Nhóm tuần tra “ăn cơm nhà” bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám
Tình nguyện bảo vệ đàn voọc
Cuối tháng 6, phóng viên (P.V) Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng liên hệ hẹn anh Nguyễn Dư (44 tuổi, trú thôn Tú Mỹ, xã Tam Mỹ Tây), là Trưởng Nhóm tuần tra thôn bản Tam Mỹ Tây (gọi tắt: Nhóm tuần tra) dẫn lên thăm đàn voọc chà vá chân xám đang cư trú tại địa bàn. Anh Dư bảo: “Phải lên sớm thì mới gặp đàn voọc ra ăn, trời hửng nắng là chúng vào bóng cây ẩn nấp”. P.V đến nhà anh Dư từ sáng sớm thì đã thấy có 5 người trong nhóm tuần tra chuẩn bị nước uống, vài gói bánh ăn lấy sức lúc đi núi. Chúng tôi điều khiển xe máy băng qua những ngọn đồi cây keo, sau đó đi bộ lên đồi Đá Dựng nơi có đàn voọc đang sinh sống.
Đến đây, chúng tôi bắt gặp đàn voọc hơn 10 cá thể đang đánh đu vui đùa trên tán cây rừng ăn quả, lá cây. Trong đàn có 2 cá thể nhỏ đang được mẹ ôm ấp. Đàn voọc ăn được 1 giờ thì trời bắt đầu hửng nắng liền di chuyển vào tán cây rừng nấp. Sau đó, Nhóm tuần tra đi quanh khu rừng, đi dọc con suối kiểm tra không phát hiện chiếc bẫy thú của “thợ săn” đặt.
Ngồi nghỉ chân bên con suối nhỏ, anh Dư cho hay, trước đây, khu vực này là rừng nguyên sinh nhưng người dân xâm lấn trồng cây keo. Còn lại 4 khu vực đồi Dương Bông, Hòn Dồ, Hòn Ông và Đá Dựng (tổng diện tích hơn 30ha) toàn đá lớn, người dân không phá nên còn cây rừng, là nơi ở của nhiều loại thú. Năm 1997, anh đi rừng phát hiện có đàn voọc rất đông sinh sống ở 4 ngọn đồi. Tuy nhiên, do chưa có chính sách bảo vệ nên tình trạng săn bắt diễn ra thường xuyên, số lượng đàn voọc suy giảm mạnh. Đến năm 2015 anh đếm được chỉ còn khoảng hơn 20 con. “Người dân ở đây chưa biết rõ tên nên gọi nó là con dọc. Nó chỉ ăn quả, lá cây rừng, cơ thể có nhiều màu sắc sặc sỡ rất đẹp nên tôi yêu thích muốn bảo vệ. Tôi nhiều lần gặp khuyên “thợ săn” đừng săn bắn nó làm thức ăn nhưng họ không nghe. Năm 2015, tôi, anh Nguyễn Hải (51 tuổi) và anh Lương Thanh Vân (45 tuổi) thành lập nhóm bảo vệ dọc, gỡ bẫy của “thợ săn” đặt trong rừng và dọc con suối”- anh Dư nói.
Dù đã có tuổi nhưng đôi chân ông Nguyễn Hải vẫn bước thoăn thoắt leo núi. Có lẽ tình yêu thương đối với con voọc đã tiếp thêm sức mạnh cho ông. Ông Hải tâm sự: “Tận mắt nhìn thấy chúng ôm ấp, bắt rận cho nhau giống như tình thương của con người khiến tôi rất xúc động. Ngoài thời gian làm việc đồng áng, tôi cùng 2 em Dư và Vân lên núi tháo bẫy, khuyên ngăn “thợ săn” đừng bắt nó làm thức ăn. Năm 2015, có 1 con bị dính bẫy được người dân phát hiện bàn giao cho kiểm lâm địa phương chuyển ra Vườn quốc gia Cúc Phương điều trị. Sau đó, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Green Viet vào kiểm tra và xác định đây là loài voọc chà vá chân xám quý hiếm đang được bảo vệ”.
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ
Sau khi xác định loài voọc chà vá chân xám nằm trong Sách Đỏ Việt Nam xếp ở bậc Nguy cấp đang cư trú tại địa phương, UBND xã Tam Mỹ Tây thành lập Nhóm tuần tra có anh Dư, Hải và Vân làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám. Năm 2019, nhóm tăng lên 10 người và được Trung tâm Green Viet hỗ trợ chi phí đi tuần tra mỗi tháng 3 triệu đồng. Khi được giao nhiệm vụ, các thành viên trong nhóm tăng cường công tác tuần tra để kịp thời ngăn chặn tình trạng săn bắn voọc chà vá chân xám. Nhờ được bảo vệ, năm 2017 có 25 cá thể thì đến năm 2022 kiểm đếm số lượng tăng lên 69 cá thể voọc. Trong những chuyến kiểm tra, nhóm phát hiện tăng lên 6 đàn voọc sinh sống ở 4 ngọn đồi, mỗi đàn có thêm 3-5 cá thể.
“Nhận nhiệm vụ, chúng tôi ngăn cản không cho “thợ săn” vào rừng, đồng thời báo cho lực lượng kiểm lâm đến giải quyết. Nhóm không thể thường xuyên tuần tra nên tuyên truyền vận động người dân trồng cây keo xung quanh, nếu thấy người lạ vào rừng thì báo cho nhóm. Từ nguồn tin báo của dân, chúng tôi đã kịp thời ngăn cản được nhiều nhóm đối tượng mang súng, bẫy lên khu rừng săn bắt thú rừng và voọc. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đối tượng lén lút vào rừng đặt bẫy, năm 2022 nhóm phát hiện, tháo gỡ 5 chiếc bẫy thú rừng. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, nhóm còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân 4 xã giáp ranh nâng cao ý thức bảo vệ đàn voọc. Số lượng voọc tăng lên nhanh trong khi diện tích cư trú tương đối nhỏ, các hộ dân đã hiến đất, cây keo sát khu rừng để mở rộng không gian sống cho voọc” - anh Dư chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây Phan Đình Dung cho biết, dù địa phương chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí, nhưng Nhóm tuần tra đã bảo vệ đàn voọc với tất cả trách nhiệm, tình yêu thương. Để bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất triển khai dự án “Rừng cộng đồng xã Tam Mỹ Tây”, giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Trung tâm Green Viet hỗ trợ mở rộng sinh cảnh sống cho loài voọc chà vá chân xám lên 60ha. UBND xã Tam Mỹ Tây cũng đã tổ chức vận động những hộ dân có rẫy keo trong khu vực mở rộng sinh cảnh sẵn sàng giao đất, đồng ý nhận đền bù theo quy định của Nhà nước.
Qua chuyến đi, P.V cảm nhận được tình yêu thương của Nhóm tuần tra đối với đàn voọc chà vá chân xám nơi đây. Dù số tiền 3 triệu đồng được hỗ trợ không đủ tiền xăng xe đi tuần tra, nhưng họ vẫn quyết tâm bảo vệ đàn voọc với tất cả tinh thần trách nhiệm của mình.
Lê Vương