Nguy cơ khủng hoảng năng lượng quay trở lại châu Âu
Nỗi lo về cuộc khủng hoảng năng lượng mới đã nhen nhóm trở lại ở châu Âu sau khi Ukraine tuyên bố chấm dứt trung chuyển khí đốt tự nhiên của Nga qua lãnh thổ nước này từ ngày 1-1.
Tước đi "vũ khí" quan trọng của Nga
Tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 1-1, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng việc dừng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine là "một trong những bước lùi lớn nhất của Moscow" khi "Nga không còn cơ hội kiếm được hàng tỷ USD". "Khi Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền ở Nga hơn 25 năm trước, lượng khí đốt bơm hàng năm qua Ukraine đến châu Âu là hơn 130 tỷ m3. Ngày nay, con số này là 0. Đây là một trong những thiệt hại lớn nhất của Moscow", ông Zelensky nói. Kiev đã nhiều lần cảnh báo không gia hạn thỏa thuận này khi hết hạn vào cuối năm 2024, nhằm cắt ngân sách giúp Nga duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ông Zelensky cũng cho rằng hầu hết các quốc gia châu Âu đã thích nghi với việc ngừng sử dụng khí đốt trung chuyển của Nga. Ông nói thêm nhiệm vụ chung hiện tại của các đồng minh là hỗ trợ Moldova, quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Ông Zelensky cũng bày tỏ tin tưởng rằng nguồn cung khí đốt từ Mỹ và các đối tác khác sẽ làm cho giá cả trên thị trường năng lượng trở nên hợp lý hơn.
Bình luận trên mạng xã hội hôm 2-1, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết, việc Kiev khóa van khí đốt của Nga đã tước đi một trong những công cụ còn lại của Moscow để gây sức ép với châu Âu. "Ukraine đã cắt đứt không chỉ đường ống trung chuyển khí đốt của Nga. Chúng tôi đã cắt đứt một trong những đòn bẩy cuối cùng còn lại của Nga đối với châu Âu và việc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí", Ngoại trưởng Sybiha cho biết. Ông Sybiha cho rằng châu Âu và thế giới sẽ an toàn hơn nếu không có sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hôm 1-1, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Herman Halushchenko cũng xác nhận Kiev đã khóa van các đường ống dẫn "vì lợi ích an ninh quốc gia". "Đây là một sự kiện lịch sử. Nga đang mất thị trường và sẽ phải hứng chịu các thiệt hại tài chính", ông Halushchenko viết trên Telegram.
Quốc gia đứng sau và các nạn nhân
Nga cảnh báo quyết định của Ukraine về việc khóa van khí đốt chỉ có lợi cho Mỹ với cái giá phải trả là các đồng minh của Washington ở châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay nước này coi Mỹ và Ukraine là hai nước phải chịu trách nhiệm về việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu thông qua Ukraine. "Các bên làm cho nguồn cung khí đốt của Nga chấm dứt là Mỹ, chính quyền Ukraine và chính phủ các quốc gia châu Âu, những bên đã hy sinh phúc lợi của công dân mình để hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế Mỹ", đài Sputnik dẫn tuyên bố của bà Zakharova ngày 2-1.
Bà Zakharova cáo buộc Mỹ là bên hưởng lợi chính từ những thay đổi trên thị trường năng lượng châu Âu. "Việc ngừng cung cấp năng lượng cạnh tranh và bảo vệ môi trường của Nga không chỉ làm suy yếu tiềm năng kinh tế của châu Âu mà còn có tác động tiêu cực nhất đến đời sống của người dân châu Âu", bà Zakharova nhấn mạnh.
Bà Zakharova nói rõ nạn nhân đầu tiên trong chiến lược săn mồi của Mỹ là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, đồng thời chỉ ra rằng vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream vào tháng 9-2022 đã buộc Berlin phải mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ với giá cao hơn đáng kể, dẫn đến việc đóng cửa nhiều ngành công nghiệp của Đức. "Bây giờ, các quốc gia khác của Liên minh châu Âu, trước đây từng thành công về mặt kinh tế và độc lập, cũng sẽ phải trả giá cho sự bảo trợ của Mỹ", nhà ngoại giao Nga cho biết.
Nguy cơ đối với châu Âu
Ukraine từ chối gia hạn hợp đồng với tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga vào cuối năm 2024. Theo Đài Sputnik, hợp đồng quá cảnh khí đốt giữa Tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Naftogaz của Ukraine đã hết hiệu lực vào lúc 8 giờ sáng 1-1 (theo giờ Moscow). Theo Gazprom, đường ống Urengoy - Pomary - Uzhgorod đã vận chuyển khoảng 15,5 tỷ m3 khí đốt, chiếm khoảng 4,5% tổng lượng khí đốt tiêu thụ tại Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái. Các quốc gia như Moldova và bốn nước EU - Slovakia, Áo, Italy và Cộng hòa Séc - đều nhận khí đốt qua tuyến đường này. Động thái này trên thực tế đã cắt đứt dòng khí đốt tự nhiên của Nga đến các quốc gia trên. Động thái này cũng lấy đi của Ukraine khoản phí trung chuyển trị giá gần 1 tỷ USD.
Giới chuyên gia cảnh báo ngừng cung cấp khí đốt giá rẻ và ổn định từ Nga sẽ đẩy chi phí năng lượng tăng cao, đồng thời tạo áp lực lớn đối với lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đã diễn ra trong suốt năm qua. Nhà phân tích chính trị Croatia Robert Frank nhận định: "Nếu xảy ra khủng hoảng năng lượng, châu Âu sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và điều này sẽ làm suy yếu thêm sức mạnh kinh tế của châu Âu". Ngoài ra, theo Giáo sư kinh tế Joze P. Damijan tại Đại học Ljubljana, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt có thể sẽ làm gia tăng áp lực chi phí cho các ngành công nghiệp của Slovenia, từ đó đẩy giá tiêu dùng lên cao, gây thêm khó khăn cho người dân. Châu Âu vẫn chưa thể hồi phục sau quyết định cắt giảm mạnh mẽ sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Động thái này đã làm gia tăng đột biến về lạm phát và dẫn đến suy thoái kinh tế.
Hiện tại, dòng khí đốt duy nhất từ Nga sang châu Âu vẫn là qua đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp khí đốt cho Romania, Hy Lạp, Bắc Macedonia, Serbia, Bosnia và Herzegovina, cùng Hungary. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguồn cung này đang đặt ra những câu hỏi lớn về tính ổn định và khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu trong tương lai.
Việc ngừng trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine diễn ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng vào Moscow, đồng thời tăng cường nguồn cung từ các đối tác khác. Trong ngày 1-1, Ủy ban châu Âu (EC) đã đánh giá nhẹ tác động của việc Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua Ukraine, cho biết việc ngừng cung cấp này đã được dự đoán trước và khối này đã có sự chuẩn bị. Một người phát ngôn của EC chia sẻ: "Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không phải của Nga cho khu vực Trung và Đông Âu thông qua các tuyến đường thay thế. Cơ sở hạ tầng này đã được tăng cường đáng kể với năng lực nhập khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới kể từ năm 2022".
AN BÌNH