Một loạt đề xuất đáng chú ý của ông Trump về Tây Bán cầu
Trong cuộc họp báo dài hơn một giờ đồng hồ tại Mar-a-lago ngày 7-1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gây chú ý khi đề xuất nhiều ý tưởng táo bạo về Tây Bán cầu, như một phần trong tầm nhìn về "bình minh của thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ". Những đề xuất đáng chú ý của ông Trump bao gồm: mua lại Greenland từ Đan Mạch với lý do an ninh quốc gia và bảo vệ thế giới tự do; đòi lại Kênh đào Panama từ Panama do lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc; biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ và thậm chí đề xuất vận động viên khúc côn cầu nổi tiếng Wayne Gretzky làm thống đốc; cũng như đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
Ông Trump cho biết ông không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng quân đội để giành quyền kiểm soát Greenland và kênh đào Panama. Ngoài ra, ông Trump cũng đề cập sẽ dùng tác động kinh tế để sáp nhập Mỹ với Canada. Ông còn cảnh báo đánh thuế Đan Mạch ở "mức rất cao" nếu nước này không từ bỏ quyền kiểm soát Greenland, vùng lãnh thổ tự trị có nhiều khoáng sản giá trị.
Khi Tổng thống đắc cử phát biểu, con trai ông là Donald Trump Jr. đang ở Greenland cùng 2 thành viên của chính quyền sắp tới là ông Sergio Gor, người sẽ đứng đầu Văn phòng Nhân sự Tổng thống, và James Blair dự kiến giữ chức phó Chánh văn phòng Nhà Trắng. Một nguồn thạo tin cho biết ông Trump Jr. không gặp bất kỳ quan chức Greenland nào mà có mặt tại vùng lãnh thổ này để quay nội dung cho một phim tài liệu sắp tới. Tuy nhiên, ông Trump Jr. đã tạo dáng chụp ảnh với người dân Greenland đội mũ đỏ có dòng chữ "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Sau những tuyên bố liên tục về việc sáp nhập Canada và Greenland vào Mỹ, ông Trump ngày 8-1 đã đăng bản đồ ẩn ý Mỹ, Canada và Greenland là "một quốc gia thống nhất". Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đăng một bản đồ cho thấy Mỹ, Canada và Greenland được tô cùng một màu, ẩn ý đây là một quốc gia thống nhất. Trước đó vào hôm 7-1, ông đã chia sẻ 2 bản đồ cho thấy Canada là một phần của xứ cờ hoa. Trong đó một bản đồ cho thấy Mỹ và Canada với dòng chữ "United States" bao trùm cả hai quốc gia, bản đồ còn lại là hình ảnh Mỹ và Canada được phủ kín bởi lá cờ Mỹ.
Gần đây ông Trump đã liên tục nói về đề xuất sáp nhập Canada và Greenland vào nước Mỹ. Ông tỏ ra "châm chọc" khi gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "thống đốc", và tuyên bố sẽ dùng "sức mạnh kinh tế" để biến nước này thành một tiểu bang của Mỹ. Tổng thống đắc cử Mỹ cũng khẳng định "nhiều người dân Canada thích việc trở thành tiểu bang thứ 51". "Mỹ không thể tiếp tục chịu đựng các khoản thâm hụt thương mại và trợ cấp khổng lồ mà Canada cần để tồn tại. Thủ tướng Justin Trudeau biết điều này và đã từ chức. Nếu Canada sáp nhập với Mỹ thì sẽ không có thuế quan, thuế sẽ giảm mạnh và họ sẽ hoàn toàn an toàn trước mối đe dọa từ các tàu Nga và Trung Quốc liên tục vây quanh họ", ông Trump nhấn mạnh.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 7-1, Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đề xuất đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Ông Trump cho rằng việc đổi tên sẽ là một động thái mang tính biểu tượng phản ánh "tầm quan trọng lịch sử và chiến lược của khu vực đối với Mỹ". Ngoài ra, theo ông, điều này cũng nêu bật vai trò của Mỹ trong việc phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên của vùng vịnh, bao gồm thương mại hàng hải, sản xuất dầu và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên.
Phản ứng của các bên liên quan
Ngay sau những phát biểu gây sốc của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump về việc mua lại vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ngày 8-1 đã đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề này, trong đó đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ quyền đối với các quốc gia. Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng và đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc cốt lõi mà EC đang hướng tới. Bên cạnh đó, điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon cũng sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự. Tuy nhiên, EC bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn với chính quyền mới tại Mỹ, hướng tới các mục tiêu chung và lợi ích chiến lược quan trọng.
Ngày 8-1, Pháp đã khẳng định biên giới chủ quyền của EU, sau khi ông Trump không loại trừ hành động quân sự để kiểm soát Greenland, một vùng lãnh thổ của Đan Mạch - thành viên EU. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Sholz cũng cho biết đã liên lạc với các đối tác trong khu vực về vấn đề Greenland và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đều tỏ ra bối rối trước những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức khẳng định việc không xâm phạm biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà các nước nhỏ hay siêu cường đều phải tuân thủ.
Ngày 8-1, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã có màn đáp trả khá tinh tế trước những phát ngôn của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump về đề nghị đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Theo đó, trong cuộc họp báo thường ngày, khi đứng trước bản đồ thế giới, Tổng thống Mexico đã đưa ra đề xuất đổi tên khu vực Bắc Mỹ (bao gồm cả nước Mỹ) thành "Mexico America" (Mỹ Mexico). Bà nói rằng: "Mexico America, nghe có vẻ hay đấy" và chỉ vào tấm bản đồ từ năm 1607 cho thấy hình ảnh ban đầu của Bắc Mỹ. Trước đó, Tổng thống Mexico cũng đã lên tiếng phản đối việc ông Trump đề xuất đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ. Bà lưu ý rằng khu vực biển được giới hạn bởi bờ biển Mỹ, các bang phía đông Mexico và quần đảo Cuba đã được gọi là Vịnh Mexico kể từ năm 1607.
Thủ tướng Canada Trudeau vào ngày 7-1 đã bác bỏ ý tưởng sáp nhập của ông Trump. Nhằm đáp trả tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump về việc "sáp nhập" quốc gia láng giềng, thủ hiến tỉnh Ontario của Canada, Doug Ford, đề xuất mua các bang Alaska và Minnesota của Mỹ. Ông Ford biết rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Trump "thích đưa ra những bình luận như vậy và ông ấy thích nói đùa" bằng cách đưa ra các đề xuất như đề xuất về việc Canada sáp nhập vào Mỹ. "Tôi coi đó là vấn đề nghiêm trọng. Ông ấy có thể nói đùa, nhưng dưới sự quan sát của tôi, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra", ông Ford nhấn mạnh. Ông Ford tuyên bố Canada là "quốc gia vĩ đại nhất thế giới" và không bao giờ nước này nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.
AN BÌNH