Báo Công An Đà Nẵng

Lật tẩy những chiêu trò tung hỏa mù, gây ngờ vực

Thứ năm, 27/10/2022 16:27

Một số vụ án điển hình như vụ Công ty Việt Á, những "chuyến bay giải cứu", mua sắm thiết bị trong lĩnh vực y tế, giáo dục… được phát hiện, xử lí. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân bị kỉ luật; đã có những cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lí bị khởi tố, bắt giam vì cáo buộc nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Và mới đây nhất, tối 20/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, bà Bồ Ngọc Thu về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là diễn tiến của việc mở rộng điều tra vụ án được khởi tố cuối tháng 4/2022 đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số bị can có hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm Luật Đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị hơn 476 tỉ đồng…

Đấu tranh phòng, chống tội phạm lĩnh vực kinh tế từ đầu năm 2022, nổi lên là vụ Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) với hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm thông qua phát hành trái phiếu lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỉ đồng (khoảng 320 triệu USD); vụ Vạn Thịnh Phát với hành vi gian dối phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư…

Riêng vụ Trịnh Văn Quyết, theo kết quả điều tra bước đầu, từ năm 2014 đến năm 2016, thông qua việc tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros. Khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và một số đồng phạm đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư hơn 6.400 tỉ đồng (khoảng 260 triệu USD).

Những vụ việc trên cho thấy, tội phạm kinh tế đã gây thiệt hại khủng khiếp đối với nền kinh tế nói chung, với các nhà đầu tư và người dân nói riêng. Đã có biết bao người khánh kiệt tài sản, bao gia đình tan nhà nát cửa vì bỗng chốc trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo siêu hạng.

Và việc điều tra, xử lí cương quyết nhằm ngăn chặn tội phạm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt là nhiệm vụ cấp bách mà Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực thực hiện, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế sờ sờ như vậy song vẫn có những luận điệu ở cả trong và ngoài nước tung hỏa mù dưới chiêu bài: Nào là, Công an Việt Nam đang hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; nào là chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam vẫn chỉ “tắm từ vai” và chỉ nhằm vào những người không cùng cánh hẩu; nào là Công an sắp sửa “sờ gáy” tập đoàn này, doanh nghiệp kia, v.v. khiến một bộ phận dư luận, nhà đầu tư dao động, làm ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói riêng, sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Không chỉ tung hỏa mù, gây ngờ vực vào quyết tâm và hiệu quả chống tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch còn đặt vấn đề: Càng chống thì tiêu cực, tham nhũng càng nhiều; muốn chống tham nhũng hiệu quả, thì cần thay đổi thể chế…

Những luận điệu sai trái, trơ trẽn nêu trên được một số người triệt để khai thác, lợi dụng, nhằm mục đích “giảm cường độ” và hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đảo ngược quá trình lành mạnh hóa, minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế.

Nhìn lại 3 năm qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khiến hàng vạn người thiệt mạng, sản xuất đình đốn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị trùng xuống; tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, mọi mặt đời sống xã hội, quốc phòng và an ninh vẫn được bảo đảm. Đáng mừng, từ cuối năm 2021, sản xuất, xuất khẩu phục hồi, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là sáng sủa nhất ở khu vực và châu Á…

Trong đó IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4% và thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp.

"Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam" – như nhận định của bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên khi gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội chiều 3/10/2022.

Đây là một trong nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, đại diện các tổ chức quốc tế uy tín với nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế đó cho thấy kết quả, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua. Đồng thời, việc Bộ Công an khởi tố điều tra một số cá nhân, tổ chức trong các vụ án như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… đã góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đây là việc làm cần thiết, đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế.

Nói một cách ngắn gọn, những hành vi như “phù phép” vài tỉ đồng thành hàng ngàn tỉ đồng thông qua việc tăng vốn điều lệ khống; sau đó, niêm yết trên sàn chứng khoán rồi bán, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư, của người người dân… thì không thể là một giao dịch kinh tế, dân sự bình thường.

Đó là tội phạm thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... cần xử lí nghiêm theo pháp luật.

Theo CAND