Israel phớt lờ phán quyết của ICJ

Thứ hai, 27/05/2024 11:59
Ngày 25-5, máy bay chiến đấu và pháo binh của Israel đã tấn công thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza, sau khi chính phủ nước này bác bỏ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động quân sự tại đây.
Các thẩm phán ICJ trong phiên điều trần về chiến sự ở Gaza hôm 16-5. Ảnh: AFP
Các thẩm phán ICJ trong phiên điều trần về chiến sự ở Gaza hôm 16-5. Ảnh: AFP

Israel đã tiến hành các cuộc tấn công trên khắp Dải Gaza khi giao tranh nổ ra giữa quân đội nước này và lực lượng Hồi giáo Hamas. Theo các nhân chứng, các cuộc không kích hoặc pháo kích xảy ra ở Rafah, thành phố Deir al-Balah ở trung tâm Gaza, thành phố Gaza và trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc. Kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin quân đội Israel cũng đang truy quét các tay súng Palestine ở thành phố Jenin ở Bờ Tây sông Jordan.

Theo Al Jazeera, các binh sĩ Israel hiện phong tỏa những con đường trong thành phố và một trại tị nạn ở gần đó. Tất cả các bệnh viện và một số tòa nhà quan trọng bị bao vây, với các đội bắn tỉa xuất hiện trên mái. Khoảng 30 xe chiến đấu đang tham gia cuộc truy quét. Những tiếng nổ và tiếng súng được nghe thấy trong thành phố. Đã có thông tin về những vụ đụng độ giữa quân đội Israel và các lực lượng kháng chiến Palestine.

Trước đó, ngày 24-5, ICJ đã ra phán quyết yêu cầu Israel tạm dừng các hoạt động quân sự ở Rafah. Đây được xem là phán quyết mang tính bước ngoặt có khả năng làm tăng thêm áp lực quốc tế đối với Israel sau hơn 7 tháng kể từ khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza. Hoan nghênh phán quyết của ICJ, Hamas cho biết sẵn sàng hợp tác với các ủy ban điều tra của ICJ được phái đến Dải Gaza.Tuy nhiên, Israel cùng ngày đã bác bỏ phán quyết này, với lý do các hoạt động quân sự ở Rafah không đe dọa điều kiện sống của dân thường Palestine ở Gaza.

Ai Cập đã hoan nghênh phán quyết mới nhất của ICJ yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự và bất kỳ hành động nào khác tại thành phố Rafah của Palestine, mở cửa khẩu biên giới Rafah và tất cả các cửa khẩu biên giới dẫn vào Dải Gaza, cũng như ngừng các hành vi đe dọa cuộc sống của người Palestine ở Gaza. Tuyên bố cho hay Ai Cập kêu gọi Israel tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội diệt chủng cũng như luật nhân đạo quốc tế. Ai Cập cũng kêu gọi thực thi tất cả các biện pháp tạm thời do ICJ ban hành. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập lưu ý rằng phán quyết của ICJ phù hợp với tình hình hiện nay ở Gaza, nơi hàng chục nghìn người Palestine vô tội đã thiệt mạng và hầu hết cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Trước đó, Ai Cập đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng do các hoạt động quân sự của Israel ở Rafah gây ra, đồng thời nhấn mạnh các hoạt động đó đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với hơn 1,4 triệu người Palestine ở thành phố Rafah.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck ngày 25-5 đánh giá các hoạt động của Israel ở Dải Gaza đi ngược lại luật pháp quốc tế. Trả lời phỏng vấn hãng tin DPA, Phó Thủ tướng Đức lập luận: “Dứt khoát là Israel nên tuân thủ luật pháp quốc tế. Nạn đói, những khổ đau của nhân dân Palestine, những cuộc tấn công ở Dải Gaza, như chúng ta hiện được chứng kiến theo phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế”. Chính phủ Australia cũng kêu gọi Israel tuân thủ phán quyết của ICJ về việc ngừng ngay lập tức cuộc tấn công và mở cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Gaza để cho phép viện trợ vào khu vực.

Bộ Ngoại giao Pakistan cùng ngày ra tuyên bố ủng hộ ICJ ra phán quyết yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức chiến dịch tấn công quân sự ở thành phố Rafah. Bộ Ngoại giao và Người di cư Lebanon cùng ngày cũng ra tuyên bố yêu cầu Israel ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, coi đây là “cơ hội quan trọng để chấm dứt các chính sách tấn công và di dời người dân của Israel”.

Kinh tế Palestine đối mặt cú sốc chưa từng có

Ngày 25-5, Bộ trưởng Kinh tế Palestine Mohammed Alamour cảnh báo nền kinh tế nước này đang đối mặt với cú sốc "chưa từng có" do tác động của cuộc xung đột Hamas - Israel hiện nay ở Dải Gaza.

Trong tuyên bố, ông Alamour cho biết các cuộc tấn công ở Gaza, cũng như các biện pháp phong tỏa tài chính và kinh tế của Israel đối với Palestine đang làm gián đoạn hoạt động thương mại của nước này. Ông nêu rõ nền kinh tế Palestine chịu thiệt hại khoảng 20 triệu USD mỗi ngày do hoạt động sản xuất ở Dải Gaza và Bờ Tây bị gián đoạn. Quan chức này kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Chính phủ Israel chấm dứt các cuộc tấn công và các biện pháp phong tỏa kinh tế đối với Palestine.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 23-5 công bố báo cáo nhận định chính quyền Palestine đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ tài chính, khi nguồn thu cạn kiệt và hoạt động kinh tế suy giảm. WB dự báo trong những tháng tới, thâm hụt ngân sách của chính quyền sẽ lên tới 1,2 tỷ USD, gấp đôi mức tài trợ là 682 triệu USD vào cuối năm 2023. Nền kinh tế Palestine được dự đoán sẽ suy giảm từ 6,5 - 9,6%. Thể chế tài chính này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng hỗ trợ nước ngoài cho chính quyền Palestine. Theo Quỹ đầu tư Palestine, khu vực dải Gaza sẽ cần ít nhất 15 tỷ USD để bù đắp những thiệt hại sau nhiều năm bị phong tỏa, kìm hãm sự phát triển kinh tế và hiện đang bị tàn phá do xung đột.

AN BÌNH