Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch quản lý bền vững dịch COVID-19  giai đoạn 2023 - 2025

Thứ hai, 22/05/2023 09:43
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3575 gửi Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Công văn nêu rõ, xét báo cáo số 626 ngày 13-5-2023 của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 về việc chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và công bố hết dịch đối với dịch COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Y tế tại báo cáo nêu trên. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; giao Bộ Y tế chuẩn bị nội dung, chương trình, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức họp Ban Chỉ đạo Quốc gia vào ngày 27-5 tới để công bố kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Bộ Y tế căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và tình hình thực tế dịch tại Việt Nam, xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025, ban hành theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Dù vậy, dịch bệnh vẫn còn đó và virus không tự biến mất, vẫn là một phần trong cuộc sống. Các quốc gia vẫn cần nâng cao năng lực ứng phó, không được lơ là, mất cảnh giác; Tổ chức Y tế Thế giới vẫn có thể khôi phục tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch COVID-19 bất kể lúc nào nếu tình hình dịch nguy cấp trên thế giới.

Theo nhận định của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ở mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%. Đây là một số liệu thể hiện nỗ lực của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị COVID-19 suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà. Để giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục cảnh giác với COVID-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh. Các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi, nếu xảy ra lây nhiễm, COVID-19 thường sẽ lây nhiễm sang bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng...

Để bảo vệ người có bệnh nền, cao tuổi, cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ khuyến cáo 2K của Bộ Y tế và tiêm vaccine đủ mũi, đúng lịch.Khi có triệu chứng hô hấp (sốt, ho, sổ mũi...) nên test nhanh để tầm soát và biết tự cách ly với mọi người, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền.

P.V