Báo Công An Đà Nẵng

Ký ức ngày trở về của người cựu tù Phú Quốc

Thứ ba, 25/04/2023 08:26
Cựu chiến binh Hoàng Minh Lý kể về quá trình chiến đấu, bị thương và bị đưa vào nhà tù Phú Quốc.
Bà Ngô Thị Lương vợ ông Lý nâng niu những tấm huy chương của chồng.

Ông cùng đoàn cựu chiến binh (CCB) vừa tham gia chuyến nghỉ dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công với Cách mạng ở Cửa Lò. 50 năm trở về sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, những hồi ức về quãng thời gian gian khổ nhưng hào hùng, oanh liệt vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Dù chết cũng phải chết sao cho xứng đáng với cách mạng

Thời điểm miền Bắc chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, chàng thanh niên Hoàng Minh Lý tham gia tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng không trúng tuyển vì sức khỏe chỉ đạt loại B. Không nản lòng, năm 1964, chàng thanh niên ấy viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội và được chấp thuận…

“Chuẩn bị cho đợt 3 cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tôi được phân về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Tháng 8-1966, tôi cùng đồng đội hoạt động ở chiến trường Quảng Trị. Trong một lần hành quân xuống đồng bằng, đơn vị tôi bị địch phục kích, bao vây ở xã Hải Vĩnh, H.Hải Lăng. Tôi bị thương, chân tay bị bỏng nặng và được đưa về Trạm phẫu 34 ở Hải Lăng điều trị. Trong lúc đang điều trị tại đây thì bị địch phục kích, tôi bị bắt đưa về “Phòng nhì” Đà Nẵng” – CCB Hoàng Minh Lý nhớ lại.

Dù bị đánh đập, tra tấn cỡ nào, ông Lý cũng duy nhất một lời khai: mới nhập ngũ thì bị bắt trong trận đánh đầu tiên. Sau một tháng với đủ mọi đòn roi tra tấn vẫn không “moi” được thông tin từ người chiến sĩ cách mạng trung kiên này, địch đưa ông xuống tàu, đày ra đảo Phú Quốc.

Hơn 4 năm ở nhà tù đảo Phú Quốc (11-1968 đến tháng 3-1973) là quãng thời gian ông cũng như những chiến sĩ cộng sản khác hứng chịu những đòn tra tấn dã man của địch.

Ở nơi “địa ngục trần gian” với các chế độ tù đày vô cùng khắc nghiệt, nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, với niềm tin tưởng mãnh liệt cách mạng nhất định sẽ thành công.“Trong những tháng ngày bị đày ra nhà tù Phú Quốc chịu mọi hình thức tra tấn dã man của địch, ăn uống lại quá kham khổ…, anh em chúng tôi xác định sẽ không có con đường sống để quay về, nhưng vẫn luôn tin tưởng rằng cách mạng sẽ thành công, chỉ là sớm hay muộn. Dù có chết trong tù cũng phải chết sao để có ích cho cách mạng, chứ không để cái chết của mình uổng phí” – ông Lý bộc bạch. Theo đó, ông cùng các đồng chí, đồng đội trong tù liên tục đấu tranh đòi quyền lợi, đòi công bằng dưới hình thức chính trị, tiêu biểu là phong trào đòi dân sinh. “Có thời điểm chúng tôi đấu tranh bằng cách tuyệt thực 9 ngày, chỉ rặt uống nước không. Trước khi tuyệt thực, anh em có chuẩn bị được ít lương khô, muối là phần thực phẩm bớt lại trong các bữa ăn, tuy nhiên số lượng không đáng kể, nên nhiều người kiệt sức. Lo sợ dư luận, bọn cai ngục phải cho người nấu cháo loãng, cạy miệng đổ cho tù nhân cũng như đáp ứng một số yêu cầu về cải thiện điều kiện ăn, ở, sinh hoạt...” –ông Lý nhớ lại.

Hạnh phúc ngày trở về

Thông qua công tác địch vận, trao đổi với lính cai ngục, những cựu tù binh biết được Hiệp định Paris được ký kết. Tuy nhiên, thông tin này được truyền vào nhà tù sau 1 tháng so với thời điểm ký kết. “Lúc đó, anh em reo hò, ôm nhau vừa cười, vừa khóc. Sau Hiệp định, trong tù cũng được nới lỏng hơn nên anh em đã tổ chức văn nghệ, ca hát, nhảy múa ăn mừng chờ ngày trao trả” – ông Lý kể.

Sáng 19-3-1973, ông Lý cùng đồng đội được thông báo tập trung, phát quần áo mới, kiểm tra thông tin cá nhân và được đưa ra Phú Bài (Huế), sau đó chở ra phía Nam bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Ở khu vực tập trung, ông Lý nhìn thấy lá cờ Tổ Quốc tung bay ở phía bờ Bắc. Trên bờ, dưới bến, bộ đội, chính quyền địa phương, bà con nhân dân chuẩn bị thuyền để sẵn sàng đón những người con xa trở về. Họ đứng lặng bên này, nhìn về vùng đất giải phóng, nước mắt cứ chực trào vì sung sướng, hạnh phúc lớn lao đang tới rất gần.

"Được dẫn ra bờ sông để xuống thuyền, chúng tôi quên hết những đau đớn, dìu nhau đi như chạy. Không ai bảo ai, tất cả cởi bỏ bộ quần áo mà địch phát trước đó đang mặc trên người, chỉ còn chiếc quần đùi, lao xuống sông, bơi về phía bên kia. Dưới sông, bộ đội giải phóng cũng chèo thuyền ào ra. Tôi bơi ra đến giữa sông, được hai đồng đội đón, dìu lên thuyền đưa vào bờ cho thay quần áo mới. Vậy là sau 4 năm, 8 tháng sống trong cảnh ngục tù, tôi đã trở về, trong vòng tay của đồng đội, đồng chí, trong vòng tay của đồng bào cùng với niềm tin tưởng mãnh liệt về ngày thắng lợi, non sông thu về một mối đã rất gần" – người CCB rưng rưng nhớ lại.

Nhớ về ngày trở về của chồng, bà Ngô Thị Lương (1942, vợ ông Lý) nghẹn ngào: “Sau 2 năm bặt tin chồng, năm 1969, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của ông ấy, lòng tôi như đứt từng khúc ruột. Nhìn 2 đứa con thơ, tôi không thể cầm lòng khi nghĩ chúng sẽ chịu thiệt thòi trong quãng đời còn lại. Dù mất đi chỗ dựa tinh thần nhưng bản thân vẫn không cho phép mình gục ngã, tôi lao vào sản xuất, tham gia các đoàn thể ở địa phương. Đến giữa năm 1973, tôi nhận được bức thư kèm theo bức ảnh của chồng. Trong thư kể về quá trình chiến đấu, bị bắt và bị đày ra đảo Phú Quốc, hiện đã được trao trả theo Hiệp định Paris và cho đi an dưỡng. Đến đầu năm 1974, khi đang ngồi sàng gạo giữa sân, tôi nhìn thấy người đàn ông khoác áo bộ đội bước vào. Trông khuôn mặt gầy gò, hốc hác, tóc tai bờm xờm. Tôi như chết lặng, chồng tôi đã trở về bằng da, bằng thịt”.

Hòa bình lập lại, cựu tù binh Hoàng Minh Lý vẫn hăng hái tham gia sản xuất, tham gia phong trào, các hoạt động đoàn thể, nhiều năm liền là Chủ tịch Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày H.Hưng Nguyên, mới nghỉ do tuổi cao. Ông vinh dự được Nhà nước tặng nhiều huân huy chương cao quý. “Năm 1978, trong một trận lũ lịch sử, nước tràn vào nhà, mọi đồ đạc, giấy tờ của tôi bị trôi hết nên không làm được chế độ thương binh. Hiện tại tôi chỉ hưởng chế độ tù binh nhà tù Phú Quốc”- ông Lý chia sẻ thêm.

Dương Hóa