Kỳ cuối: Ngành chức năng và chính quyền TP Tam Kỳ lên tiếng
Giải mã 3 ngôi mộ cổ bí ẩn
Theo Bảo tàng Quảng Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hai ngôi mộ của vợ chồng cụ ông họ Huỳnh - cụ bà Phan Thị ở phường An Sơn là những ngôi mộ cổ có kiểu xây dựng mang đặc trưng phong cách kiến trúc mộ ở Quảng Nam khoảng giữa thế kỷ XIX. Bia mộ hiện còn nguyên vẹn, chứa đựng thông tin trung thực về mộ chủ (họ tên, danh xưng, tên chữ, quê quán, phẩm hàm, chức tước, niên sanh, niên tử, niên tạo, quyến thuộc,…). Cụ thể, tấm bia tại mộ ông cụ họ Huỳnh ghi như sau: "Đại Nam - Hiển khảo: Giang Hạ quận, Đệ Tam lang. Tự viết: Huỳnh Hoàn Nhân chi mộ", dịch: "Đây là mộ Cha tôi, con trai thứ Ba của ông Nội tôi, người họ Huỳnh, có tên tự là Huỳnh Hoàn Nhân".
Cạnh mộ cụ ông Huỳnh Hoàn Nhân là mộ cụ bà Phan Thị có bia dòng chính ghi: "Đại Nam - Cố Hiển tỉ - Kỳ lão Huỳnh công Nguyên phối - Phan thị chi mộ", dịch: "Đây là mộ mẹ đã khuất của chúng tôi. Bà họ Phan, là vợ cả của cha tôi là Kỳ lão họ Huỳnh". Thời điểm dựng bia ghi: "Tuế tại Bính Thìn, Trọng thu nguyệt, Hạ hoán", dịch: "Bia dựng năm Bính Thìn - 1856 vào các ngày hạ hoán tháng 8 âm lịch". Tên người dựng bia ghi: "Hiếu tử: Văn Dục, Văn Lập đồng lập thạch". Trên bia mỗi mộ đều có ghi bài minh bằng văn vần gồm nhiều câu thơ…
Đối với ngôi mộ "giày thầy Lánh" (ở phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ, mà bà Nghiêm Thị Hằng cho rằng mộ chồng thứ hai của Hồ Xuân Hương), tấm bia trên mộ ghi: "Thượng đại Bích Nhãn Nguyễn Đức Lánh tôn sư thần mộ", tạm dịch: "Đây là mộ linh của ngài Nguyễn Đức Lánh, thuộc đời bên trên, có hiệu là Bích Nhãn tôn sư". Tên người dựng bia là: "Diêm Điền xã Nguyễn Văn Phúng tịnh bổn tộc đồng phụng lập", tạm dịch: "Nguyễn Văn Phúng cùng các con cháu trong tộc Nguyễn ở làng Diêm Điền cùng dựng bia để thờ".
Bảo tàng Quảng Nam cho biết, Diêm Điền là tên một làng thuộc tổng An Hòa, huyện Hà Đông xưa (nay thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam). Làng này có tộc Nguyễn Văn. Hậu duệ tộc này xác nhận Thầy Lánh là nhân vật có thật và là tằng tổ đời thứ sáu với tính danh ghi trong gia phả của tộc là "Thượng tằng tổ Bích Nhãn tôn sư Nguyễn Đức Thêm tiên sinh". Đây là ngôi mộ có chủ, hiện đang được con cháu thờ cúng…
Trở lại hai ngôi mộ của vợ chồng cụ ông họ Huỳnh - cụ bà Phan Thị, từ các chứng cứ lịch sử được người xưa khắc tạc trên 2 ngôi mộ, Bảo tàng Quảng Nam nhìn nhận: Các văn khắc trên mộ đều cho thấy hai mộ có danh xưng, chủ nhân, quê quán, gia quyến,… Hiện nay, có thể vì một số lý do như chiến tranh, di dân,… nên mộ phần không có con cháu thường xuyên lui tới chăm sóc, thờ phụng. Tuy nhiên, trong nghiên cứu lăng mộ cổ, bia mộ là một thành tố quan trọng nhất của lăng mộ, chính bia mộ đã cá nhân hóa ngôi mộ và cho ngôi mộ tình trạng hộ tịch của nó. Vì vậy, không thể khẳng định các mộ này là vô chủ. Đồng thời, đây là những ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, văn chương, nghệ thuật, rất cần được bảo vệ và nghiên cứu. Việc đưa ra những suy đoán không có cơ sở hoặc dựa vào những chứng cớ huyền hoặc để thay đổi nhân thân người nằm trong hai ngôi mộ này là điều không được làm.
Không đồng ý theo đề xuất xin khai quật mộ cổ
Bảo tàng Quảng Nam cũng cho rằng, mồ mả là nơi chôn cất thi thể, hài cốt của cá nhân, được xem là một trong những nét văn hóa của người phương Đông, thể hiện sự tín ngưỡng, tâm linh của người Việt Nam. Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là tội xâm phạm đến trật tự, an toàn đối với thi thể, phần mộ và hài cốt của người chết và thông qua đó đã xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015.
"Qua quá trình khảo sát, điều tra khảo cổ, phỏng vấn người dân và các nhà nghiên cứu địa phương về các ngôi mộ cổ ở phường An Sơn cho thấy, đây là hai ngôi mộ của vợ chồng cụ ông họ Huỳnh và cụ bà họ Phan Thị, có hai người con trai tên Văn Dực, Văn Lập. Mộ cổ ở phường Hòa Hương là mộ của ông Nguyễn Đức Thêm, hiện còn hậu duệ. Chúng tôi không tìm thấy căn cứ khoa học nào cho việc xác định chủ nhân các ngôi mộ trên là mộ cải táng của bà Hồ Xuân Hương hoặc có liên quan đến gia đình bà Hồ Xuân Hương"- Bảo tàng Quảng Nam khẳng định.
Từ kết quả trên, Bảo tàng Quảng Nam cho rằng, khai quật mộ cổ không chỉ là công tác đào cốt để thực hiện các giám định nhân thân mà là một công trình khoa học, phải tuân thủ nghiêm túc kỹ thuật xử lý khai quật khảo cổ nhằm xác định quy mô, diện tích, trắc diện các lớp đất, diễn biến về địa tầng, thổ nhưỡng, cấu trúc mộ và hình thức táng tục. Di cốt, quan tài, các di vật, các khối kiến trúc đều phải được tập hợp xử lý, bảo quản, được nghiên cứu từng bước và có phương án phục dựng hợp lý. Trong điều kiện hiện nay, Bảo tàng Quảng Nam đề xuất không tổ chức khai quật ngôi mộ này mà tiến hành bảo vệ kiến trúc, nghệ thuật kể cả di cốt các bậc tiền nhân ở trong khu mộ.
"Trong trường hợp cần tổ chức khai quật để bảo vệ hay di dời do những lý do bất khả kháng, Sở VH-TT&DL cần phối hợp với TP Tam Kỳ tổ chức Hội thảo Khoa học để lấy ý kiến đồng thuận từ giới chuyên môn, người dân và chính quyền địa phương trước khi tiến hành khai quật theo quy trình khai quật di chỉ mộ táng. Trong quá trình khai quật, Bảo tàng Quảng Nam tham gia với vai trò là đơn vị phối hợp"- Bảo tàng Quảng Nam nêu quan điểm.
Để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VH-TT&DL tỉnh đã có công văn gửi UBND TP Tam Kỳ nghiên cứu cho ý kiến đối với kiến nghị của bà Nghiêm Thị Hằng về việc xin khai quật mộ cổ. Ngày 18-9, UBND TP Tam Kỳ đã có công văn phản hồi với nội dung: Qua nghiên cứu báo cáo của Bảo tàng tỉnh Quảng Nam về kết quả khảo sát, nghiên cứu và đề xuất phương án xử lý đối với kiến nghị của bà Nghiêm Thị Hằng, UBND TP Tam Kỳ đề nghị giữ nguyên hiện trạng của các ngôi mộ cổ được nêu trong báo cáo của Bảo tàng tỉnh Quảng Nam; không đồng ý theo đề xuất xin khai quật mộ cổ của bà Nghiêm Thị Hằng. Đồng thời cho biết, UBND TP Tam Kỳ sẽ có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị các mộ cổ trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.
Được biết, trước đó (tháng 7-2023), bà Nghiêm Thị Hằng từng gửi đơn đề nghị UBND TP Tam Kỳ cho phép khai quật ngôi mộ này và đã được chính quyền hồi đáp…
Trần Tân