Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Phát huy mạnh mẽ động lực tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Thứ ba, 23/05/2023 06:25

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2022, nước ta đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 8%); CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội…

Có 2/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 1 chỉ tiêu không đạt) do có thêm chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 25,7-25,8%), thấp hơn mục tiêu đề ra (25,7-25,8%).

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo trong Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc chú trọng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó có việc tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%...

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2023.

5 nhóm vấn đề lớn cử tri, nhân dân kiến nghị tới Quốc hội

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp.

Báo cáo nêu rõ, cử tri và nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, cử tri và nhân dân bày tỏ băn khoăn, lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, một số vụ việc có yếu tố nước ngoài, thông qua gọi điện, nhắn tin, giả danh cơ quan chức năng hoạt động trên không gian mạng một cách tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, về tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết; nhất là nước biển dâng, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên…

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 5 nội dung cụ thể. Theo đó, Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, người lao động mất việc, giãn việc ở các khu công nghiệp; có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, bảo hiểm.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm... Các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), nhất là các nội dung về: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; cách xác định giá đất; bán chung cư có thời hạn; mua, thuê nhà ở xã hội.

Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID -19 và các bệnh dịch khác để bảo vệ sức khỏe của người dân, an toàn để phục hồi phát triển kinh tế, xã hội…

Rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%.

Những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn đại biểu Quốc hội, gồm: Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội…

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo đúng lộ trình để báo cáo với cử tri.

HOÀNG THỊ HOA

Trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét và bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

Chiều 22-5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và báo cáo thẩm tra về các nội dung này.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư Dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 874,089 tỷ đồng (tăng 288,442 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Chính phủ cho rằng, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là rất cần thiết. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank là 34.328 tỷ đồng, ở mức thấp so với ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Theo quy định pháp luật, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Trên thực tế, tại thời điểm 31-12-2021, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank mới chỉ đạt mức 7%, thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác. Vì vậy, việc được đầu tư bổ sung thêm vốn điều lệ sẽ giúp Agribank đảm bảo tuân thủ được tỷ lệ an toàn vốn lên trên mức 8% và duy trì ổn định tỷ lệ này theo quy định, hướng đến tuân thủ quy định Basel II.

B.T

Bầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách và phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Lê Quang Mạnh và ông Đặng Quốc Khánh

Chiều 22-5, với 468/469 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội quyết nghị ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Cần Thơ giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV. Ông Lê Quang Mạnh sinh năm 1974, quê Mỹ Đức, Hà Nội. Ông là Tiến sĩ Kinh tế, có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang với 454/467 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 91,9% tổng số đại biểu Quốc hội). Ông Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976; quê quán thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình, Kỹ sư xây dựng.

Trước đó, trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hồng Hà.

T.T