Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Thứ sáu, 02/06/2023 07:00
Chiều 1-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận  về  phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) phát biểu tại Hội trường.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) phát biểu tại Hội trường.

Đà Nẵng đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024

Đại biểu Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) cho biết, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được ban hành tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đã được thực hiện trong năm 2022 và đã hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2022. Đại biểu cho rằng, qua gần nửa năm 2023 không tiếp tục thực hiện, việc Chính phủ đề xuất cho tiếp tục áp dụng chính sách này là rất cần thiết, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng trong nhân dân; làm gia tăng chi tiêu, tăng sức mua; giảm bớt áp lực về giá cả; thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, gia tăng sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, theo đại biểu, với việc thực hiện chính sách không liên tục, đã bị ngắt quãng 6 tháng, nay đề xuất tiếp tục cho triển khai chỉ trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 7-2023 đến hết tháng 12-2023) thì thời gian thực hiện như vậy quá ngắn.

"Việc tiếp tục áp dụng chính sách này chỉ trong thời gian ngắn sẽ khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Mặc dù trong giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ có những thời điểm nếu giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo thêm điều kiện để tăng chi tiêu, kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua, ví dụ như thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, dịp lễ, Tết... Tuy nhiên, cũng sẽ có một số yếu tố như việc tăng giá điện, tăng lương cơ sở có khả năng tác động làm tăng mặt bằng giá cả; như vậy cũng sẽ có tác động đến việc thúc đẩy mục tiêu tiêu dùng và hiệu quả mong đợi từ chính sách này", đại biểu phân tích. Do đó, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị cần đánh giá kỹ lại việc kéo dài thêm 6 tháng cuối năm liệu đã đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng và đạt được các mục tiêu đề ra hay chưa?

Bên cạnh đó, đại biểu nhận định, với việc thực hiện chính sách không liên tục, đối với những địa phương có ngành dịch vụ phát triển, nguồn thu ngân sách từ thu thuế giá trị gia tăng có tỷ trọng lớn sẽ bị tác động rất lớn khi thực hiện chính sách, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách, phải điều chỉnh dự toán thu và nhiệm vụ chi. Nếu chỉ thực hiện trong sáu tháng cuối năm thì khó chủ động được cho việc điều chỉnh dự toán cân đối thu, chi ngân sách của những tháng cuối năm 2023, cũng như xây dựng dự toán thu - chi của cả năm 2024.

"Việc dự kiến thu ngân sách sẽ giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng khi thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đang được xác định trong điều kiện mức tiêu thụ bình thường. Tuy nhiên, trường hợp nếu chúng ta thực hiện chính sách giảm thuế đạt hiệu quả, vừa kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thì mặc dù giảm 2% nguồn thu từ sắc thuế này, nhưng đối với mức thu thuế còn lại 8% cộng với phát sinh tăng thu từ các nguồn thuế khác khi chi tiêu của người dân, doanh nghiệp được kích thích đẩy mạnh, vẫn có thể giúp nguồn thu ngân sách tăng cao như kết quả đạt được khi thực hiện chính sách này trong năm 2022", đại biểu Cường phân tích.

Từ những nguyên nhân trên, đại biểu TP Đà Nẵng đề nghị cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ ở hoạt động dịch vụ, tiêu dùng, mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh; nhất là tháo gỡ khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất đến tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo nhiều khó khăn.

Đánh giá cao việc thực hiện các giải pháp về thuế trong thời gian qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, đại biểu bày tỏ nhất trí với việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022.

Phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong tình hình nền kinh tế có nhiều thách thức, phải bán bớt tài sản, bên mua lại là người nước ngoài, đại biểu cho rằng vấn đề này rất đáng lo ngại. Do đó, đại biểu Hoa cho rằng, cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn.

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Chí Cường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đánh giá, phương án của Chính phủ là kéo dài đến hết 31-12-2023 là quá ngắn. Đại biểu cho rằng, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.

Đồng thời, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp; nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu giảm lãi suất cho vay xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi, hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cần mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng

Cùng quan tâm tới nội dung này, góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả đối với các dòng ô-tô dưới 24 chỗ) để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô-tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô-tô, qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế.

Theo đại biểu Nga, công nghiệp ô-tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Tại một số quốc gia, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô-tô đã có những tác động tích cực, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước."Vì vậy, việc xây dựng các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp ô-tô, từ đó thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cần thiết. Một trong các công cụ hiệu quả được nhiều nước trên thế giới thực hiện đó là điều chỉnh các chính sách về thuế và phí để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành xe", đại biểu dẫn chứng.

Đại biểu cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô-tô, ngành này đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí bảo dưỡng sản phẩm, doanh thu sụt giảm, kéo theo đó là dòng tiền bị tê liệt dẫn tới mất cân đối thu - chi. Hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên rất cần có chính sách mới được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ tình trạng này. Trong đó, có thể áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với mặt hàng ô-tô (bao gồm cả các dòng ô-tô dưới 24 chỗ).

Khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu dòng vốn

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) quan tâm 3 nội dung, đó là điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và điều hành ngân sách.

Về điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, đại biểu tán thành nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cho rằng việc điều chỉnh lần này Chính phủ đã tập hợp danh mục các công trình, dự án và phụ lục kèm theo trình Quốc hội rất đầy đủ và phù hợp với đề xuất của các địa phương. Đặc biệt, đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố rất mong muốn sớm được triển khai Dự án tuyến đường ven biển kết nối 13 tỉnh, thành phố trong khu vực.

Để triển khai thực hiện tuyến đường này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tháo gỡ một số điểm nghẽn, cho phép thực hiện một số cơ chế hỗ trợ như: Cơ chế cho vay lại đối với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo tỷ lệ 90 - 10 (90% vốn cấp phát và 10% các tỉnh vay lại). Đối với các hạng mục liên tỉnh (như các cầu lớn nối liền hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang, Bến Tre - Trà Vinh), đề xuất Chính phủ cho tiếp cận vốn theo hướng Chính phủ cấp phát vốn vay 100% (có thể giao Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư) hoặc giao cho UBND một tỉnh làm chủ đầu tư để thực hiện. 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận 6 nhóm nhà tài trợ khác nhau, đại biểu đề nghị Trung ương giao cho một Bộ chủ trì làm đầu mối, cùng với 13 địa phương đàm phán vấn đề này để đảm bảo thực hiện cho đồng bộ.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Sơn cho biết, với thời gian 2 năm (2022 - 2023) theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và tiến độ giải ngân như hiện nay rất khó cho các địa phương đến cuối năm có thể thực hiện xong các chương trình, dự án, nhất là các địa phương được giao vốn trong năm 2023.

Đại biểu kiến nghị đối với các địa phương được giao vốn trong năm 2023, Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện qua năm 2024 - 2025, đồng thời kiến nghị có sự điều tiết linh hoạt giữa hai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình đầu tư công trung hạn 2020 - 2025 vì thời gian thực hiện của hai chương trình gần nhau, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu dòng vốn.

B.T – TTXVN