Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Trung
Hàng nghìn hộ dân ở Quảng Bình bị ngập lụt
Chiều 28- 10, toàn bộ số nhà dân trên địa bàn xã An Thủy - "rốn lũ" của huyện Lệ Thủy đã bị ngập lụt. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, xã An Thủy đã chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ", bố trí cán bộ túc trực 24/24 giờ. Chủ tịch UBND xã An Thủy Lê Văn Quyết cho hay, từ chiều 27- 10, do mưa lớn, nước lũ lên nhanh trong đêm, rút kinh nghiệm của đợt lũ lịch sử năm 2020, chính quyền và người dân đã rất chủ động, sẵn sàng ứng phó với lũ lụt. Đặc biệt, trước khi nước lũ dâng cao, người dân đã chủ động di dời tài sản đến nơi an toàn; đồng thời dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt để phục vụ cho cuộc sống khi nước lũ ngập sâu, kéo dài. "Toàn xã có hơn 2.800 hộ dân, đã có 570 nhà dân bị ngập trên 1m và có hơn 2.700 nhà dân nước đã vào nhà. Hiện, địa phương đang cử cán bộ và các lực lượng Công an, Quân sự, dân quân tại chỗ túc trực 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra…” - ông Quyết cho hay.
Là địa phương luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và đã quen cảnh "sống chung với lũ lụt" hàng chục năm qua. Nhưng, chiều tối hôm qua, nước lũ bắt đầu lên nhanh trong đêm, khiến bà con cũng rất bất ngờ. "Với phương châm không để bị động, khi nghe loa tuyên truyền của xã, thôn, gia đình tôi đã chủ động di dời các tài sản có giá trị lên cao; đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa lũ…”, anh Lê Văn Sơn (xã An Thủy) cho biết.
Tại xã Lộc Thủy công tác ứng phó với mưa lũ đang được chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương, quyết liệt, đặc biệt luôn chủ động phương châm "4 tại chỗ". Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Dương Công Nhân cho hay, hiện tại, toàn xã có 1.236 hộ dân thì địa phương có hơn 1.150 nhà bị ngập, trong đó, có 550 nhà ngập trên 1m. Địa phương đã bố trí lực lượng Công an, dân quân tổ chức đi giúp đỡ các gia đình yếu thế di dời và các đơn vị, cửa hàng sắp xếp tài sản lên cao, đề phòng trong những ngày tiếp theo lũ lụt lên cao hơn…
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn thông tin, để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh; tổ chức trực ban 24/24 giờ; chủ động triển khai kịp thời các phương án, biện pháp ứng cứu; đồng thời trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý các tình huống tại các địa bàn trọng điểm, xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt gây ra…
Tại huyện Quảng Ninh hiện có 9.263 nhà dân bị ngập trong lũ (trong đó các xã: Duy Ninh ngập 1.580 nhà, Tân Ninh 1.842 nhà, An Ninh 837 nhà, Hiền Ninh 1.015 nhà, Võ Ninh 1.100 nhà…). Các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã di dời 1.015 hộ/2.307 khẩu đến nơi an toàn.
Tại huyện Tuyên Hoá, tuyến đường xã Mai Hóa về trung tâm xã Ngư Hóa bị ngập sâu gần 2m, kéo dài khoảng 100m nên người và phương tiện không qua lại được. Riêng xóm 1, thôn Tân Lâm có 7 hộ 22 khẩu bị chia cắt hoàn toàn. Do mưa lũ phức tạp nên các trường học trên địa bàn xã tạm thời cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, một số tuyến đường liên thôn xã Tiến Hóa, Văn Hóa cũng bị ngập từ 0,3-0,5m khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Tại thôn Nam Sơn xã Mai Hóa xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến 2 hộ dân với 9 nhân khẩu. Hiện, chính quyền địa phương xã Mai Hóa đã di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, rào khu vực sạt lở để bảo đảm an toàn cho bà con.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, bước đầu ghi nhận thiệt hại do mưa lũ gây ra đã làm 1 người dân ở huyện Lệ Thủy chết; 44 thôn, bản bị cô lập, chia cắt; nhiều điểm bị sạt lở; 3 tàu cá của ngư dân bị chìm (Bố Trạch 1 tàu và TP Đồng Hới 2 tàu); hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng hư hại…
Nước lũ “phá” hàng trăm mét đường sắt qua địa bàn Quảng Trị
Lũ dâng cao tại địa bàn H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) từ chiều tối 27-10-2024 không chỉ khiến hàng loạt khu dân cư của nhiều xã bị ngập nặng, chạy lũ trắng đêm mà còn khiến 2 đoạn đường sắt Bắc – Nam bị sạt lở nghiêm trọng. Nước lũ đã làm trôi đá, xói nền đường, dịch chuyển ray đoạn km 587+800 - km588+000, km 588+500 – km 588+900 khu vực cầu Sa Lung. Gồm đoạn phía nam ga Sa Lung đến phía Bắc cầu đường sắt Sa Lung, với chiều dài khoảng hơn 300m. Đoạn sạt lở còn lại phía nam cầu Sa Lung, dài khoảng 250m.
Để đảm bảo an toàn, đơn vị đường sắt đã phong tỏa khu gian Sa Lung – Tiên An. Trong quá trình khắc phục, hành khách đi tàu khách Bắc – Nam được chuyển tải từ ga Đông Hà ra ga Đồng Hới và ngược lại. Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cùng các đơn vị ngành đường sắt đã huy động hơn 150 công nhân tại Quảng Trị - Quảng Bình – Thừa Thiên - Huế và nhiều phương tiện, thiết bị khẩn trương sửa chữa. Đến chiều 28-10, nước lũ trên địa bàn H.Vĩnh Linh vẫn rút chậm, liên tục có mưa, đặc biệt xung quanh vẫn đang ngập lụt nên việc vận chuyển đá tới hiện trường gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, công tác khắc phục được duy trì với tinh thần nỗ lực hết mình để sớm thông tuyến trở lại.
Nước lũ cũng đã gây thiệt hại nặng nề về giao thông đường bộ trên địa bàn Quảng Trị. Như tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (H.Đakrông) xuất hiện 3 điểm sạt lở ở các vị trí Km 255+500, Km255+600, Km 279 với khối lượng khoảng 100m3. Lũ xói lở, cuốn trôi hơn 1.250m đường giao thông tại H.Hải Lăng, H.Vĩnh Linh, H.Gio Linh. Trên tuyến ĐT 587, mặt đường đoạn từ Km4+00 đến Km10+00 bị hư hỏng xói trôi. Sạt lở đất, sạt lở ta-luy dương cũng diễn ra ở nhiều cung đường. Một trong những thiệt hại nặng nề nữa do bão lũ là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với gần 200ha và 100 hồ bị ngập lũ.
Bờ biển Thừa Thiên - Huế sạt lở nặng
Do ảnh hưởng của bão số 6 (Trami), vùng biển Thừa Thiên - Huế có gió giật mạnh nhất cấp 8 - 9, triều cường dâng cao gây sạt lở nhiều đoạn bờ biển. Đặc biệt, nước biển tràn vào bờ ở bãi biển Thuận An (thành phố Huế) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), để lại hậu quả nặng nề cho người dân ven biển. Chưa có kè chống sạt lở, đoạn bờ biển Thuận An - Phú Thuận luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền qua nhiều đợt thiên tai. Bão số 6 càng khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng.
Trước khi bão số 6 đổ bộ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động lực lượng vũ trang gia cố bờ kè, sử dụng 4.150m2 vải lọc, 700m3 đá hộc, 5.000 bao tải và 200 cừ tràm xử lý khẩn cấp chống sạt lở đoạn qua bờ biển Thuận An - Phú Thuận. Đến nay, phần gia cố này gần như đã bị phá hủy hoàn toàn do bão. Lớp nền vỉa hè, bê-tông bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng nằm ngổn ngang. Triều cường dâng cao mang lượng cát lớn tràn vào nhiều hàng quán dọc bờ biển.
Riêng đoạn bờ biển thuộc xã Phú Thuận, đã bị sạt lở thêm khoảng 200m so với thời điểm trước bão. Một tuyến đường nội bộ của xã bị hư hỏng nặng, 10 hộ dân kinh doanh khu vực bãi tắm bị ảnh hưởng. Là một hộ dân kinh doanh 30 năm tại bãi biển Thuận An, bà Huỳnh Thị Thứ bàng hoàng cho hay, bà không tưởng tượng được khung cảnh tan hoang sau khi cơn bão đi qua. Trước mắt, cả gia đình bà đang di chuyển cây cối bị gãy đổ và lượng lớn bê-tông, gạch, đá hộc bị sóng biển đánh ra khỏi hàng quán để tiếp tục kinh doanh.
Ngoài bờ biển Thuận An - Phú Thuận, nhiều đoạn bờ biển của 2 huyện Phú Lộc, Phong Điền cũng bị sạt lở. Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, bờ biển Giang Hải - Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) tại vị trí đoạn kè mềm bằng ống cát, nước biển dâng cao, tràn qua nhiều vị trí vào sâu trong khu vực nuôi trồng và sản xuất. Bờ biển Giang Hải - Vinh Mỹ tiếp tục bị xâm thực, xói lở dài 500m; đường Trịnh Tố Tâm, khu vực Mũi Chùa (huyện Phú Lộc) sạt lở khoảng 100m. Bờ biển tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền đã bị xâm thực với chiều dài khoảng 1,3km với chiều sâu 8m.
Đà Nẵng thu gom hơn 2.200 tấn rác sau bão số 6
Chiều 28-10, bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Cty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi bão số 6 đi qua, đơn vị đã huy động nhân lực, phương tiện triển khai thu gom rác trên toàn địa bàn, trả lại đường phố sạch đẹp, thông thoáng cho ngày làm việc đầu tuần.
Cụ thể, trong ngày 27-10, ngay sau khi bão tan, đơn vị đã nhanh chóng triển khai phương án thu gom 710 tấn bao gồm rác thải sinh hoạt cộng với rác do mưa bão gây ra như lá cây khu vực nội thành, cành cây và rác từ thượng nguồn đổ về tấp vào các bãi biển. Đến cuối ngày 28-10, thu gom thêm khoảng 1.500 tấn rác các loại để đưa đi phân loại, xử lý. “Tổng cộng trong 2 ngày chúng tôi đã thu gom hơn 2.200 tấn rác các loại, trong đó lượng rác phát sinh do mưa bão là rất lớn. Đến hiện tại cơ bản đã xong theo kế hoạch, nếu phát sinh cành lá cây do người dân xử lý, tập kết ở các khu vực trung chuyển thì cũng sẽ hoàn thành trong ngày 29-10”, bà Hiếu cho hay.
Riêng tại địa bàn Q. Liên Chiểu, khối lượng rác phát sinh do bão tương đối lớn nên dự kiến phải hết tháng 10 mới có thể thu gom, xử lý xong. Lãnh đạo Cty CP Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh miền Trung, đơn vị đảm nhận thu gom rác tại địa phương này cho biết, ngoài xử lý rác sinh hoạt hàng ngày, trong ngày 28-10 đã thu gom 150m3 cành lá cây. Ước tính vẫn còn khoảng 400-500m3 rác loại này tồn đọng trong khu dân cư, tại các bãi đất trống. Nếu thời tiết bình thường, phải mất khoảng 2 ngày nữa để xử lý dứt điểm.
Khắc phục sự cố, cố gắng đảm bảo cấp điện lại cho gần 100% khách hàng trong ngày 28-10 Đến 17 giờ ngày 28-10, Tổng Cty điện lực miền Trung (EVNCPC) đã cơ bản hoàn tất việc khắc phục sự cố và khôi phục cấp điện cho tất cả khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 6 (Trami). Hiện chỉ còn một số khu vực nhỏ ngập lụt đang được EVNCPC theo dõi để đảm bảo an toàn trước khi tiến hành cấp điện trở lại trong đêm 28-10. Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa lực lượng, khẩn trương ứng trực 24/24h để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão, giúp khách hàng miền Trung - Tây Nguyên sớm ổn định nguồn điện bảo đảm sinh hoạt và sản xuất. Ông Ngô Tấn Cư nhấn mạnh: “Ngay sau bão số 6, các đơn vị của EVNCPC đã lập tức vào cuộc, vượt qua khó khăn để cấp điện lại cho người dân một cách an toàn, nhanh chóng nhất. Tính đến chiều tối 28-10, có hơn 220 sự cố đã được xử lý, cấp điện trở lại cho hơn 700.000 khách hàng, chiếm khoảng 98% tổng số khách hàng bị ảnh hưởng và dự kiến cuối ngày sẽ phấn đấu cấp điện đạt gần 100% khách hàng. Trước tình hình mưa lớn còn diễn biến phức tạp tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Tổng giám đốc Ngô Tấn Cư yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nước rút đến đâu thì kiểm tra an toàn đến đó, đồng thời nếu đảm bảo an toàn thì cấp điện lại ngay cho khách hàng. Ông nhấn mạnh thêm: Việc cấp điện lại là nhiệm vụ cấp bách, nhưng đảm bảo an toàn cho người dân và người lao động là ưu tiên hàng đầu. Các đơn vị của EVNCPC hiện đang trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với mưa lớn từ hoàn lưu bão số 6 để đảm bảo nguồn điện kịp thời, an toàn cho khách hàng. |
X.SƠN – B.HÀ – C.KHANH