Báo Công An Đà Nẵng

Nhân viên tín dụng và chiêu lừa đáo hạn ngân hàng

Thứ ba, 16/04/2024 10:13
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam bắt tạm giam đối với Trần Thị Kiều Hoa.

Bà T.T.V. (trú TP Tam Kỳ, một nạn nhân trong vụ việc) cho biết, trước đó Hoa có hỏi vay 5 tỷ đồng để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng, tất toán khoản vay cho người khác với lãi suất 1,5%/tháng, thời hạn vay là 30 ngày. Tin tưởng là đồng nghiệp nên bà V. huy động tiền từ người thân cho Hoa vay nhưng không ngờ bị lừa.

Tương tự, nhiều người bị hại khác cũng cho hay vì tin tưởng Hoa là cán bộ tín dụng của một ngân hàng có uy tín, với lý do làm dịch vụ tất toán khoản vay, nâng hạn mức vay cho người khác nên mới cho Hoa vay mượn tiền. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại TP Tam Kỳ và một số địa phương lân cận có hơn 10 người cho Trần Thị Kiều Hoa vay với số tiền gần 20 tỷ đồng song vì lý do tế nhị nào đó vẫn chưa gửi đơn đến cơ quan Công an.

Sau một thời gian điều tra, ngày 4-4-2024, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Thị Kiều Hoa về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Từ kết quả điều tra ban đầu, bà Hoa đã chiếm đoạt của 2 bị hại với số tiền 2,7 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, Trần Thị Kiều Hoa được sinh ra trong một gia đình được xem là “con nhà nòi” của ngành ngân hàng. Sau khi bố mất, mẹ về hưu, năm 2019, Hoa chính thức được nhận vào làm nhân viên tín dụng tại chi nhánh ngân hàng A. tại TP Tam Kỳ. Theo đánh giá của nhiều người, Trần Thị Kiều Hoa là một nhân viên năng nổ, dễ hòa đồng, luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu huy động vốn và giải ngân của một cán bộ tín dụng. Ngoài công việc của một cán bộ tín dụng, Hoa làm thêm nghề “tay trái” là lướt sóng đất đai. Dù là nghề “tay trái” nhưng thời gian đầu đã đem lại cho Hoa nguồn thu nhập đáng kể, từ chỗ chưa có tài sản riêng thì đã mua được đất, mở quán kinh doanh cà-phê…

Vào thời điểm trước khi đại dịch Covid (năm 2019 trở về trước), việc mua đi, bán lại trong thời gian ngắn lấy chênh lệch vài chục triệu đồng theo dạng “cò con” chẳng thấm vào đâu so với những người chuyên kinh doanh bất động sản nên Hoa nghĩ đến việc “làm ăn lớn” là huy động vốn với lãi suất cao từ bạn bè, người quen đầu tư đất, chờ được giá bán lấy lãi. Việc kinh doanh chỉ “thuận buồm, xuôi gió” trong một thời gian ngắn đã gặp phải khó khăn do thị trường nhà đất tại nhiều địa phương trong cả nước bị đóng băng. Vốn vay đến thời hạn phải thanh toán lãi nhưng giá đất ngày càng đi xuống, thậm chí muốn bán dưới giá mua vào vẫn không thể thực hiện vì không có người mua… buộc Trần Thị Kiều Hoa phải “nhắm mắt làm liều” bằng cách lợi dụng danh nghĩa là cán bộ tín dụng cần vốn để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng, tất toán khoản vay, nâng hạn mức vay, hưởng lãi suất thấp… để huy động vốn của người sau trả lãi và vốn cho người trước. Cứ thế, các khoản vay kéo dài ra và lớn dần lên, khi không còn khả năng thanh toán, tháng 10-2023, Hoa âm thầm bỏ nhiệm sở, lên địa bàn Tây nguyên “lánh nạn”.

Phát hiện Trần Thị Kiều Hoa đi khỏi nơi cư trú, nhiều người cho vay tiền tổ chức đi tìm nhưng không phát hiện đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Sau khi nhận đơn, Công an tỉnh Quảng Nam đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành làm rõ vụ việc. Biết không thể trốn tránh khỏi sự truy tìm nên sau đó, Trần Thị Kiều Hoa đã trở về và đến cơ quan Công an trình diện.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam thông báo, ai là người bị hại của Trần Thị Kiều Hoa cần gửi đơn đến cơ quan Công an trình báo sự việc và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.

M.T