tiên là hàng loạt thiết bị máy nhắn tin của lãnh đạo Hezbollah phát nổ, tiếp đến thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah bị ám sát. Mới nhất là chiến dịch đưa quân đổ bộ sang biên giới Liban. Tất cả nằm trong chuỗi sự kiện sau khi Israel chính thức tuyên bố mục tiêu đẩy lui Hezbollah để đưa gần 70.000 dân sơ tán ở các vùng gần biên giới phía Bắc trở về nhà.

Một loạt các quốc gia trong khu vực và thế giới, bao gồm cả Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel - đều đã lên tiếng cảnh báo các động thái này sẽ đổ thêm dầu vào lửa, khiến cuộc xung đột, ban đầu là với Hamas ở Gaza, nay đã lan sang các khu vực khác, sẽ không thể sớm dừng lại. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Cuộc tấn công tên lửa ồ ạt do Iran thực hiện nhằm vào Israel tối 1/10 được tuyên bố là để trả đũa cho các vụ ám sát các lãnh đạo Hamas và Hezbollah trước đó. Cây bút bình luận Amos Harel của nhật báo Haaretz nhận định: "Sau cuộc tấn công bất ngờ của Iran, Israel rơi vào một cuộc chiến tranh khu vực".

Điều khiến dư luận quan tâm hiện nay là bước đi tiếp theo của Israel sẽ như thế nào, bởi có thể quyết định của Tel Aviv sẽ định hình tương lai của cả khu vực trong nhiều năm sắp tới. Đã xuất hiện những tiếng nói trong giới lãnh đạo nắm quyền tại Israel kêu gọi tấn công thẳng vào cơ sở hạt nhân của Iran, mà với Tehran thì đây là vấn đề cốt tử. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố không ủng hộ phương án tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, bởi việc này có nguy cơ dẫn đến chiến tranh khu vực và leo thang hạt nhân.

Xét lợi ích và chi phí chiến lược, trong 3 chủ thể có khả năng trực tiếp thổi bùng lên "đám cháy" chiến tranh Trung Đông ở thời điểm hiện tại, bao gồm Iran, Israel và Hezbollah, thì không chủ thể nào mong muốn điều này xảy ra. Các cuộc giao tranh qua giữa Israel và Hezbollah suốt năm qua chỉ giới hạn ở gần biên giới và các mục tiêu quân sự của nhau. Hai lần đối đầu trực tiếp giữa Israel, một lần hồi tháng 4 và một lần đầu tháng 10, dường như các nhà lãnh đạo cả hai bên đều có ý tránh trở thành cuộc xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, khác với các cuộc khủng hoảng thông thường, khủng hoảng địa chính trị có một quy luật bất biến, đó là không thể dự đoán kết quả nếu áp dụng biện pháp "dĩ độc trị độc" trong xung đột. Bất cứ một sự leo thang nào cũng có thể là tình huống mở ra "chiếc hộp Pandora" của chiến tranh và chết chóc.

Cách đây 1 năm, vụ tấn công của phong trào Hamas đã dẫn đến cuộc chiến ở Dải Gaza, kéo theo cuộc xung đột giữa Israel với Hezbollah và các vụ "ăn miếng trả miếng" giữa Israel và Iran. Nhưng Hamas cũng đổ lỗi cho chính phủ cực hữu tại Israel trước đó đã trấn áp người Palestine và tìm cách thay đổi hiện trạng ở các địa điểm tranh chấp linh thiêng của người Hồi giáo.

Khi tiến hành chiến dịch đưa quân vào Liban hôm 1/10, Israel tuyên bố đây là một chiến dịch "có giới hạn và mục tiêu cụ thể". Tuy nhiên, thực tế sẽ diễn biến ra sao là điều chưa ai dám chắc. Israel sẽ thành công trong việc đưa người dân biên giới trở về, hay sẽ lặp lại vết xe cũ ở Dải Gaza? Từ một đám cháy ban đầu, khu vực Trung Đông đang đối mặt với 3 - 4 đám cháy. Một tính toán sai lầm của Israel hoặc của Iran chắc chắn sẽ khiến cái gọi là "thùng thuốc súng" Trung Đông nổ tung.

Đó là điều giới quan sát đang vô cùng lo ngại và chờ đợi các tổ chức, chính phủ có tiếng nói, như Liên hợp quốc, Mỹ, Nga thể hiện vai trò kiềm chế các bên đi quá giới hạn. Một số quốc gia trong khu vực đã nhắc lại sáng kiến hòa bình do Saudi Arabia nêu ra, theo đó các nước khối Arab/Hồi giáo sẽ đảm bảo để Israel có một nền an ninh, miễn là nước này chấm dứt hoạt động chiếm đóng trên các vùng lãnh thổ của người Palestine. Các quốc gia này nhấn mạnh ủng hộ thành lập một liên minh quốc tế để triển khai giải pháp hai nhà nước.

Chỉ khi nào người Israel và người Palestine cùng chung sống trong hòa bình, lúc đó sẽ không còn ai muốn mở "chiếc hộp Pandora" chiến tranh ra nữa.

Theo TTXVN

Israel không kích đền thờ Hồi giáo ở Gaza, ít nhất 18 người tử vong

Ngày 6/10, hãng thông tấn Wafa của Palestine đưa tin Israel đã không kích một đền thờ Hồi giáo ở Dải Gaza khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Iran dọa

Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran (IRGC) cảnh báo sẽ

Tổng Thư ký LHQ quan ngại diễn biến căng thẳng Hezbollah-Israel

Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh đẩy tình hình đi quá xa, vì rằng người dân Liban, Israel cũng như toàn bộ khu vực không thể chịu được một cuộc chiến tranh toàn diện.