Báo Công An Đà Nẵng

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân:

Nâng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, công nhân công an là phù hợp và cần thiết

Thứ sáu, 02/06/2023 20:27

Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an; tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân.


Tôi nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an, việc sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an sẽ có tác động tích cực đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng CAND, tận dụng được nguồn nhân lực chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm. Đồng thời, việc nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an sẽ giúp cân đối, giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ. Thực tế cho thấy, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an hiện nay, ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật Công an nhân dân, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước, như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan CAND là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội...

Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm được sự đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước hiện hành. Do đó, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp với thực tế công tác hiện nay của lực lượng công an.

Thực tế các trường hợp đặc biệt được kéo dài dài hạn tuổi phục vụ rất ít; được thực hiện với quy trình, thủ tục xét duyệt rất chặt chẽ, qua nhiều cấp. Thời gian qua, việc kéo dài đối với một số đồng chí đã phát huy rất tích cực trình độ, năng lực ở góc độ sử dụng, cống hiến trí tuệ tầm cỡ chuyên gia đầu ngành. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.

Về thăng cấp bậc hàm Tướng, Khoản 1 Điều 23 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”.

Khoản 3 Điều 23 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp Tướng”.

Thực hiện các quy định trên, Bộ Công an đã ban hành văn bản quy định cụ thể về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an lập thành tích đặc biệt xuất sắc có cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống.

Đối với việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn thì Luật Công an nhân dân chưa quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn có thành tích đặc biệt xuất sắc nên khó khăn trong triển khai thực hiện trên thực tế. Để tháo gỡ vướng mắc này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành Quy định 1757 ngày 5.1.2021 về việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn. Tuy nhiên, văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên việc luật hóa quy định nêu trên và giao Chính phủ quy định cụ thể là cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, khả thi, dễ thực hiện; đồng thời, đúng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại khoản 12 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 (Quốc hội quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân). Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể về mặt nội dung và không làm thay đổi quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn tại khoản 3 Điều 23.

Ngoài ra, việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng đối với những trường hợp này nhằm ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc và được quy định theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ như: Phải được đánh giá khách quan, toàn diện các mặt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, hiệu quả công tác, những cống hiến và thành tích xuất sắc. Với nội dung này, theo tôi không cần thiết phải bổ sung quy định thời gian tối thiểu trong trường hợp Chủ tịch nước quyết định thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng khi sĩ quan không còn đủ 3 năm công tác. Để bảo đảm việc triển khai thực hiện, tôi đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để đề xuất xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với cấp Tướng, Đại tá trở xuống ngay trong Luật.

Trong đó, có thể bổ sung quy định mang tính nguyên tắc như: Thời điểm đạt thành tích đặc biệt xuất sắc phải trong niên hạn xét thăng cấp bậc hàm; thời gian thăng cấp trước hạn không quá 12 tháng; tiếp tục giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn này. Đồng thời, nghiên cứu để bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Công an nhân dân năm 2018) theo hướng: Giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thê tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc.

Đỗ Huy Khánh

ĐBQH tỉnh Đồng Nai