Lặn lội làm căn cước công dân cho người tâm thần
Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ Công an huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đã lặn lội các thôn, bản vùng cao, có khi vào tận núi, rừng đi tìm người bị bệnh tâm thần để làm thủ tục cấp CCCD cho họ. Việc làm này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người chiến sĩ Công an, vì nhân dân phục vụ.
Huyện Tây Giang là địa phương vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Nam với nhiều khó khăn về giao thông đi lại, tuy nhiên với quyết tâm cao của lực lượng Công an, Tây Giang là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đạt và vượt chỉ tiêu với 3 xã ( A Vương, A Nông và xã Dang) hoàn thành 100% hồ sơ cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện (đến thời điểm thực hiện ngày 18-4) và cập nhật thường xuyên số công dân đủ điều kiện. Công an huyện cũng đang tiếp tục triển khai thu nhận hồ sơ CCCD tại các xã còn lại để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Ngoài việc thu nhận hồ sơ CCCD cho công dân là người dân bình thường sinh sống trên địa bàn, Công an huyện còn tập trung chú trọng quan tâm làm thủ tục cấp CCCD cho những người bị bệnh tâm tầm. Thiếu tá Ngô Văn Thìn- Phó trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết: "Người bị bệnh tâm thần là những người bị thiệt thòi nhiều, phần lớn do bản thân họ không nhận thức được và người thân cũng không quan tâm nên họ không có giấy tờ tùy thân gì kể cả chứng minh nhân dân, nên việc quản lý nhà nước đối với họ cũng khó khăn, đặc biệt là các chế độ bảo trợ xã hội, hỗ trợ y tế đối với họ cũng không được quan tâm, chính vì thế, ngoài việc thu nhận hồ sơ CCCD cho công dân bình thường chúng tôi quan tâm đặc biệt đến đối tượng này, vừa là quản lý Nhà nước đối với công dân, vừa tạo điều kiện thực hiện các quyền ưu tiên cho họ".
"Xác định việc thu nhận 1 hồ sơ CCCD sẽ khó khăn nhiều so với các đối tượng khác, đối với 1 người bình thường, 1 hồ sơ có thể làm trong vài phút không kể thời gian CBCS di chuyển đến nơi ở, thì với 1 trường hợp người tâm thần, cả tổ công tác có thể mất nhiều giờ, thậm chí cả buổi mới làm được 1 hồ sơ. Tuy nhiên, không phải vì số lượng mà chúng tôi không thực hiện ngược lại chúng tôi quyết tâm cùng với người thân thu nhận hồ sơ để giúp họ có được CCCD sớm nhất", Thiếu tá Ngô Văn Thìn cho biết thêm.
Để thu nhận hồ sơ đối với người bị bệnh tâm thần, ngoài việc phải mất nhiều giờ đi đến các thôn bản thì việc tìm được họ, thực hiện các thủ tục thu nhận hồ sơ đối với từng trường hợp là việc đòi hỏi tính kiên trì và tinh thần trách nhiệm và cả sự khéo léo của CBCS làm nhiệm vụ. Thường thì những trường hợp này, sau khi tiếp cận được họ, việc làm sao chỉn chu đầu tóc, mặt mũi cho họ để chụp được ảnh, lăn được vân tay cũng không hề dễ.
Trường hợp anh Alăng Độ (1991, thôn Arớh, xã Lăng, H. Tây Giang) bị bệnh tâm thần từ nhỏ, hằng ngày đi lang thang khắp nơi. Khi thấy cán bộ Công an đến nhà để làm thủ tục cấp CCCD, Độ bỏ chạy vào núi. Cán bộ Công an phải cùng người nhà theo vào núi để tìm, khi tìm thấy lại không hợp tác, cán bộ Công an phải cùng với người nhà tìm cách tiếp cận, dỗ dành rất lâu để trấn an tinh thần mới có thể thực hiện các thủ tục liên quan.
Đại úy Ông Văn Thức-Phó đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Tây Giang cho biết: "Đối với trường hợp này, khi tìm thấy nhưng rất sợ, không hợp tác. Chúng tôi phải dỗ dành nhiều, mua cả bánh, kẹo để dỗ mới tiếp cận để làm thủ tục. Và với những trường hợp này, tìm họ được ở đâu là chúng tôi tiến hành thu nhận ngay tại đó, lúc trên núi, lúc trong rừng, lăn tay, chụp ảnh… đảm bảo hoàn thành các thủ tục nhanh nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo quy trình. Có lúc chúng tôi phải huy động 1 ê-kíp rất đông, ngoài cán bộ thao tác máy thì thêm người cho kẹo, người thì chỉnh sửa, người thì nói chuyện để họ tập trung sự chú ý mới chụp hình được…".
Chị Bling Thị Nhẹ, chị dâu của Độ cho biết: "Lâu nay Độ không có giấy tờ tùy thân gì nên không có chế độ bảo trợ, không khám bệnh bảo hiểm chi được hết. Nay cán bộ Công an đến làm căn cước cho em tôi để có thể làm chế độ, làm bảo hiểm khám bệnh cho em gia đình tôi rất mừng, cảm ơn cán bộ Công an".
Hiện theo khảo sát, trên địa bàn huyện Tây Giang có 11 người bị bệnh tâm thần, bằng tinh thần trách nhiệm, CBCS Công an huyện Tây Giang đã phối hợp với chính quyền, gia đình tổ chức thu nhận hồ sơ làm thủ tục cấp CCCD cho 6 trường hợp và đang tiếp tục thu nhận hồ sơ đối với các trường hợp còn lại.
Thượng tá Phan Thanh Hồng- Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cho biết: "Không chỉ Công an huyện Tây Giang làm tốt việc thu nhận hồ sơ CCCD cho người bị bệnh tâm thần mà thời gian qua, Công an các địa phương trên toàn tỉnh cũng đã chú trọng, quan tâm đến đối tượng này. Và xác định đây là việc làm trách nhiệm để những người bị bệnh như họ được hưởng đúng quyền lợi của mình".
Xuân Mai