Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều người tập trung tại trụ sở GFDI đòi tiền

Thứ năm, 07/11/2024 08:10
Khách hàng tập trung tại trụ sở GFDI trên đường 29-3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Theo phản ánh của khách hàng, Công ty GFDI đã huy động vốn từ người dân để đầu tư, kinh doanh với lãi suất cao, lên tới 50% trong năm đầu và giảm dần theo các năm. Khi làm hợp đồng, công ty sẽ tính số tiền lãi vào tiền gốc của khách hàng và phần lãi suất trong hợp đồng chỉ để 12%/năm. Khách hàng muốn đầu tư (ký kết hợp đồng cho vay) với GFDI phải đáp ứng số tiền đầu tư thấp nhất là 120 triệu đồng. Các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của GFDI gồm Quản lý vốn, F&B, sản xuất hàng tiêu dùng & thương mại, G-Media, kinh doanh và phân phối bất động sản, thể thao điện tử. Sở dĩ nhiều khách hàng tập trung tại trụ sở GFDI đòi tiền vì họ nhận được thông tin công ty mất khả năng thanh khoản.

Ông V.T.S (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) lo lắng vì đã gửi tiền vào công ty để đầu tư với mong muốn nhận lại lãi suất cao. Theo ông V.T.S, khách hàng muốn đầu tư (ký kết hợp đồng cho vay) vào Công ty GFDI phải đáp ứng số tiền thấp nhất 120 triệu đồng và nhận mức lãi suất gần 50%/năm (trả 1 lần cả lãi và gốc sau khi hết hạn hợp đồng). Về sau, công ty hạ dần mức lãi suất xuống còn 11% cho toàn bộ thời hạn vay.

Trước đó, ngày 2-11, Công ty GFDI đã có Thông báo số 591/2024/TB-GFDI gửi khách hàng về chương trình ưu đãi tháng 11-2024. Trong đó, công ty hứa hẹn: khi khách hàng ký mới hợp đồng có giá trị dưới 500 triệu đồng sẽ được tặng tiền mặt có giá trị 0,5% hợp đồng; với hợp đồng từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng sẽ được tặng 1% hợp đồng; với hợp đồng trên 1 tỷ sẽ được tặng 1,5% giá trị hợp đồng. Đối với khách hàng đáo hạn nâng vốn, số tiền nâng vốn tối thiểu 150 triệu đồng mới được áp dụng chương trình… Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Tổng giám đốc Công ty GFDI Nguyễn Quang Hoàng đã ký Thông báo 594/2024/TB-GFDI ngày 5-11 về việc tạm ngừng giao dịch trên hệ thống. Theo thông báo, căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế, hệ thống đang được bảo trì nên công ty sẽ tạm ngừng giao dịch đến khi có thông báo mới.

Đồng thời, mạng xã hội cũng lan truyền tâm thư được cho là của Tổng giám đốc GFDI với nội dung các mảng đầu tư vốn là nguồn thu lợi chính của GFDI đã không còn mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Công ty hiện đang tiến hành rà soát, tái thẩm định và sẽ tạm dừng những dự án đầu tư không còn khả năng sinh lợi tốt để đảm bảo quản lý tốt nhất nguồn vốn của khách hàng. Công ty rất tiếc phải thông báo đến khách hàng trong thời gian tới sẽ chậm chi trả lãi cho một số hợp đồng đầu tư của khách hàng.

Công ty GFDI được thành lập từ năm 2018, có trụ sở tại đường 29 Tháng 3 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), hoạt động trong 6 lĩnh vực gồm: Quản lý vốn, F&B, sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại, G-Media, kinh doanh và phân phối bất động sản, thể thao điện tử. Công ty hiện có hàng chục chi nhánh tại các tỉnh, thành trên cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Quảng Trị…

HẢI QUỲNH

“Nữ quái” kêu gọi góp vốn mua bán đất chiếm đoạt hơn 19 tỷ đồng

Làm ăn thua lỗ, Đinh Thị Tiến (1991, trú TX Điện Bàn, Quảng Nam) kêu gọi nhiều người góp vốn mua bán đất rồi chiếm đoạt tiền để trả nợ. Ngày 28-10, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đinh Thị Tiến về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nam nhân viên ngân hàng lừa tiền tỷ của nữ giám đốc doanh nghiệp bị tuyên 14 năm tù

Với chiêu bài vay tiền để đáo hạn cho khách hàng, một nhân viên chi nhánh ngân hàng ở TP Huế đã lừa đảo chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng của một nữ giám đốc doanh nghiệp để trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thanh niên lừa nhiều bạn học chiếm đoạt hơn 5,7 tỷ đồng

Lợi dụng công việc là nhân viên ngân hàng, Huỳnh Tấn Anh Điệp (1992, trú xã Điện Phước, TX Điện Bàn, Quảng Nam) nói dối là cần tiền để thực hiện dịch vụ đáo hạn các khoản vay để lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các bạn học. Ngày 24-9, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Huỳnh Tấn Anh Điệp về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.