Ám ảnh nỗi lo sạt lở núi

Kỳ 2: Sống trong phập phồng, bất an!

Thứ năm, 03/10/2024 09:45

Ngoài những điểm sạt lở ở gần khu dân cư các xã Trà Cang, Trà Tập, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) liên tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở khác. Nỗi ám ảnh bởi sạt lở thường trực trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây...

Di dời nhưng chưa thể an cư

Đang phụ giúp chồng dựng ngôi nhà tạm bên đường bê-tông gần điểm trường Tăk Cui, chị Hồ Thị Đương lo lắng cho biết: “Trước đây 16 hộ dân chúng tôi ở trên nóc Tu Gia, xa trung tâm xã nửa ngày đường. Để thuận lợi cho việc học hành của con cái, xã kêu gọi chúng tôi di dời xuống làng Tak Chay này. Thế nhưng mới ở được vài tháng thì nay xảy ra sạt lở, lại phải tiếp tục di dời. Vất vả quá. Chừ mặt bằng chưa có nên mấy gia đình chúng tôi phải dựng đỡ nhà tạm sát bên đường để ở”.

Những vết nứt nguy hiểm tại làng Tak Chay khiến cả làng phải di dời.
Lãnh đạo huyện Nam Trà My động viên người dân làng Lăng Lương di dời nhà ra khỏi khu sạt lở.

Kế bên, anh Hồ Văn Thái (em trai chị Đương) chia sẻ thêm, những ngày qua sau khi được di dời ra khỏi làng Tak Chay, xã bố trí cho gia đình anh cùng 15 hộ dân khác ở tạm tại điểm trường Tăk Cui. Do chỗ ở chật chội, lại ở chung với nhiều người không tiện trong việc sinh hoạt hằng ngày, nên gia đình hai chị em quyết định ra đây dựng nhà tạm để ở cho thoải mái hơn. “Mong muốn hiện nay của chúng tôi là xã sớm xây dựng được mặt bằng để bố trí chúng tôi vào đó ở, ổn định cuộc sống”- anh Thái bày tỏ mong muốn.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân làng Lăng Lương di dời nhà.

Theo ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang, đến thời điểm này xã đã di dời và dỡ được 22 ngôi nhà, còn 11 nhà đang tiếp tục được lực lượng chức năng tháo dỡ, di dời. “Dời nhà là tình thế khẩn cấp nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Còn việc xây dựng nhà mới cho những hộ dân này thì chưa biết cụ thể khi nào triển khai được. Bởi hiện nay việc khó khăn nhất là chọn mặt bằng để làm khu tái định cư (TĐC) mới cho người dân. Nơi đây có địa hình núi cao, vực sâu, nếu chọn nơi chưa phù hợp thì tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tiếp tục. Hiện xã đang khẩn trương tìm quỹ đất để sớm bố trí TĐC cho các hộ dân”- ông Lạc cho hay.

Sống và dạy học trong phập phồng, bất an

Dạy học dưới chân núi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, cô giáo Nguyễn Thị Thảo – giáo viên phụ trách điểm trường Lăng Lương (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Tập) lo lắng cho biết: “Thời điểm này địa phương sắp vào mùa mưa, nên khi dạy học ở đây tôi rất lo lắng cho sự an toàn của các học sinh và bản thân. Trước nguy cơ sạt lở, những ngày qua lãnh đạo nhà trường cũng như chính quyền địa phương đã có sự chỉ đạo cách ứng phó. Cụ thể, nếu thời tiết mưa lớn thì tôi có thể chủ động cho học sinh nghỉ học; hoặc đang học mà trời đổ mưa lớn thì di dời học sinh đến điểm trường Mầm non gần đó để đảm bảo an toàn”.

Cô trò điểm trường Lăng Lương lo lắng khi dạy, học ở vùng sạt lở.

Cạnh điểm trường Tiểu học Lăng Lương là cảnh người dân đang phối hợp với lực lượng dân quân dỡ nhà. Dù đã ở tuổi 74, nhưng ông Hồ Văn Mã vẫn cặm cụi thu dọn những vật dụng của gia đình để đưa ra điểm tập kết. “Thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương, gia đình mình cũng tuân thủ di dời nhà để tránh sạt lở. Mình cùng các hộ dân ở làng này lâu lắm rồi, không muốn đi chỗ khác. Nhưng do lo sợ sạt lở nên phải đi thôi. Mới trận mưa đầu mùa, nhưng đất đá đã sạt lở trôi xuống làng. Trên núi thì nghe nói vết nứt đang rộng thêm, nếu không đi mưa lớn nữa thì nguy cơ vùi lấp cả làng”- ông Mã thổ lộ trong âu lo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Liên – Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập cho biết, theo danh sách các điểm có nguy cơ sạt lở cao thì làng Lăng Lương không nằm trong diện di dời do sạt lở. “Để chủ động đối phó với mưa bão năm nay, địa phương đang tiến hành di dời 23 hộ dân của làng Lăng Dí, thôn 3- nơi được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao. Còn làng Lăng Lương này không nằm trong kế hoạch di dời. Thế nhưng sau trận mưa lớn vừa qua, việc xuất hiện các vết nứt trên đồi núi nên buộc chúng tôi phải di dời khẩn cấp những hộ dân này. Thiên tai bây giờ quá khốc liệt, ngoài dự tính của mình”- ông Liên thông tin thêm.

Hai chị em Hồ Thị Đương và Hồ Văn Thái tận dụng vỉa hè bên đường giao thông để dựng lán trại sống tạm.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch huyện Nam Trà My- cho biết, trước mắt chính quyền làm nhà tạm cho người dân ở, cấp lương thực và hỗ trợ tiền để ổn định cuộc sống. Làng Tăk Chay, Lăng Lương sẽ được sắp xếp khu dân cư theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh. Mỗi hộ được cấp 150- 200m2 và 20 triệu đồng di chuyển nhà, 30 triệu san lấp nền, 40 triệu mua vật liệu làm nhà, 10 triệu đường dân sinh bê-tông, 5 triệu công trình vệ sinh.

Liên tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở

Qua Chủ tịch huyện Nam Trà My, được biết, ngoài những điểm sạt lở ở gần khu dân cư các xã thì ngay trung tâm huyện Nam Trà My, sạt lở cũng đang uy hiếp nhiều cơ quan, đơn vị. Cụ thể, ngay phía sau trụ sở Công an huyện, cơ quan này phát hiện vết nứt rộng hơn một mét, dài hàng trăm mét, kéo dài từ nhà tạm giữ đến phía sau trụ sở Huyện ủy và UBND huyện. Nhằm đảm bảo an toàn cho các phạm nhân đang được tạm giữ tại đây, Công an huyện Nam Trà My đã có báo cáo lên Công an tỉnh để có biện pháp di dời đi nơi khác.

Những vết nứt nguy hiểm tại làng Tak Chay khiến cả làng phải di dời.

Đặc biệt, mới đây, người dân xã Trà Linh báo cáo khẩn cấp đến lãnh đạo huyện Nam Trà My khi phát hiện vết nứt dài hàng trăm mét trên sườn núi Ngọc Linh, có độ cao trên 1.300 mét, đe dọa đến 19 hộ dân và nhiều trường học, trụ sở làm việc của xã Trà Linh. Nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Nam Trà My và các đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát tại hiện trường. Qua khảo sát đã ghi nhận được tình trạng đứt gãy khối đá phong hóa ở độ cao hàng ngàn mét và có dấu hiệu sạt trượt dần về phía ngôi làng thôn 1, xã Trà Linh. Trước tình hình đó, UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo xã Trà Linh cắt cử lực lượng theo dõi diễn biến bất thường của vết nứt, cảnh báo kịp thời để người dân, học sinh sơ tán khi phát hiện tình huống xấu hơn.

“Sạt lở luôn là mối lo ngại hàng đầu của địa phương mỗi mùa mưa bão. Để hạn chế thiệt hại, người dân và chính quyền đã chủ động di dời, sơ tán khi có dấu hiệu nguy hiểm. Đồng thời thực hiện song song hai nhiệm vụ là đảm bảo tính mạng, tài sản cho nhân dân và triển khai xây dựng khu dân cư mới để người dân sớm ổn định cuộc sống”- Chủ tịch huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng trăn trở chia sẻ.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết cùng hiện tượng sạt lở xảy ra khắp nơi như hiện nay, mùa mưa bão năm 2024, người dân ở những vùng sạt lở, có nguy cơ sạt lở nói chung, huyện Nam Trà My nói riêng đang phải sống trong cảnh phập phồng, âu lo…

“Nhằm chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay, huyện đã dự trữ hơn 300.000 kg gạo tại các nhà kho của xã, thôn, trường học, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân; ngoài ra còn dự trữ hơn 1.160 thùng lương khô, 1.505 thùng nước uống đóng chai. Các đơn vị trường học phối hợp với UBND các xã tổ chức dự trữ, điều phối lương thực, không để nhân dân thiếu ăn trong mùa mưa bão. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn huyện có hơn 1.000 người tham gia sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống” - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng thông tin.

Trần Tân (còn nữa)