Báo Công An Đà Nẵng

“Lá chắn” nơi biên cương

Thứ tư, 07/02/2024 18:26
Bên cạnh đấu tranh với tội phạm ma túy, Công an huyện Kỳ Sơn tích cực tham gia các chính sách an sinh xã hội giúp người dân.

Quản lý người nghiện

Với đường biên giới dài gần 470km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào, vùng giáp biên trải dài trên 27 xã, thuộc 6 huyện, Nghệ An phải đối mặt với tội phạm ma túy phức tạp. Sống sát địa bàn biên giới, nơi thường xuyên giao thương với cộng đồng người bên kia biên giới, một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Nghệ An đã dễ dàng bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ vào các đường dây ma túy. Ẩn sau đó là những câu chuyện đáng buồn, nhiều hệ lụy kéo dài, trong đó nhiều địa phương tỷ lệ người nghiện cao.

Thiếu tá Lỳ Bá Lử - Trưởng Công an xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) cho biết, công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu được tác hại cũng như những hệ lụy của ma túy còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, toàn xã có hơn 20 người nghiện ma túy. Thực tế, việc vận động người nghiện đi cai nghiện tập trung là rất khó bởi tâm lý của người nghiện là sợ cơ quan chức năng, thấy lực lượng Công an đến là bỏ trốn vào rừng…

Cũng là địa bàn phức tạp về ma túy, bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) nằm dưới chân Pù Lôm là nơi từng có con đường thẩm lậu ma túy từ Lào vào Nghệ An. Cũng bởi cái vị trí “đắc địa” của tội phạm ma túy ấy, bản Đửa là nơi gánh chịu sự tàn phá của “con ma trắng”. Tình trạng nghiện ngập, trộm cắp, xách thuê, buôn bán lẻ ma túy để có tiền thỏa mãn cơn nghiện xảy ra thường xuyên. Gần như năm nào xã Lượng Minh cũng có người chết vì ma túy.

Ông Lô Văn Du - Trưởng bản Đửa cho hay, toàn bản có 82 hộ dân, 394 khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái thì tới 30 hộ có người đi tù hoặc từng đi tù liên quan đến ma túy. Thời điểm trước năm 2022, bản có 27 người nghiện ma túy, chưa kể những người nghiện đã chết hoặc đã bị bắt do liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật.

Ra mắt mô hình bản sạch ma túy tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

Bản làng bình yên nhờ Công an

Với quyết tâm tạo lập “lá chắn”, “vành đai biên giới” sạch ma túy vững chắc; ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy, tháng 4-2022, Công an tỉnh Nghệ An triển khai đề án “Xã biên giới sạch ma túy” với nòng cốt là Công an xã. Nhiều nguồn lực, thiết bị và cán bộ từ phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã được tăng cường cho các xã khu vực vùng biên. Đây là mục tiêu xây dựng các xã biên giới thành “vùng xanh” chốt chặn đầu tiên, có ý nghĩa quyết định, từng bước đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của cả nước.

Theo ông Vi Văn Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, việc triển khai đề án xã biên giới sạch ma túy; đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết hợp công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện đã góp phần kìm giữ các loại tội phạm liên quan, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới nói riêng và trên địa bàn toàn huyện nói chung. Đây là kết quả của sự nỗ lực của ngành Công an, đặc biệt là Công an chính quy ở các xã và công tác phối kết hợp của chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội địa phương. Sau một năm triển khai quyết liệt, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là của ngành Công an, 27/27 xã thuộc đề án đã được công nhận là xã biên giới sạch ma túy.

Với những kết quả đạt được, Nghệ An đã nhân rộng, hướng tới xây dựng “Huyện biên giới sạch về ma túy” tại 6 huyện. Đến nay, ngoài 27 xã biên giới thuộc đề án, Nghệ An có thêm 69 xã, trong đó có 24 xã thuộc 6 huyện biên giới và 45 xã nội địa, đạt cơ bản 2 tiêu chí “sạch tội phạm, tệ nạn ma túy” và “sạch người nghiện”. Trong thành tích chung ấy, có phần đóng góp quan trọng của lực lượng công an chính quy ở xã.

Từ khi có Công an chính quy về, bản Đửa, xã Lượng Minh,huyện Tương Dương bình yên hẳn.

Thiếu tá Lỳ Bá Lử cho hay, trước những phức tạp về người nghiện ma túy và tụ điểm ma túy, Công an xã Na Ngoi tham mưu Đảng ủy, UBND xã, phối hợp lực lượng Biên phòng... đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân thấy được tác hại cũng như hệ lụy của ma túy. Ban đầu người dân còn chống đối, không hợp tác nhưng sau đó đã có sự phối hợp nhịp nhàng với công an. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, chỉ sau 10 tháng triển khai đề án, xã Na Ngoi đã được công nhận là xã sạch ma túy. Đến nay, xã không còn tụ điểm hay điểm bán lẻ, sử dụng ma túy. Ngoài 8 đối tượng đang cai nghiện tập trung, Công an xã đang quản lý sau cai 8 đối tượng, 4 trường hợp khác không còn ở địa phương. Những điểm nóng ma túy đã và đang được loại trừ, trả lại sự bình yên vốn có ở bản làng nơi miền tây xứ Nghệ.

Có thể nói, để “giữ sạch” địa bàn, ngoài sự nỗ lực của ngành Công an, các đơn vị nghiệp vụ và chính quyền các địa phương, lực lượng Công an xã đã phát huy tinh thần bám dân, bám địa bàn. Công an xã được xác định là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tránh để tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy phát sinh trở lại. Bên cạnh các biện pháp đấu tranh với tội phạm ma túy, ngành Công an và chính quyền địa phương đã và đang tăng cường triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhằm hạn chế các tội phạm và tệ nạn ma túy.

DƯƠNG HÓA