An ninh Đặc khu Quảng Đà trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 (Kỳ 1: Chuẩn bị thế và lực trước cuộc tổng tiến công)

Thứ hai, 25/12/2017 11:00

Thắng lợi to lớn của nhân dân ta ở cả 2 miền Nam - Bắc trong 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1966 và 1967 đã làm cho đế quốc Mỹ và tay sai của chúng thất bại nặng nề. Tháng 7-1967, Bộ Chính trị nhận định: Ta đã đánh bại một bước rất cơ bản của chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, thế và lực của ta có những tiến bộ, cho phép ta trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn. Mục tiêu của ta là buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán, tìm giải pháp kết thúc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 xác định: "một đòn tiến công chiến lược đánh vào các đô thị trên quy mô toàn miền Nam, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nông thôn và đô thị, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, và các thành phố lớn. Thời điểm tiến hành được chọn vào đúng đêm giao thừa Tết Mậu Thân".

Hàng trước: Ông Hoàng Văn Lai (phải) và ông Hoàng Quốc Dân tại căn cứ Ban An ninh khu 5.

Ở Đà Nẵng, cuộc nổi dậy làm chủ thành phố của nhân dân ta suốt 76 ngày đêm (từ tháng 3 đến 5-1966) có tác dụng cổ vũ rất lớn đến các cấp ủy Đảng và nhân dân thành phố trong quá trình chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Đà Nẵng. Thường vụ Khu ủy 5 quyết định lấy khu vực Đà Nẵng làm trọng điểm tổng tiến công và nổi dậy trong toàn Khu. Vì vậy, để thống nhất và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tháng 11-1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Đà thành Đặc khu Quảng Đà, do đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư Đặc Khu ủy, đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư. Trước Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Thường vụ Khu ủy V cử đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy về trực tiếp làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh và đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư. Ban An ninh thành phố Đà Nẵng và Ban An ninh tỉnh Quảng Đà cũng được sáp nhập thành Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Võ Bá Huân, Phó ban An ninh khu V được điều về làm Trưởng ban An ninh Đặc khu Quảng Đà. Các đồng chí Nguyễn Kim Thanh, Hoàng Quốc Dân, Nguyễn Cam, Nguyễn Thanh Hà làm Phó ban.

Thực hiện chủ trương của Đảng, cuối năm 1967, Ban An ninh Khu 5 tổ chức Hội nghị lần thứ 2 nhằm quán triệt tư tưởng và nhiệm vụ công tác an ninh toàn Khu phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Hội nghị đã nêu ra nhiệm vụ: đưa các mặt công tác an ninh điệp báo, tấn công chính trị, diệt ác trừ gian sâu vào hậu phương địch nhằm tiêu diệt địch ở sau lưng, làm lỏng thế kìm kẹp, góp phần đưa phong trào đấu tranh của quần chúng ở vùng địch kiểm soát đi lên; xây dựng thực lực an ninh vững mạnh kể cả lực lượng công khai, bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp, lực lượng trinh sát và lực lượng trinh sát vũ trang, xây dựng bộ máy an ninh xã thôn vùng giải phóng theo 2 lực lượng, 2 phương thức, xây dựng hệ thống an ninh khu phố, phường khóm.

Trên cơ sở nội dung kế hoạch trên, An ninh Đặc khu Quảng Đà đã cụ thể hóa các bước tiến hành và mở đợt giáo dục chính trị trong toàn lực lượng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ thế suy yếu của địch, sự lớn mạnh của ta qua hai mùa khô, từ đó liên hệ, kiểm điểm, khắc phục những mặt yếu kém, phát huy những mặt mạnh; đề ra chỉ tiêu và biện pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác do an ninh tỉnh đề ra và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là địa bàn trọng điểm của khu V nhưng quân số lực lượng an ninh còn quá ít, vì vậy nhiệm vụ cấp bách lúc này của An ninh Đặc khu Quảng Đà là phải tăng cường lực lượng. Do đó, ngoài số của An ninh Khu V chi viện, Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà căn cứ vào lực lượng an ninh xã thôn và những cơ sở cảm tình, có quan hệ tốt với an ninh để tiến hành tuyển thêm lực lượng, sau đó cấp tốc mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về diệt ác, binh vận, công tác xét hỏi, công tác quản lý vùng mới giải phóng. Ban An ninh Đặc khu Quang Đà đã kiện toàn tổ chức để bộ máy tinh gọn, hợp lý, đảm bảo nâng cao sức chiến đấu. Một số bộ phận được kiện toàn như: Văn phòng, Cơ yếu, điện đài (B1), Bảo vệ Chính trị (B2), Điệp báo (B3), Bảo vệ nội bộ (B4), Chấp pháp (B5), Bảo vệ trị an (B6), Trại giam (B7), An ninh vũ trang (B8), thành lập các Đại đội An ninh vũ trang, gồm: Trinh sát vũ trang (C110), Diệt ác phá kìm; Bảo vệ Đặc khu ủy và các ban ngành (C111); Bảo vệ trại giam và áp giải phạm nhân (C112); Bảo vệ tiếp cận Đặc khu ủy (C113). Quân số An ninh Đặc khu Quảng Đà lúc này được nâng lên 300 đồng chí; tổ chức liên tục nhiều lớp huấn luyện cấp tốc cho số mới tuyển. Riêng lực lượng Trinh sát vũ trang và An ninh vũ trang, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện còn phải nắm vững địa bàn thành phố, đặc biệt chuẩn bị các mục tiêu, đối tượng tấn công; lên sa bàn và lập kế hoạch chiến đấu. Đến đầu tháng 1-1968, An ninh Đặc khu Quảng Đà đã được củng cố, phát triển một bước.

(còn nữa)

Đại tá, TS. Lê Văn Tam-Giám đốc CATP Đà Nẵng