Kỳ 1: Một giả thuyết đáng chú ý
Một ngôi mộ cổ có minh bia vào năm 1850 ở phường An Sơn (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) được bà Nghiêm Thị Hằng (trú phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, có liên quan đến giả thuyết đó là phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nhằm làm rõ giả thuyết trên, bà Nghiêm Thị Hằng đã có đơn gửi UBND tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo TP Tam Kỳ để xin khai quật ngôi mộ cổ này.
Theo các tư liệu, Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822. Sau khi mất, mộ của bà được cho là đã chôn cất tại một nghĩa địa ven hồ Tây (Hà Nội). Tuy nhiên sau đó, hậu duệ của tộc Hồ nhiều lần tìm kiếm tung tích nơi an nghĩ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn không tìm thấy. Gần đây nhất vào năm 2003, ông Vũ Hồ Luân (nhà nghiên cứu Hà Nội cũng là con cháu dòng họ Hồ) kết hợp với các nhà nghiên cứu sử dòng họ Hồ Việt Nam, cùng với hậu duệ của tộc Hồ đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội đã tập hợp ra một nhóm để đi tìm mộ Hồ Xuân Hương ở hồ Tây, nhưng không có kết quả.
Do đó đến nay, nơi an táng thi hài của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn là một bí ẩn. Nhằm làm rõ bí ẩn đó, nhiều năm qua, bà Nghiêm Thị Hằng – tác giả cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” vào tháng 10-2021 nỗ lực “giải mã” bằng nhiều phương pháp tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Theo nội dung cuốn sách, sau khi chồng của Hồ Xuân Hương là Tổng Cóc qua đời, nữ sĩ sánh duyên cùng Tri phủ Vĩnh Tường. Theo đó, bà Nghiêm Thị Hằng cho rằng, Tri phủ Vĩnh Tường chính là Tham hiệp Yên Quảng - Trần Phúc Hiển quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Theo tác giả lý giải, trong bài thơ “Thu Nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ ký” (tức bài Đêm Thu nhớ Mai Sơn Phủ), Hồ Xuân Hương viết vào mùa Thu năm 1815, trước khi lấy ông Trần Phúc Hiển đã chỉ rõ dấu tích quê hương của ông. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết: Bên am Nhất Trụ trông còn đấy/Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu? “Hai câu thơ này là nỗi lòng của nữ sĩ ở kinh thành Thăng Long (chùa Một Cột - am Nhất Trụ) nhớ về quê của ông Trần Phúc Hiển - Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu?” - bà Nghiêm Thị Hằng nhận định.
“Đến năm 1822, khi nữ sĩ qua đời mộ chôn ở nghĩa địa Phủ Tây Hồ, làng Nghi Tàm. Năm 1842 họ hàng của ông Trần Phúc Hiển đã di hài cốt nữ sĩ về quê chồng ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Năm 1850 lăng mộ nữ sĩ được xây khang trang giấu tên đổi họ thành Huỳnh Hoàn Nhân, mộ vô chủ, nay thuộc phường An Sơn TP Tam Kỳ”- đó là “bí ẩn được giải mã” trong tác phẩm “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của tác giả Nghiêm Thị Hằng.
Được biết, cạnh ngôi mộ nghi vấn mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương có ngôi mộ cổ khác mang tên Phan Thị. Bà Hằng cho rằng, ngôi mộ này là mộ vợ lớn của ông Trần Phúc Hiển. Cách đó khoảng 2km về hướng Đông Bắc (thuộc phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ), một ngôi mộ cổ khác mà người dân địa phương cho là “mộ giày thầy Lánh”, được bà Nghiêm Thị Hằng phỏng đoán là mộ của ông Trần Phúc Hiển…
Với những lập luận trên, bà Nghiêm Thị Hằng đã có đơn gửi UBND tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo TP Tam Kỳ để xin khai quật ngôi mộ cổ 1850 (năm ghi trên bia mộ - PV). Theo nội dung đơn bà Hằng viết: “Chúng tôi đề nghị khai quật ngôi mộ số 1850 phục vụ khoa học nghiên cứu khảo cổ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học khảo cổ, đế xác định hài cốt người nằm dưới mộ là nam hay nữ? Chết già hay trẻ? Chết vào thời gian nào? Chết do bệnh tật hay có tác động khác qua kiểm nghiệm mẫu xương. Các vật tùy táng còn trong mộ theo các căn cứ khảo cổ, soi chiếu với thực tế và các thông tin từ dữ liệu lịch sử, văn học và dân gian truyền tụng liên quan đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Chúng tôi tiếp tục khẳng định, việc nhóm nghiên cứu chúng tôi đề nghị UBND TP Tam Kỳ có tờ trình với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam xin khai quật ngôi mộ vì các căn cứ đã được pháp luật quy định: Đây là mộ cổ vô chủ, không có hậu duệ thờ phụng, không bị ngăn cản của dòng họ; ngôi mộ đã bị đào trộm năm 2012 đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cần được làm rõ nguồn gốc để có kế hoạch tôn tạo và bảo vệ; việc khai quật phục vụ cho công tác khảo cổ nhằm tôn vinh và gìn giữ mộ cổ tại đia phương, không phục vụ cho cá nhân nào. Nếu qua khảo cổ kết quả là phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thì vinh dự cho tỉnh Quảng Nam có một ngôi mộ cổ không chỉ có giá trị về kiến trúc mà còn có giá trị về lịch sử - là mộ của nữ danh nhân thế giới duy nhất ở Việt Nam, cần được bảo tồn, tôn tạo như mộ của các danh nhân thế giới ở Việt Nam đã được tôn vinh…”.
Sau khi tiếp nhận đơn trên của bà Nghiêm Thị Hằng, ngày 18-9 vừa qua, UBND TP Tam Kỳ đã có Công văn số 2630 với nội dung: “Không đồng ý theo đề xuất xin khai quật mộ cổ của bà Nghiêm Thị Hằng”. Lý do vì sao UBND TP Tam Kỳ bác đề xuất xin khai quật ngôi mộ cổ trên? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở kỳ tiếp theo.
Trần Tân (còn nữa)