Nâng cao khả năng ngôn từ: Yêu cầu tất yếu của người làm báo
Luôn lắng nghe và ghi chép
Nghe và ghi chép những từ mới, những từ khó hiểu, những từ chưa quen, những phương ngôn, phương ngữ, những câu thành ngữ tục ngữ, những từ mượn của tiếng nước ngoài, những thuật ngữ chuyên ngành… Chú ý phải ghi chép đúng ý nghĩa của nó để sử dụng cho chính xác. Ghi chép cẩn thận không chỉ để dùng đúng mà còn dùng hay, nhất là những từ độc đáo khi viết về các lĩnh vực đặc thù.
Chẳng hạn, khi sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong sáng tạo tác phẩm báo chí, phải hiểu rằng hiệu quả thẩm mỹ chỉ có được khi nhà báo biết khai thác vận dụng thành ngữ, tục ngữ một cách linh hoạt, phải biết lựa chọn một cách thông minh để có thể vận dụng thành ngữ, tục ngữ vào quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí một cách độc đáo. Người viết ở lĩnh vực nào thì nên nắm rõ những thuật ngữ, kể cả những tiếng lóng, của lĩnh vực đó.
Hãy viết khi hiểu chính xác
Người viết báo không nên (và cũng không được) sính chữ, dùng những từ ngữ quá “kêu” hoặc dùng từ mượn, tiếng nước ngoài mà mình chưa hiểu rõ. Nguyên tắc vẫn là: hiểu rõ dùng đúng, tức là khi hiểu chính xác mới dùng và khi đã dùng thì phải phù hợp với văn cảnh.
Mặt khác, người viết báo luôn phải dùng ngôn từ sao cho đa số người đọc có thể hiểu được điều mình muốn nói. Nếu “sính chữ”, “khoe chữ”, dùng từ “đao to búa lớn” không phù hợp với nội dung, với văn cảnh, với đối tượng tiếp nhận thì không chỉ không giúp người đọc hiểu và hiểu đúng những gì mình muốn nói mà còn gây ra sự phản cảm đối với người viết và tờ báo. Như vậy, chỉ khi bản thân hiểu rõ từ muốn dùng thì mới có thể tự “định lượng” xem cách dùng đó được người đọc hiểu hay không và chấp nhận hay không. Đặc biệt với từ Hán - Việt, nhiều từ ít thông dụng hoặc có nhiều nghĩa, người viết phải hiểu rõ mình muốn biểu đạt, tránh dùng sai hoặc gây hiểu lầm đáng tiếc.
Thận trọng với “ngôn ngữ mạng”
Hiện có không ít người làm điện tử dùng khá thoải mái với những cách dùng, cách diễn đạt của “ngôn ngữ mạng”, tức là loại ngôn ngữ thường được dùng trên Internet và mạng xã hội. Nói chung, nếu dùng khéo và ở mức độ vừa phải thì sẽ có tác dụng tích cực, nhất là với những trường hợp “bắt trend” (ăn theo một xu hướng, trào lưu nào đó). Nhưng dùng bừa bãi và kém tinh tế thì sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Thí dụ, có báo viết: “Người đẹp 25 tuổi “đốt mắt” thiên hạ bằng váy xuyên thấu”; “Sau cự cãi, người đàn ông làm chuyện không tưởng với gia đình vợ “hờ”… Cách dùng từ “đốt mắt” là cách nói cửa miệng của nhiều người, thực sự cần phải cân nhắc dùng trong văn cảnh và điều kiện nào phù hợp. Còn cụm “làm chuyện không tưởng” thì khá tối nghĩa, có thể dẫn dắt người đọc nghĩ ngợi đi xa nội dung bài viết.
Hay có nhiều báo thường dùng cụm từ “có 1-0-2”. Cụm từ này thực sự nên xem là một hình thức thể hiện của ngôn ngữ mạng, của các status trên mạng xã hội chứ không thể xem là một “loại” ngôn ngữ của báo chí. Cách diễn đạt đó có thể làm méo mó tiếng Việt đáng tiếc!
Đừng ngại tra tự điển
Tự điển là công cụ rất bổ ích đối với người viết báo. Khó ai có thể giỏi đến mức hiểu rõ tất cả mọi từ, nhất là những từ mượn, từ có nhiều tầng nghĩa, từ có cấu trúc hoặc chính tả phức tạp. Do đó, bất kỳ khi có nghi ngờ về chính tả hoặc ý nghĩa của từ nào thì cách tốt nhất vẫn là tra tự điển. Đối với người làm báo, các tự điển chính tả, tự điển tiếng Việt, tự điển Hán - Việt… luôn rất cần thiết. Mọi sự chủ quan rằng mình sẽ không nhầm lẫn bất kỳ từ nào là một điều duy ý chí, nhất là đối với các từ ít sử dụng, các phương ngữ, từ chuyên môn…
Thí dụ, có nhiều người dùng chữ hậu duệ mà không biết rằng, theo từ điển Tiếng Việt (NXB Thanh Hóa, 2005) thì “hậu duệ là con cháu của người đã chết”.
Đừng ngần ngại tra từ điển khi thấy không nắm thật chắc nghĩa của một từ nào đó! Chính Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân đã từng nói: “Các nhà bác học Pháp thường xuyên tra từ điển!”.
Chấp nhận góp ý, phê bình
Cần hết sức chú ý lắng nghe các ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong đó có các ý kiến về sử dụng tiếng Việt trong các tác phẩm báo chí. Đây là cơ sở đáng tin cậy để các nhà báo rút kinh nghiệm và dần hoàn thiện việc sử dụng ngôn từ của mình. Vì công chúng đích thực thường rất khách quan trong nhận xét, đánh giá. Những người gửi ý kiến phê phán đến cơ quan báo chí thường là những người có kiến thức vững vàng về vấn đề mà họ quan tâm.
Ở một số báo có mục “giao lưu”, “thư đi thư lại”, “trao đổi”… để phản hồi những ý kiến phản ánh của bạn đọc về nhiều vấn đề của tờ báo trong đó có những góp ý về ngôn ngữ. Việc tờ báo công khai đăng tải những góp ý của bạn đọc thể hiện sự cầu thị của tòa soạn, đồng thời là một kênh để giúp người viết báo và tờ báo có thể sử dụng ngôn ngữ đúng hơn, ít sai sót hơn.
Cần quy chuẩn những cách viết và cách đọc thiếu thống nhất
Việc quy chuẩn này, trước hết, liên quan tới cách viết và cách đọc các tên riêng nước ngoài, việc viết hoa và một số vấn đề về ngôn ngữ còn đang tranh cãi (kiểu viết i hay y đối với một số từ). Hiện nay, trên báo chí đang diễn ra tình trạng viết tên riêng nước ngoài còn chưa thống nhất. Có báo sử dụng lối phiên âm, có báo dùng cách viết chuyển tự và giữ nguyên dạng. Lại có báo vừa sử dụng cách viết theo lối phiên âm, vừa sử dụng cách viết chuyển tự và giữ nguyên dạng. Và ngay cả trong cùng một lối viết là phiên âm, nhiều tên riêng nước ngoài cũng được viết không giống nhau ở các nhà báo khác nhau.
Bên cạnh đó, việc viết hoa và dùng i hay y cũng khá thoải mái, nhiều khi theo thói quen, sở thích hơn là theo quy chuẩn. Dĩ nhiên, việc ngôn ngữ luôn có sự linh hoạt nhưng không vì thế mà tạo sự thiếu thống nhất, nhất là khi ngôn ngữ trên báo không chỉ để đọc qua rồi quên mà còn có thể làm căn cứ cho học sinh học tập.
Vì vậy, Nhà nước cần có văn bản chính thức quy định về cách viết tên riêng nước ngoài nhằm tạo ra sự thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo chí nên có quy định của riêng mình liên quan tới việc này sao cho việc dùng từ được thống nhất ở các số trước sau, ở các bài của các tác giả khá nhau...
Có thể nói, không nhà báo nào tự nhận rằng mình có thể luôn viết đúng. Ngôn ngữ là một lĩnh vực phức tạp bởi nó luôn vận động, luôn thay đổi. Vì vậy, để những tác phẩm báo chí hoàn thiện, có chất lượng cao và có tác dụng thiết thực, nhà báo nói riêng và người viết báo nói chung phải hết sức tôn trọng ngôn ngữ báo chí. Nhà báo phải am hiểu ngôn ngữ, phải tích cực học tập, rút kinh nghiệm qua thực tế để không mắc phải những sai lầm đáng tiếc khi sử dụng ngôn ngữ. Có như vậy, nhà báo mới có thể sáng tác ra những tác phẩm hay, hấp dẫn và có ý nghĩa.
TRÚC GIANG