Câu chuyện tác giả và nhân vật bức ảnh “Nụ cười Thành cổ”
Gần đây tôi đã lục tìm trong tư liệu ảnh trong chuyến đi Điện Biên ấy và bắt gặp tấm ảnh chụp nhà báo Đoàn Công Tính gặp lại người chiến sĩ trong tấm ảnh “Nụ cười Thành cổ” nổi tiếng.
Mới đây, khi tôi gửi tấm hình này cho nhà báo Đoàn Công Tính thì anh nói: “Hay quá! Đây là lần đầu tôi thấy tấm hình chụp cả tác giả lẫn nhân vật của tấm ảnh là tôi và anh Chinh. Tôi nhớ là hồi đó (năm 2004) tôi đến chơi nhà anh Chinh và ở lại hai ngày”.
Lúc đó cựu chiến binh Lê Xuân Chinh ở Đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Còn quê chính của anh Chinh ở làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Năm 1972, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, là con độc nhất tuy không thuộc diện phải vào chiến trường anh cũng xin lên đường nhập ngũ.
Tháng 6-1972, trong biên chế Đại đội 18 thông tin liên lạc của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Lê Xuân Chinh vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ Quảng Trị. Nhiệm vụ chính của anh và đồng đội là hằng ngày dẫn lực lượng chủ lực và đem công văn, mệnh lệnh từ chỉ huy xuống các đơn vị chiến đấu trong Thành cổ.
Mỗi ngày Lê Xuân Chinh và đồng đội không biết phải bao lần đối mặt với cái chết. Theo tư liệu lịch sử thì máy bay B52 rồi pháo từ Hạm đội 7 Mỹ bắn như vãi trấu, hỏa lực của lính Việt Nam Cộng hòa (Thiết đoàn 7, 18 kị binh; Lữ đoàn dù 1, 2, 3; Liên đoàn Biệt cách nhảy dù; 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến…) thi nhau dội lửa xuống trận địa. Đường dây vô tuyến, hữu tuyến gần như không hoạt động nên mệnh lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn (E 48) chỉ được truyền đạt thông qua chiến sĩ thông tin liên lạc.
Trận Thành cổ kéo dài 81 ngày đêm (bắt đầu từ 28-6-1972 đến 16-9-1972 - quân ta rút khỏi Thành cổ) thì Lê Xuân Chinh bám trụ đến 70 ngày. Chiều 5-9-1972, trên đường mang công văn từ Ban chỉ huy Trung đoàn xuống Ái Tử, ông dính pháo bầy, mảnh pháo găm vào sườn trái, máu tưới ướt sũng quần áo. Khi tỉnh dậy, ông mới biết mình đã được đồng đội chuyển ra Bệnh viện dã chiến 112, thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)…
Kể về xuất xứ tấm hình nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”, cựu chiến binh Lê Xuân Chinh hồi tưởng: “Hôm đó nhận lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn, tôi và du kích dẫn phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, Báo Quân đội Nhân dân vào Thành cổ.
Khi đến một chốt của quân ta ở phía đông gần giáp bờ sông Thạch Hãn (chỉ cách dinh Tỉnh tưởng hơn 100m), thấy một nhóm chiến sĩ ta đang cười nói rôm rả giữa lúc pháo địch chuyển làn, phóng viên Đoàn Công Tính bảo: “Các anh em cứ ngồi đó cười thật tươi tôi chụp bức ảnh”. Sau này đơn vị tôi rút ra Nông Cống, Thanh Hóa, lần đầu tiên tôi nhìn thấy tấm ảnh này trên Báo QĐND do thủ trưởng đơn vị cho xem rồi quên luôn gần 30 năm sau.
Năm 1974 do vết thương tái phát, sức khỏe yếu, gia đình con một nên Lê Xuân Chinh được cấp trên giải quyết về phục viên. Cùng nhập ngũ đợt đó làng ông có 10 người, đến ngày toàn thắng chỉ có 4 người trở về. Năm 1980, tôi đưa vợ đang mang bầu 7 tháng đi kinh tế mới ở Điện Biên. Vào giai đoạn này, gia đình cựu binh Lê Xuân Chinh mới thực sự phải đối mặt với những khó khăn của cơm áo gạo tiền. Giấy tờ chứng nhận thương tật bị mất sạch, ông lên xây dựng kinh tế mới chỉ có 1.000m² ruộng, 3 đứa con nheo nhóc lần lượt ra đời, học hành chưa hết cấp 1.
Còn nhà báo Đoàn Công Tính thì kể về lịch sử sự ra đời của bức ảnh: Lúc đó địch liên tục tiến hành các đợt rải bom B52, nã pháo kích để làm sập các đồn chốt, hầm trú ẩn của quân ta, huy động thêm nhiều sư đoàn lính thủy đánh bộ cùng đơn vị hỏa lực hòng san bằng Thành cổ, đánh bật quân miền Bắc khỏi bờ nam sông Thạch Hãn. Lúc này, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định: “Không để phóng viên vào Thành cổ để tránh thương vong”. Vì thế, các phóng viên cũng chỉ còn cách lấy tin từ những người bị thương được chuyển ra.
Nhà báo Đoàn Công Tính quyết tâm phải vào Thành cổ bằng được. Cuối cùng, sau những lời thuyết phục đầy quyết tâm, ông được đồng ý theo hai o du kích vào trong Thành cổ.
Sáng hôm sau, chỉ huy cho chiến sĩ thông tin Lê Xuân Chinh - nhân vật chính trong bức ảnh “Nụ cười Thành cổ” đưa ông đến khu vực Thành cổ.
Trong đầu ông chợt lóe lên ý tưởng ghi lại hình ảnh nụ cười lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của người lính nơi chiến trường đầy lửa đạn.
Anh đề nghị anh em ngồi thật tự nhiên, sau đó lấy máy chụp hình. Anh Chinh được ông đề nghị cầm khẩu B40, ngồi gần máy ảnh nhất.
Trước khi rời khỏi Thành cổ, anh đã ghi những dòng chữ lên giấy rồi bọc vào những cuốn phim: “Nếu chẳng may tôi hy sinh, xin nhờ mang giùm 10 cuốn phim này về Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, Hà Nội.”
Sau 30 năm bức ảnh ra đời, phóng viên kỳ cựu Đoàn Công Tính đã có dịp gặp lại nhân vật chính trong bức ảnh của mình. Biết được anh Chinh sống trong cảnh nghèo khó, nhà tranh dột nát, con cái không ai học hết cấp 2, nhà báo Đoàn Công Tính và các đồng đội khác đã giúp anh Chinh lấy được thẻ thương binh rồi được cấp nhà tình nghĩa…
Hiện nay nhà báo Đoàn Công Tính đã 80 tuổi và trong 40 năm qua anh sinh sống ở TPHCM và vẫn giữ được ngọn lửa yêu nghề ngày nào.
HUỲNH DŨNG NHÂN